Những năm gần đây, hành lang pháp lý đối với trái phiếu doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện từ cấp luật, nghị định đến thông tư.
Vấn đề hiện nay là làm thế nào để giám sát chặt chẽ sự tuân thủ và nâng cao vấn đề đạo đức nghề nghiệp của các chủ thể tham gia thị trường.
Theo đại diện Bộ Tài chính, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, các tổ chức này cần cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác của doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư, đảm bảo tư vấn để doanh nghiệp phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu đối với từng đợt phát hành; cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư về doanh nghiệp phát hành, điều kiện, điều khoản của trái phiếu, các cam kết kèm theo của doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ đối với trái phiếu.
Đối với nhà đầu tư, trước khi Nghị định 65 ra đời, bất chấp khuyến cáo của Bộ Tài chính, một bộ phận nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ (không phải chuyên nghiệp) vẫn tiếp tục tham gia thị trường mặc dù nắm vững quy định pháp luật.
Do đó, Nghị định số 65 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về việc xác định nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp là cá nhân; qua đó, hạn chế các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ và không chuyên nghiệp tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng cho rằng quy định trên vừa nhằm nâng cao chất lượng của các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vừa bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân.
Cụ thể, nghị định sẽ sàng lọc những nhà đầu tư thực sự chuyên nghiệp, có kiến thức đầu tư, am hiểu thị trường, có năng lực tài chính và khả năng tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Nhằm tăng cường hơn nữa tính bền vững, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu Chiến lược tài chính đề ra, ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (hiệu lực cùng ngày ban hành), sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân 46% trong 5 năm qua. Đến nay, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP. Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Chính phủ cũng xác định mục tiêu nâng quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính), nhấn mạnh rằng Nghị định 65 từng bước hướng tới thiết lập môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân.
Theo đó, đối với doanh nghiệp phát hành, Nghị định 65 bổ sung các quy định yêu cầu trách nhiệm cao hơn trong việc minh bạch thông tin khi phát hành trái phiếu thông qua: (i) kết quả xếp hạng tín nhiệm, (ii) xác nhận về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu, (iii) thông tin cụ thể về tài sản đảm bảo, giá trị tài sản đảm bảo và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản đảm bảo; (iv) công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành; (v) công bố thông tin trên chuyên trang thông tin khi doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu và sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích.
Tổng Hợp