Giao lưu với nhà văn Kevin Chen - Tác giả tiểu thuyết "Vùng đất quỷ tha ma bắt"

Tại Việt Nam, cuốn tiểu thuyết vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quan trọng và được đông đảo độc giả đón nhận.

Sau khi bản dịch tiếng Việt ra mắt, cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội Đài Loan “Vùng đất quỷ tha ma bắt” được đông đảo độc giả yêu văn chương đón nhận và đã tái bản 4 lần chỉ sau vài tháng phát hành.

 Tại nước nhà, cuốn tiểu thuyết vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó phải kể đến giải Kim Điển (thuộc Viện Văn học quốc gia) và giải Kim Đinh (thuộc Bộ Văn hóa).

Tiểu thuyết
Tiểu thuyết "Vùng đất quỷ tha ma bắt" (Ảnh: Thu Phương)

Xoay quanh câu chuyện của một gia đình bảy người con tại một vùng quê nghèo, bằng những thủ pháp nghệ thuật phong phú và cốt truyện hấp dẫn đến từng chi tiết, tác giả Kevin Chen đã khéo léo chạm tới những vấn đề gai góc như định kiến giới, định kiến xã hội, bạo lực gia đình, mê tín dị đoan… và thể hiện xuất sắc những góc sâu tâm lý trong mỗi nhân vật, những ẩn ức thơ ấu và những di sản bất hạnh truyền từ đời này sang đời khác.

Tác giả Kevin Chen (Trần Tư Hoành) sinh năm 1976 tại ngõ Bát Đức, xã Vĩnh Tĩnh huyện Chương Hóa, Đài Loan. Anh là con thứ chín trong gia đình thuần nông. Kevin Chen tốt nghiệp khoa tiếng Anh Đại học Công giáo Phụ Nhân, Viện Hý kịch Đại học Quốc gia Đài Loan, từng đoạt hạng nhất truyện ngắn giải văn học Lâm Vinh Tam, giải tiểu thuyết của năm Cửu Ca, giải Kim Đinh lần thứ 44. Anh hiện đang cư trú tại Berlin, Đức. Cuối tháng Bảy này, nhà văn Kevin Chen cũng có dịp sang Việt Nam để giao lưu với các độc giả cũng như chia sẻ về cuốn sách. 

Tác giả Kevin Chen (Ảnh: Thu Phương)
Tác giả Kevin Chen (Ảnh: Thu Phương)

Hành trình trở về kiếm tìm danh tính

“Vùng đất quỷ tha ma bắt” lấy bối cảnh vùng quê nghèo Vĩnh Tĩnh, Trung đảo Đài Loan, kể về gia đình bảy anh chị em nhà họ Trần cùng những ẩn ức trong tâm lý của mỗi người, vẽ nên một bức tranh những vấn đề gai góc trong xã hội Đài Loan.

Cuốn tiểu thuyết dài hơn 400 trang này bao gồm 45 chương, mỗi chương là một giọng kể  khác nhau, lần lượt cho từng thành viên trong gia đình có cơ hội được kể câu chuyện của mình, bao gồm cả một hồn ma - là người cha đã khuất.

Nhân vật chính của “Vùng đất quỷ tha ma bắt” là Trần Thiên Hoành - người con trai út nhà họ Trần, sau khi mãn hạn tù vì tội giết người bạn đời đồng tính ở Đức, nay trở về quê cũ để tang cha.

Tiểu thuyết
Tiểu thuyết "Vùng đất quỷ tha ma bắt" (Ảnh: Thu Phương)

Nhân vật Tôi chật vật trong sự phân biệt đối xử của người mẹ vì là một người đồng tính nam, cuối cùng bứt khỏi gia đình và “vùng đất quỷ tha ma bắt” Vĩnh Tĩnh để sang Đức sinh sống và bắt đầu sự nghiệp văn chương. Nhưng chạy trời không khỏi nắng, “ma quỷ” theo chân, nhân vật Tôi vẫn phải bước chân trở về quê cũ khi hay tin cha mất, cũng bắt đầu trở về tìm lại nhân dạng của chính mình.

Bầu không khí đậm đặc văn hóa bản địa

Yếu tố văn hóa bản địa đóng một vai trò đặc biệt quan trọng và then chốt trong tiểu thuyết “Vùng đất quỷ tha ma bắt”. Từ những dòng đầu tiên cho tới tận dòng cuối cùng, Kevin Chen đều dùng trọn vẹn để nói về vùng quê Vĩnh Tĩnh: một vùng quê nghèo, xa xôi hẻo lánh với vô vàn tập tục, lễ nghi mê tín dị đoan đến mức hủ tục.

