Giá tiêu thế giới liên tục tăng, trong nước đi ngang

Giá tiêu hôm nay không có nhiều biến động tại các địa phương trồng tiêu trọng điểm Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Giá tiêu dao động từ 83.000 - 85.000 đồng/kg.

Cụ thể giá tiêu cao nhất ở ngưỡng 85.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 83.000 đồng/kg tại Gia Lai.

Giá tiêu tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo): 84.000 đồng/kg, Bình Phước: 85.000 đồng/kg, Đồng Nai: 84.000đồng/kg.

cooking-with-spices-east-indian-bottle-masala-1024x640.jpeg

Trên thế giới, theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tại khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ tiếp tục tăng, đây là tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong đợt này. Tiêu đen nội địa của quốc gia này tăng 2%, lên 7.293 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Kochi cũng tăng 2% lên 7.560 USD/tấn.

Còn tại Sri Lanka, giá tiêu nội địa tăng tuần thứ 7 liên tiếp. Tiêu đen nội địa của quốc gia này tăng 2%, từ 5.163 USD/tấn lên 5.252 USD/tấn. Giá tiêu tại Sri Lanka đã tăng tới 26% trong hơn 1 tháng qua.

Trong khi đó, giá tiêu giao dịch nội địa và quốc tế của Indonesia giảm do sự suy yếu của đồng Rupiah Indonesia so với USD (IDR 14.360 IDR/USD), giảm 1%.

Cụ thể, tiêu đen nội địa của quốc gia này giảm 1%, từ 3.819 USD/tấn xuống 3.795 USD/tấn; tiêu trắng nội địa giảm 1%, từ 6.481 xuống 6.442 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Lampung giảm 1%, từ 4.524 USD/tấn xuống 4.497 USD/tấn; giá FOB tiêu trắng tại cảng Pinang giảm 1%, từ 7.459 xuống 7.414 USD/tấn.

Trong khi đó, giá tiêu trắng của Malaysia trên thị trường quốc tế ghi nhận chiều hướng tích cực trong tuần này. Còn các loại khác được giao dịch ổn định trong 4 tuần qua.

Cụ thể, giá tiêu đen nội địa giữ ổn định 3.558 - 3.572 USD/tấn; tiêu trắng nội địa từ 6.019 - 6.021 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Kuching giữ ở mức 5.200 USD/tấn với loại 500g/l; giá FOB tiêu trắng tại cảng Kuching tăng từ 7.400 lên 7.440 USD/tấn.

Theo The Hindu Business Line, giá tiêu tại quốc gia Nam Á Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục 532 Rupees/kg dẫn đến việc nông dân và các đại lý ở các thị trường sơ cấp găm hàng không bán với hy vọng giá sẽ tăng thêm. Do đó, nguồn cung hàng hóa trên thị trường đã bị ảnh hưởng.

Số liệu từ Cục Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Indonesia trong 9 tháng năm nay đạt 29.205 tấn, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tiêu trắng nguyên hạt chiếm 47,7% tỷ trọng với 13.931 tấn, tiêu đen nguyên hạt là 10.800 tấn và chiếm 37% tỷ trọng, còn lại là tiêu đã xay.

So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hồ tiêu của Indonesia sang các thị trường chính của nước này đều giảm như: Việt Nam giảm 50,5% (đạt 12.393 tấn); Trung Quốc giảm 40,6% (đạt 7.231 tấn); Mỹ giảm 7,8% (đạt 4.355 tấn).

Ba nước này chiếm 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu của Indonesia.

Xuất khẩu hồ tiêu của Indonesia giảm là điều đã được dự báo từ trước do năng suất và sản lượng hồ tiêu của các nước này giảm trong năm nay, do đó Indonesia chủ yếu tập trung nguồn cung cho thị trường nội địa.

(tổng hợp)

HẢI MY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương