Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho biết, nước này sẽ gia hạn quyết định cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện ở mức 500.000 thùng/ngày. Theo đó, quyết định này được gia hạn đến cuối tháng 12/2024.
Việc Nga tự nguyện cắt giảm thêm lượng dầu xuất khẩu nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa được các nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) thực hiện nhằm duy trì sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ.
Ông Novak lưu ý việc cắt giảm sản lượng dầu của Nga sẽ được xem xét hằng tháng để cân nhắc khả năng tiếp tục giảm hoặc tăng sản lượng, tùy thuộc vào tình hình thị trường thế giới.
Nguồn tin chính thức từ Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi nói với hãng thông tấn nhà nước SPA rằng vương quốc này sẽ gia hạn mức cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày, trong vòng ít nhất ba tháng nữa.
Giá dầu tăng hơn 1% vào thứ Ba sau khi Ả Rập Saudi và Nga tuyên bố gia hạn mới việc cắt giảm nguồn cung.
Gía dầu Brent tăng 1,21 USD hay 1,4%, lên 90,21 USD/thùng lúc 13:53 GMT, vượt qua mức 90 USD lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái. Dầu thô trung cấp West Texas của Mỹ (WTI) tăng 1,59 USD, khoảng 0,3%, lên 85,80 USD/thùng.
Việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Saudi được thực hiện kể từ tháng 7 là đợt cắt giảm lớn nhất trong nhiều năm, đã làm giảm sản lượng của vương quốc này xuống còn 9 triệu thùng mỗi ngày. Việc cắt giảm này bổ sung cho mức cắt giảm đã được Riyadh công bố trước đó vào tháng 4/2023.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, Ả Rập Saudi cần dầu thô Brent giao dịch ở mức khoảng 81 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Vương quốc rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm nay sau khi báo cáo thặng dư vào năm 2022 lần đầu tiên sau gần một thập kỷ.
Trong khi đó, Nga đang cố gắng tăng doanh thu để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh ở Ukraina.
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, nơi sản xuất 40% lượng dầu thô của thế giới, đã liên tục đẩy giá dầu lên cao hơn trong những tháng gần đây, một diễn biến có thể gây ra hậu quả đối với lạm phát và lãi suất.
Tuy nhiên, OPEC+ cho rằng sự thay đổi này phù hợp với cam kết liên tục của hiệp hội và các đối tác bên ngoài, dẫn đầu là Nga, nhằm hướng đến và duy trì thị trường dầu mỏ ổn định, đồng thời đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường.
"Quỹ đạo tăng giá gần đây của giá dầu đã đặt nền móng cho số liệu chỉ số giá tiêu dùng có khả năng tăng cao trong tháng 8", Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management cho biết.
Những đợt tăng giá dầu sắp xảy ra này đặt ra một thách thức mới đối với các ngân hàng trung ương khi họ tiếp tục nỗ lực hết mình để đưa mức lạm phát trở lại mức mục tiêu mong muốn của họ.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá chiều 5-9. Cụ thể, giá xăng tăng cao nhất là 270 đồng/lít, giá dầu tăng cao nhất 505 đồng/lít. Đáng chú ý là giá dầu mazut giảm 277 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh này, liên Bộ không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã tăng lần thứ 6 liên tiếp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
(Nguồn: CNN/Reuters)