Giày cao gót: Đẹp nhưng nguy hiểm chết người

Là món đồ thời trang giúp tôn lên vẻ quyến rũ của phụ nữ, nhưng giày cao gót cũng gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, tính mạng người dùng

Bất tiện khi lái xe

Sử dụng giày cao gót khi lái xe có thể khiến phản ứng khi gặp sự cố chậm và không chính xác. Trong ụ tai nạn giao thông tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ xảy ra ngày hôm qua 20/11, nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái khai báo tại cơ quan công an, do bà đi giày cao gót, lại mất bình tĩnh nên đã đạp nhầm chân ga làm ô tô Mercedes tăng tốc, phi thẳng vào dòng phương tiện phía trước, cuốn 3 xe máy, 1 xe đạp vào gầm, khiến 1 phụ nữ tử vong và 3 người bị thương nặng.

Phụ nữ mang giày cao gót khi lái xe ô tô sẽ gặp khó khăn hơn khi chuyển từ chân ga sang chân thắng. Nguồn: baomoi.com
Phụ nữ mang giày cao gót khi lái xe ô tô sẽ gặp khó khăn hơn khi chuyển từ chân ga sang chân thắng. Nguồn: baomoi.com

Ông Trần Vượng, một người dạy lái xe có nhiều năm kinh nghiệm tại Hà Nội, cho biết giày cao gót thường có tiết diện nhỏ, độ trụ chân không tốt, nâng cao chân hơn bình thường nên việc cảm nhận lực tác động tới chân thắng, ga sẽ không thật. Điều này có thể dẫn tới việc xử lý tình huống không chính xác, thậm chí là nhầm lẫn giữa ga và thắng.

Chưa kể, một số đôi giày cao gót có thể mắc kẹt vào thảm trải sàn hoặc vướng vào dây giày, khiến người lái không kịp xoay xở trong tình huống khẩn cấp. Do đó, mỗi khi dạy học viên nữ, ông thường yêu cầu họ không được mang giày cao gót hoặc nếu mang thì phải chuẩn bị một đôi giày đế bằng để dễ thao tác khi lái.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Văn Tạch, cựu kỹ sư ô tô của Toyota Việt Nam khuyến cáo phụ nữ khi lái xe nên "chuẩn bị trong xe một đôi giày phù hợp, có đế thấp và rộng để điều khiển xe dễ dàng hơn".

Không chỉ gây ra mất an toàn khi điều khiển ô tô, việc đi giày cao gót thường xuyên cũng là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe của phụ nữ. 

Một số quốc gia như Anh còn ban lệnh cấm sử dụng giày cao gót, dép xỏ ngón khi điều khiển xe ô tô. 

Bệnh về khớp và cột sống.

Theo nghiên cứu, có tới 25% phụ nữ đi giầy cao gót, nhất là nhóm siêu cao gót với thời gian dài dễ bị tổn thương dây chằng đầu gối và dẫn đến viêm khớp, thấp khớp. Ngoài ra, nó còn gây căng cơ, đau đầu gối và đau lưng. Đặc biệt, nếu lạm dụng còn gây tổn thương gân Asin (Achilles), đây là hệ thống gân quan trọng giúp duy trì tư thế cân bằng khi di chuyển, nếu tổn thương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, đặc biệt là hiện tượng biến dạng và viêm nhiễm, chuyên môn gọi là viêm gân (tendinitis) rất khó hồi phục.

Thêm vào đó, trong mỗi bước di chuyển, cơ thể của bạn bị dồn hết về phía trước và điều này khiến cột sống của bạn dễ bị lệch. Mang giày cao gót trong thời gian dài, sẽ gây mỏi lưng, dễ mắc bệnh gai cột sống.

Những hệ lụy liên quan tới sức khỏe khi thường xuyên đi giày cao gót. Nguồn: steps.vn
Những hệ lụy liên quan tới sức khỏe khi thường xuyên đi giày cao gót. Nguồn: steps.vn

Đau thần kinh tọa, biến dạng tư thế đứng 

Như đã nói ở trên, việc mang giày cao gót quá lâu sẽ khiến cột sống bị lệch, cong vẹo. Khi cấu trúc cột sống bị thay đổi sẽ tạo áp lực lên dây thần kinh, gây ra các cơn đau thần kinh tọa. Ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày của phái nữ.

Giày cao gót làm cho trọng lực dồn xuống bàn chân, tác động đến cấu trúc xương bàn chân. Lâu ngày tạo áp lực gây viêm xương hoặc các dây thần kinh xung quanh bàn chân, làm rạn mao mạch và biến dạng thế đứng.

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nữ giới mang giày cao gót thường xuyên sẽ làm rối loạn hoạt động của hệ thống niệu sinh dục. Nguyên do là giày cao gót tác động đến khung xương chậu, khiến máu lưu thông đến cơ quan sinh sản bị yếu đi.  

Các chuyên gia sức khỏe cũng nhận định, đi giày cao gót quá lâu sẽ dễ mắc chứng rối loạn chu kì kinh nguyệt, mãn kinh sớm. Hình thành các u nang và chứng huyết khối đáng sợ. 

Ngón chân bị biến dạng

Phần lớn giày cao gót thường làm cho trọng lượng cơ thể bị dồn quá nhiều về phía mũi, làm cho các ngón kết lại với nhau. Và lâu ngày bị biến dạng như cong lên, khoằm xuống, khuỷu khớp các ngón trở nên chai cứng, đau đớn. Giải pháp, nếu trầm trọng có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật và nên thay ngay bằng các loại giày thấp gót, có độ rộng hợp lý.

Để phòng tránh những tác hại không mong muốn, nên:

- Không đi giày cao gót quá 5 - 8 giờ/ngày.

- Phần đế giày không quá nhọn và dốc so với mũi giày. Chiều cao thích hợp của dế giày là từ 2 - 4cm, đường kính từ 3 - 5cm.

- Không chọn những đôi giày quá chật. Khi đi phải tạo được cảm giác an toàn, vững chắc và dễ chịu.

- Thay thế giày cao gót bằng những đôi giày bệt, giày đế bằng...

Thu Thủy (t/h)

9 đôi giày thể thao sneaker đình đám nhất mùa Thu 2019

9 đôi giày thể thao sneaker đình đám nhất mùa Thu 2019

Những đôi giày sneaker sang trọng đã sẵn sàng trở thành phụ kiện đáng tiền nhất trong năm 2020, vượt xa cả giày cao gót và các phụ kiện thời trang khác.