Hãng chip lớn nhất tăng giá bán, hàng điện tử đắt đỏ hơn

Thời báo Phố Wall (WSJ) đưa tin hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) của Đài Loan (Trung Quốc) có kế hoạch tăng giá chip lên tới 20%.

Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan có kế hoạch tăng giá các loại chip tiên tiến nhất của mình lên khoảng 10% đối với hầu hết chip cao cấp và khoảng 20% đối với các chip ít cao cấp hơn thường được sử dụng trong ngành ô tô.

Các nguồn tin nói rằng việc tăng giá bán này sẽ được áp dụng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Apple là một trong những khách hàng lớn nhất của TSMC và iPhone của họ sử dụng bộ vi xử lý tiên tiến được sản xuất tại xưởng đúc TSMC. Không thể xác định Apple sẽ trả thêm bao nhiêu.

Người phát ngôn của TSMC đã từ chối đưa ra bình luận về thông tin tăng giá sản phẩm trên nhưng cho biết hãng sẽ làm việc chặt chẽ với khách hàng.

Quyết định tăng giá bán của TSMC diễn ra giữa lúc thế giới đối mặt với cơn khan hiếm chip, gây ảnh hưởng đến Apple và hầu hết các hãng xe bao gồm General Motors (Mỹ) và Toyota (Nhật Bản). Trong tháng này, General Motors cho biết đã phải dừng hoạt động ở 3 nhà máy lắp ráp xe bán tải tại Bắc Mỹ. Tuần trước, Toyota thông báo sản lượng xe sẽ giảm 40% trong tháng 9.

im-391586.jpg
TSMC đang lên kế hoạch tăng giá bán chip đến 20%. Ảnh: Getty

Theo nhật báo Nikkei, Toyota từng đặt mục tiêu sản xuất dưới 900.000 xe trong tháng Chín, nhưng hiện giảm xuống còn khoảng 500.000 xe.

Đầu tháng này, Giám đốc Tài chính của Stellantis, ông Richard Palmer, cho biết nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư của thế giới không tin rằng nguồn cung chip sẽ cải thiện trước quý IV/2021.

Stellantis dự kiến mức sụt giảm sản lượng ô tô do thiếu chip của công ty vào khoảng 1,4 triệu xe trong năm 2021.

BMW cũng cảnh báo rằng nửa sau năm 2021 sẽ trở nên khó khăn hơn. Các nhà sản xuất ô tô khác, từ Tesla đến Ford Motor Co đều đã cảnh báo rằng trong tương lai gần, thiếu chip là yếu tố chính ngăn cản đà phục hồi của ngành ô tô.

Theo giới phân tích, động thái tăng giá bán của TSMC phục vụ 2 mục đích khi hãng này ứng phó với tình trạng thiếu chip. Trong ngắn hạn, mức giá bán cao sẽ làm giảm nhu cầu chip, nhờ vậy, nguồn cung chip sẽ tăng lên đối với các khách hàng không còn sự lựa chọn nào khác. Về dài hạn, lợi nhuận cao nhờ giá bán hàng tốt sẽ giúp TSMC đầu tư quyết liệt để mở rộng công suất.

222.jpg

TSMC cho biết sẽ chi 100 tỷ USD trong 3 năm tới để xây dựng các nhà máy và mua sắm thiết bị mới cũng như đầu tư thêm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Hãng chip này đang mở rộng công suất ở Nam Kinh, Trung Quốc và bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chip với tổng vốn đầu tư 12 tỉ đô la ở bang Arizona (Mỹ).

Chip chỉ là một trong nhiều chi phí phải bỏ ra để sản xuất ô tô hay smartphone nhưng mức tăng giá bán chip đáng kể của TSMC rốt cuộc sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng vào năm sau, trừ phi các công ty sản xuất hàng điện tử quyết định tự gánh mức chi phí tăng thêm.

Tình trạng thiếu chip đang đẩy tăng giá laptop, vốn đang chứng kiến nhu cầu cao trong thời kỳ dịch bệnh vì có nhiều người làm việc từ xa.

LAN ANH