Giảm thêm lãi suất là vấn đề cần cân nhắc

Mặc dù các chuyên gia đều có chung nhận định cho rằng, dư địa hạ lãi suất vẫn còn, nhưng làm thế nào để có thể thực hiện giảm thêm lãi suất là vấn đề cần cân nhắc.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định dư địa chính sách tiền tệ liên quan mật thiết đến thách thức của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. "Lạm phát đang trở thành vấn đề toàn cầu, các ngân hàng Trung ương (NHTW) đã bắt đầu thu lại hỗ trợ. Từ phía NHNN, chúng tôi đang theo dõi rất sát, nếu nguy cơ lạm phát hiện hữu thì có thể phải kiểm soát tiền tệ, ảnh hưởng đến thanh khoản và mặt bằng lãi suất", ông Hà thông tin.

Hệ thống ngân hàng huy động tiền của nền kinh tế để cho vay nền kinh tế, cho nên mặt bằng lãi suất cũng chỉ có thể giảm đến mức còn đủ sức hấp dẫn để thu hút được tiền vào hệ thống ngân hàng để cho vay nền kinh tế. NHNN cần cân bằng việc điều hành lãi suất trong tương quan với lạm phát và mức độ lợi ích của người gửi tiền, chất lượng tài sản của TCTD. Tuy nhiên, ông Hà khẳng định thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai chuyển đổi số, cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.

Qua năm 2021, các nước nhờ tốc độ bao phủ vaccine nhanh đã bắt đầu mở cửa trở lại nhưng phải đối mặt với thực tế là sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, logistic gặp khó khăn, thiếu hụt nhân công, giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là sau thời gian dài phong tỏa sức cầu tăng đột biến. Việc mất cân đối cung cầu, có thể xem là nguyên nhân chính đưa lạm phát lên cao. Từ áp lực tăng cao lạm phát ở trên thế giới đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam một lựa chọn. Đó là xác định quy mô gói kích thích, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch ở mức độ nào là phù hợp, là khả thi và không gây những bất ổn cho kinh tế vĩ mô sau này.

Theo số liệu của các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình đã có diễn biến tăng nhẹ trở lại trong tháng 11/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình lãii suất huy động 6 tháng và 12 tháng cùng tăng nhẹ khoảng 0,01 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 4,71% và 5,51% vào cuối tháng 11.  Mặc dù vậy, so với cùng kỳ, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng tới cuối tháng 11/2021 đang giảm lần lượt 0,33 và 0,49 điểm phần trăm. Nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) là nhóm ngân hàng duy nhất có sự điều chỉnh về lãi suất huy động trong tháng 11, lần lượt 0,03 và 0,02 điểm phần trăm, lên trở lại mức 5,42% và 6,02%/năm, lần lượt với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng trong tháng 11 này. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của 2 nhóm ngân hàng này lần lượt ở mức 4,41% và 3,78%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 5,25% và 4,95%/năm.

Trong một hội thảo diễn ra vào cuối tháng 11, đại diện NHNN cũng cho biết cơ quan này đang nghiên cứu và xem xét khả năng sẽ tiếp tục lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Trước đó, trong năm 2020, lộ trình này đã được NHNN lùi lại một năm, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống còn 37% trong giai đoạn từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022 và sẽ giảm xuống còn 34% từ 1/10/2022 tới 30/9/2023 và xuống 30% từ 1/10/2023.  Trong năm nay, đánh giá các tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và triển vọng phục hồi, NHNN đang xem xét lùi thêm 1 năm nữa để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.  Tăng trưởng tín dụng, tính tới ngày 25/11/2021, đã đạt mức 10,1%, tăng mạnh từ 8,72% vào ngày 29/10. Trong tháng 11, hàng loạt NHTM đã được nâng hạn mức tín dụng, qua đó giúp tín dụng tăng trưởng mạnh.

Tĩnh Kiên

(Tổng Hợp)