Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina?

Những ngày qua, các diễn biến căng thẳng trong quan hệ Nga-phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng Ukraina đang là tâm điểm của dư luận quốc tế.

Các cuộc điều quân đến sát biên giới Nga và Ukrainacủa các bên khiến căng thẳng ngày càng tăng nhiệt khi bên nọ liên tục cáo buộc bên kia de dọa an ninh quốc gia lẫn nhau.

Rất nhiều các nỗ lực ngoại giao của lãnh đạo các nước như các chuyến thăm, các cuộc họp, các cuộc điện đàm… đã được thực hiện trong những tuần qua, song đâu mới thực sự là lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraina hiện nay?

ukraine-crisis-putin-biden-johnson-scholz-2022-afp.jpg

Nhìn lại cuộc khủng hoảng Ukraina

Ukraina có vị trí chiến lược quan trọng và có sự gắn kết cả về văn hóa, lịch sử và tôn giáo với Nga. Cả tiếng Nga lẫn tiếng Ukraina đều được sử dụng phổ biến ở Ukraina.

Năm 2014, quan hệ giữa Nga và Ukraina trở nên căng thẳng sau khi lực lượng thân phương Tây tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của Thủ tướng Ukraina Viktor Yanukovych (tháng 2/2014), một nguyên nhân dẫn tới việc Bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga tháng 3/2014 và tiếp đó là cuộc xung đột nổ ra tại miền Đông Ukraina khi hai điểm nóng ở miền Đông là Donetsk và Lugansk đòi ly khai để trở thành quốc gia độc lập.

Sau khi Tổng thống Viktorr Yanukovich bị phế truất, Ukraina đã quyết định đặt cược tái định hướng kinh tế vào Tây Âu, giữa lúc nền kinh tế Ukraina thì vẫn còn lệ thuộc vào thị trường Nga.

Ukraina cũng có chung đường biên giới với EU và EU cũng không muốn làm thất vọng “những người bạn ở Kiev”. Đây cũng là lý do khiến quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây trở nên vô cùng căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraina.

Mỹ và các đồng minh NATO đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga kể từ đó đến nay.

Cũng ở thời điểm đó, khi tình hình ở miền Đông Ukraina vô cùng căng thẳng bởi giao tranh liên tục diễn ra giữa lực lượng chính phủ Ukraina với phe ly khai ở hai điểm nóng là Donetsk và Lugansk, nhiều cuộc đàm phán đã được tổ chức nhằm chấm dứt căng thẳng, trong đó nổi bật có “Định dạng Normandy” vốn được hình thành vào năm 2014 gồm lãnh đạo 4 nước: Nga, Ukraina, Pháp và Đức với mục đích thảo luận trực tiếp về giải pháp hạ nhiệt căng thẳng tại miền Đông Ukraina khi đó.

Sau đó, nhiều cuộc đàm phán theo định dạng Normandy đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến ở miền Đông Ukraina, trong số đó Thỏa thuận Minsk 2 (ký kết tháng 2/2015) dưới sự bảo trợ của nhóm "Bộ tứ Normandy" đã giúp tạo ra một thỏa thuận ngừng bắn ở vùng Donbass, được xem là con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraina.

Thỏa thuận Minsk 2 với 13 điểm, trong đó nổi bật nhất là một lệnh ngừng bắn. Yêu cầu tiếp theo là các bên rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), gồm 57 thành viên, bao gồm cả Mỹ và Canada, sẽ giám sát tiền tuyến.

Các yêu cầu khác bao gồm tổ chức đối thoại về bầu cử địa phương tại các khu vực do lực lượng đòi độc lập kiểm soát; khôi phục các liên kết kinh tế và xã hội đầy đủ giữa hai bên để có thể chi trả lương hưu; khôi phục quyền kiểm soát của Chính phủ Ukraina trên biên giới với Nga hay tất cả các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê phải rút lui;…

Trước đó, Thỏa thuận Minsk 1 đã được Ukraina và phe đòi độc lập ở Donbass nhất trí vào tháng 12/2014, gồm 12 điểm liên quan đến trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng, song thỏa thuận này đã nhanh chóng đổ vỡ, khi cả hai bên đều vi phạm.

Thực tế, sau khi có Thỏa thuận Minsk 2, những trận giao tranh tồi tệ nhất miền Đông Ukraina đã dừng lại và các giám sát viên của OSCE nhanh chóng triển khai tại khu vực. Bởi vậy ở thời điểm đó, Thỏa thuận Minsk 2 đã thắp lên một tia hy vọng cho cuộc khủng hoảng trầm trọng ở Ukraina.

Cho đến ngày nay, OSCE vẫn tuần tra tiền tuyến và báo cáo các vi phạm lệnh ngừng bắn diễn ra dọc theo biên giới. Nhiều nhà phân tích cho rằng ít nhất Thỏa thuận Minsk 2 đã được thực hiện một phần.

429df4c8-12ce-4cd0-97d8-3929a1659b5e.jpg

Những căng thẳng mới

Kể từ sau Thỏa thuận Minsk 2, trong nhiều năm qua, tình hình biên giới giữa Nga và Ukraina vẫn luôn được coi là một “lò lửa” thường xuyên âm ỉ cháy, với giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraina với phe ly khai ở miền Đông được Nga ủng hộ.

Từ cuối tháng 11/2021 đến nay, vấn đề Ukraina lại tiếp tục “nóng” lên, sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía Tây để lên kế hoạch tấn công Ukraina.

Trong khi Nga nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía Đông.

