Giới đầu tư vẫn tự hỏi liệu thị trường đã có đủ động lực vượt cơn bĩ cực?

Nửa đầu năm 2022, chứng khoán trải qua nhiều biến động lớn. Chỉ số chính lao dốc hơn 20% từ đỉnh, liên tiếp những vụ bắt bớ, thanh lọc thị trường và sau đó là giải pháp chưa từng có từ cơ quan quản lý đưa ra để ổn định tình hình. Nhưng liệu chứng khoán đã qua cơn cực bĩ?

Thị trường trong nước vẫn được đánh giá có nhiều điểm sáng trong nửa cuối năm. Trong khó khăn, thách thức vẫn có nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán. Kinh tế trong nước đang có sự phục hồi và lạm phát cơ bản được kiểm soát, đầu tư công và đầu tư hạ tầng được quan tâm.

Cùng với đó, thể chế pháp luật đã được hoàn thiện ở mức độ tốt hơn. Thêm vào đó, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết dự báo có thể tăng 20% - 25%. Nhà đầu tư nên xác định được khẩu vị rủi ro để có chiến lược phù hợp... đặc biệt là hạn chế tâm lý đám đông. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, nửa đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 1,85 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước.

Kinh tế tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, thế nhưng thị trường chứng khoán không có nhiều tín hiệu lạc quan. Ngay phiên giao dịch 11/7, VN-Index có lúc tạo đáy mới ở 1.147 điểm. Thanh khoản ngày càng suy yếu; tuần qua, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HoSE giảm mạnh chỉ còn 11.173 tỷ đồng. Thế nhưng tâm lý nhà đầu tư còn nhiều do dự, chưa bắt đáy.

Nhóm phân tích của Chứng khoán SHS cho rằng, thanh khoản suy yếu cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn do dự, thiếu sự ổn định cho một sự hồi phục dài hơi. Vì vậy, khả năng thị trường quay trở lại đà giảm trong tuần tới là có thể xảy ra.

Với góc nhìn dài hạn hơn, chuyên gia kỳ vọng sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần, ở vùng giá hiện tại mặt bằng giá cổ phiếu vẫn đang ở mức hấp dẫn, trong bối cảnh đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch vẫn được duy trì, nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2/2022.

Tuy nhiên với quan điểm thị trường đang hình thành vùng tích lũy, nên cân nhắc giải ngân từng phần bởi quá trình tích lũy có thể kéo dài. Không nên giải ngân theo phong cách “all in” (mua hết tiền) để tránh bị tâm lý căng thẳng trong giai đoạn hiện tại.

Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong phiên cuối tuần, áp lực cung bắt đầu cho thấy dấu hiệu suy giảm tại ngưỡng 1.150 điểm, đi kèm với đó là dòng tiền quay lại thị trường khá ấn tượng trong phiên chiều cho thấy tâm lý giao dịch chung trên thị trường đã bắt đầu chuyển sang trạng thái lạc quan hơn.

VCBS kỳ vọng, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động tích lũy quanh ngưỡng 1.150 điểm với biên độ khoảng +/-10 điểm trong một vài phiên tới như một quá trình “tạo nền”. Do vậy, nhà đầu tư nên nên tạm thời quan sát thêm trong những phiên tới bởi vùng hiện tại của chỉ số chung là đang tương đối “chông chênh”.

Tổng Hợp