Để nhấn mạnh những chi tiết hủ tục làng quê và dựng nên không khí ma mị, hư ảo cho tiểu thuyết, toàn bộ mạch truyện chính của “Vùng đất quỷ tha ma bắt” chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ, vào đúng ngày rằm tháng Bảy, cũng là khi các con về để tang người cha đã khuất. Theo phong tục người bản địa, rằm tháng Bảy là dịp mở cổng địa ngục, các linh hồn có cơ hội trở lại dương gian, vì thế có rất nhiều câu chuyện ma mị, truyền thuyết kinh dị cũng như những kiêng kị cho ngày này.

Bằng bút pháp khéo léo và đầy cảm xúc, Kevin Chen dành nhiều thời lượng của câu chuyện cho những truyền thuyết ma mị, cho những tập tục nhất định phải làm vào ngày rằm tháng Bảy, cho cả những hủ tục mà người dân nơi vùng quê nghèo thường truyền tai nhau và thực hiện, chỉ để sau đó, bóc tách từng lớp, hé lộ sự thật đằng sau tất cả những điều huyền bí và đáng sợ đó, để lại những cảm xúc vỡ oà trong lòng độc giả.

45 chương với rất nhiều góc nhìn và rất nhiều số phận là tấm gương phản chiếu nền văn hoá bản địa vừa đặc sắc cũng vừa bức bách và ngột ngạt.

oiu-0856.jpg
oiu-0856.jpg

“Vùng đất quỷ tha ma bắt” tồn tại trong tâm trí mỗi người

Kevin Chen - tác giả của cuốn tiểu thuyết “Vùng đất quỷ tha ma bắt” cũng là một người con trong một gia đình thuần nông với chín người con. Năm 43 tuổi, Kevin Chen đã lấy chính cuộc đời mình làm chất liệu để viết nên cuốn tiểu thuyết “Vùng đất quỷ tha ma bắt”.

“Vùng đất quỷ tha ma bắt” theo cách diễn giải của Kevin Chen không chỉ dừng lại ở vùng đất hoang vắng, bị bỏ quên, nhiều ma nhiều quỷ mà còn là nơi lẩn khuất và u uẩn trong tâm trí mỗi người, nơi con người ta khóa chặt những gì sâu kín và khó chia sẻ, khó buông bỏ nhất.

Cuốn tiểu thuyết là sự kết hợp và dung hoà của rất nhiều phong cách viết khác nhau: hiện thực huyền hảo, hài kịch đen và bí ẩn giật gân. Mở đầu bằng những truyền thuyết ma mị và không khí oi bức, ngột ngạt của một vùng quê còn nhiều định kiến, tới cuối cùng, “Vùng đất quỷ tha ma bắt” lại cho độc giả thấy chẳng có ma mãnh nào đáng sợ bằng con người. Tất cả những bất hạnh của các nhân vật đều tới từ “Vùng đất quỷ tha ma bắt” trong tâm trí của chính họ, kìm kẹp và đóng khung suy nghĩ của họ, thúc ép họ làm những điều “ma xui quỷ khiến”.

Tiểu thuyết
Tiểu thuyết "Vùng đất quỷ tha ma bắt" (Ảnh: Thu Phương)

Bước chân ra ngoài ranh giới văn chương trong nước

Tiểu thuyết “Vùng đất quỷ tha ma bắt” là cuốn mở đầu “bộ ba tác phẩm Mùa hè” của Kevin Chen. Cuốn sách không chỉ được đông đảo độc giả đón nhận mà còn giành được sự công nhận của giới phê bình. Tiểu thuyết vinh dự nhận được hai giải thưởng văn học danh giá của Đài Loan gồm giải Kim Điển (thuộc Viện Văn học quốc gia) và giải Kim Đinh (thuộc Bộ Văn hoá).

Không chỉ nhận được sự hưởng ứng từ độc giả trong nước, sau khi tiểu thuyết được dịch sang tiếng Anh cũng đã giành được sự chú ý từ độc giả nước ngoài. Tháng Mười năm 2022, cuốn tiểu thuyết được giới thiệu trong list sách Mùa thu của tờ The New York Times và lọt top 10 văn học thế giới năm 2022 do Library Journal bình chọn.

Thu Phương

Biểu tượng chim xanh của Twitter sẽ được thay bằng chữ X

Biểu tượng chim xanh của Twitter sẽ được thay bằng chữ X

Trên dòng twit của mình vào hôm Chủ nhật, Elon Musk được cho là sẽ thay thế biểu tượng con chim xanh nổi tiếng bằng chữ X sau khi thừa nhận các nhà quảng cáo đã chậm quay trở lại.