Moskva cho rằng những cáo buộc của các nước phương Tây là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Moskva cũng cáo buộc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraina, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.

Tháng 12/2021, Nga đã gửi 2 bản đề xuất an ninh lần lượt đến Mỹ và NATO, trong đó yêu cầu khối quân sự NATO phải cam kết bằng văn bản về việc ngừng mở rộng về phía Đông và không kết nạp Ukraina.

Nga cho rằng việc mở rộng hoạt động của NATO về phía Đông sẽ gây ra những rủi ro “không thể chấp nhận được” mà Nga sẽ phải đối mặt, đồng thời đây cũng mà một trong những yếu tố có thể gây tổn hại an ninh châu Âu.

Tuy nhiên, đề nghị của Nga đã bị NATO khước từ. NATO khẳng định chỉ có Ukraina và 30 quốc gia NATO mới có thể quyết định nước này có trở thành thành viên của khối hay không.

Sau những diễn biến trên, tình hình ở Ukraina leo thang khi các nước liên tục điều quân đến khu vực đến sát khu vực biên giới Nga-Ukraina. Về phía Nga, nước này đã thực hiện điều chuyển quân tới các khu vực giáp biên giới với Ukraina, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Belarus.

Trong khi đó, từ cuối tháng 1 vừa qua, Mỹ đã đưa 8.500 quân vào tình trạng trực chiến sẵn sàng triển khai tới châu Âu, trong trường hợp cuộc khủng hoảng Ukraina leo thang căng thẳng. Ngày 2/2, Mỹ tiếp tục thông qua quyết định triển khai thêm 3.000 binh sĩ đến Đông Âu (bao gồm 1.000 binh sĩ tới Romania và 2.000 binh sĩ tới Ba Lan và Đức).

Ukraina hồi đầu tháng 2 cũng đã ký thành luật kế hoạch tăng cường các lực lượng vũ trang từ 250.000 binh sỹ thường trực lên khoảng 361.000 binh sỹ…

main-qimg-53cc9049725ef7e7efdefb7a051b7e4f-lq.jpg

Đối thoại để hạ nhiệt căng thẳng

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, nhóm Normandy gồm các nước Ukraina, Nga, Đức và Pháp đã nối lại các cuộc họp nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng. Mới nhất là cuộc họp ngày 10/2/2022 tại thủ đô Berlin (Đức) song không đạt kết quả.

Trước đó, Nhóm Normandy cũng đã họp tại Paris (Pháp) vào ngày 26/1/2022, tại đây cả 4 bên đều ủng hộ tuân thủ không điều kiện về việc ngừng bắn cũng như chấp hành đầy đủ các biện pháp tăng cường lệnh ngừng bắn bất kể các bất đồng về các chủ đề khác liên quan đến việc thực thi các thỏa thuận Minsk.

Bên cạnh nỗ lực đàm phán của Nhóm Normandy, những ngày qua cũng đã ghi nhận nỗ lực ngoại giao của các lãnh đạo phương Tây nhằm tìm giải pháp làm giảm căng thẳng ở Ukraina.

Tổng thống Pháp Emmanuel đã thực hiện các chuyến thăm đến Nga và Ukraina (ngày 7 và 8/2) để thảo luận các vấn đề liên quan. Hai chủ đề chính mà ông Macron đề cập trong chuyến đi này là thúc đẩy thực thi thỏa thuận Minsk và vấn đề an ninh của châu Âu.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraina, ông Macron bày tỏ lạc quan về triển vọng tình hình Ukraina sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, song ông Macron cũng thừa nhận cần có thêm thời gian để cụ thể hóa các cuộc đối thoại. Pháp cam kết sẽ làm tất cả để thực hiện vai trò trung gian hòa giải.

Sau khi kết thúc các chuyến thăm Nga và Ukraina, Tổng thống Pháp Macron cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Berlin (Đức).

Ông Macron khẳng định nối lại các cuộc đối thoại với Nga là không thể thiếu để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina và đảm bảo an ninh cho châu Âu, đặc biệt là cuộc gặp 4 bên theo Định dạng Normandy.

Thủ tướng Đức Scholz cũng nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm hòa bình ở châu Âu thông qua ngoại giao, và nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Nga.

2211-russia_ukraine_lead_new-2_trans_nvbqzqnjv4bqsm-v9ua_mpzvtd3vofwrlddzgel6yxeswf3xagmudyc.jpg

Cùng thời điểm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã đến Mỹ (ngày 8/2), và đến Ukraina (ngày 14/2), đến Nga (ngày 15/2) để tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề Ukraina. Giống như Pháp, Đức cũng có quan điểm ôn hòa với Nga hơn so với các nước phương Tây khác.

Những thông điệp "không muốn chiến tranh" và "sẵn sàng tiếp tục đối thoại" đã được cả hai nhà lãnh đạo Olaf Scholz và Vladimir Putin phát đi trong và sau cuộc hội đàm ngày 15/2 là những động thái được xem là thiện chí từ các bên…

Có thể thấy, dù cho quan điểm của Nga và các nước phương Tây vẫn chưa thể đạt được thống nhất chung về các vấn đề, nhưng dù chưa thể giải quyết triệt để các vấn đề song các nỗ lực ngoại giao này đã phần nào cho thấy mong muốn đối thoại của các bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraina.

Thực tế, tất cả các bên đều hiểu rõ hậu quả thảm khốc một khi chiến tranh xảy ra. Vì thế, sự thỏa hiệp trong cuộc đối đầu giữa các bên là điều cần thiết nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

(Nguồn: TTXVN)

GIA KIỆT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương