Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 3)

Trong một báo cáo năm 1962, công trường đề nghị tỉnh Hà Giang: “Cấp thêm ngô hoặc sắn cũng được, đừng cấp gạo nếp, ăn không no”.

 Kỳ 3: Năm xưa em phá đá, anh mở đường

Xòe bàn tay đã chai, ông Long Hữu Phúc cười hiền khi nhớ lại quãng thời gian bám vách đá đục choòng 50 năm trước. 50 năm, thời gian có thể làm quên nhiều thứ, kể cả những vết chai. 

Những “kiện tướng”  không bằng chứng nhận

Tháng 6 -1960, TNXP từ sáu tỉnh Việt Bắc được chia thành sáu C, gồm C- Thái Nguyên, C-Bắc Kạn , C-Cao Bằng, C-Tuyên Quang, C-Lạng Sơn, C-Hà Giang lên đến Hà Giang. TNXP bắt đầu làm từ cầu Phong Quang, sau đó đó nhận từng đoạn đường, xen kẽ với các đoàn dân công, theo sự phân công của Ban chỉ huy công trường. Đoạn đường Đồng Văn – Mèo Vạc có thêm sự hỗ trợ của các tỉnh Nam Định, Hải Dương.

Một cựu TNXP của công trường xây dựng đường Hạnh Phúc trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày khánh thành con đường
Một cựu TNXP của công trường xây dựng đường Hạnh Phúc trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày khánh thành con đường

 Mỗi khi làm xong, đơn vị TNXP lại chuyển quân đi, mà toàn là đi bộ. Bà Triệu Thị Dần, TNXP C Bắc Cạn nhớ lại thời điểm ấy, từ cầu Phong Quang đi bộ lên lán trại mất nửa ngày đường: “Chúng tôi đi bộ lên, mang xà beng cuốc xẻng theo đường mòn. Đi sáng sớm đến 2-3h chiều đến nơi tập kết. Mỗi ngày làm một đoạn đường được giao. Đi đến đâu làm trại đến đấy”.

Có thể không còn ở đâu có ghi lại những chiến công của từng cá nhân những ngày “mưa dầm cơm vắt” trên các vách đá. Nhưng anh em đồng đội thì vẫn nhớ. Đấy là “kiện tướng đục choòng” Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Hồng Hằng, đều ở C2 Nghiệp dư, một mình một choòng một búa, một ngày vẫn lập kỷ lục lỗ choòng sâu 1m8, còn trung bình là 1m2. Đục choòng là công đoạn gian nan nhất của việc mở đường. Lỗ choòng để nhồi mìn vào, kéo dây ra cho nổ. Lỗ càng sâu, mìn đưa vào càng sâu, nổ càng được nhiều đá. Mỗi ngày sức người chỉ đục được một lỗ như thế thôi. Đá bắn ra cũng chỉ bằng một cái nón. Bền bỉ như vậy mà hết cả một cung đường. Sau này, khi có hai người đập choòng, tạo ra những lỗ choòng sâu 3-4m, người ta vẫn nhắc lại kỷ lục của bà Thanh với sự vì nể cô gái Hải Dương bé nhỏ.

Đấy là kỷ lục đập đá nhanh Nguyễn Thị Xuân, C2 Tuyên Quang. Tay búa tay đá đập từng viên đá sắc cạnh, đá càng vụn rải đường đi càng an toàn. Bà không nhớ đã đập bao nhiêu viên đá, chỉ nhớ tay có lần sạm lại tóe máu. Sau này có găng tay, mọi việc mới đỡ đi.

Bằng khen tập thể chị em công trường đường Hạnh Phúc năm 1963
Bằng khen tập thể chị em công trường đường Hạnh Phúc năm 1963

 Đấy là Vũ Huy Phương, người Ninh Bình, người thợ rèn chủ chốt của cả công trường. Những năm tháng trên công trường, mỗi ngày choòng hỏng vô số kể. Ông Phạm Quang Bút, C2 nghiệp dư nhớ lại: “Riêng tôi một ngày cũng bị hỏng hơn chục cái choòng rồi”. Choong hỏng mang vào đội rèn ông Phương, lại được sửa chữa tinh tươm chờ ngày “tái xuất”. Lâu dần anh em học được nghề rèn, mỗi C đều có một đội rèn choòng, nhưng không ai qua mặt được “sư phụ” Phương về độ bền của choòng. “Chúng tôi rèn chỉ đục tầm 15-20 phút là choòng cùn ngay, đập vào đá mà. Nhưng anh Phương làm thì phải dùng được hơn 30 phút mới hỏng”, ông Bút kể. 

Đấy là C Cao Bằng, đơn vị làm đá giỏi nhất công trường. “Chỗ nào khó nhất là gọi Cao Bằng”, ông Hứa Văn Chử kể. Hơn 200 TNXP Cao Bằng, được coi như đội thiện chiến nhất và cũng là đội chủ lực mở đường qua một trong “tứ đại đỉnh đèo” Mã Pì Lèng. Đây cũng là đơn vị có nhiều sáng kiến như dùng gỗ gắn cái bát vào để làm cào kéo đất đá, sáng kiến làm xe cút kít, sáng kiến làm kè đường để tạo hình đường…

Đấy là phát hiện của anh em TNXP mà theo ghi chép của ông Vũ Đắc Điểm, chỉ huy công trường giai đoạn 1964-1965 thì: “Đoạn Sảng Tủng, công nhân đã tìm ra đoạn đường rút ngắn tuyến đường được hơn 2 cây số”. Trong ba tháng ở đây, TNXP đã phải làm không ngơi nghỉ để bạt đi hơn 2000m3 đá, bằng hình thức đục choòng nhồi mìn hoàn toàn bằng tay.

“Đoạn Sảng Tủng, công nhân đã tìm ra đoạn đường rút ngắn tuyến đường được hơn 2 cây số” (Ảnh: Vũ Đắc Điểm, tư liệu của ông Vũ Đình Lập)
“Đoạn Sảng Tủng, công nhân đã tìm ra đoạn đường rút ngắn tuyến đường được hơn 2 cây số” (Ảnh: Vũ Đắc Điểm, tư liệu của ông Vũ Đình Lập)

 Năm 1960, khi Bác Hồ đọc một bài viết trên báo Nhân Dân về con đường lên Đồng Văn, Bác đã tặng ngay 50 huy hiệu Bác Hồ cho các TNXP trên công trường. Ông Hứa Văn Chử vẫn nhớ ngày ông về Phủ chủ tịch nhận huy hiệu: “Vào là người ta nhận ra ngay, chẳng cần giấy tờ gì cả, đưa huy hiệu luôn”. Số huy hiệu đó để dành cho anh em có thành tích, ông Chử, với cương vị Phó chỉ huy công trường, Bí thư chi Đoàn, đã không nhận cái nào. 

“Không bao giờ thấy no”

“Lán trại đóng ngay trên đường, gần đoạn thi công. Ăn uống kham khổ lắm, chẳng bao giờ cảm thấy no. Nhưng khổ nhất là không có nước sinh hoạt”, bà Nguyễn Thị Xuân kể. Một người chỉ được chia một ca nước, dùng để rửa mặt, đánh răng, rửa chân, giặt giũ sau đó tích lại để “đổ lỗ choòng” cho khỏi bụi đá bắn lên. Ngày làm công trường hầu hết toàn đi chân đất. “Không chân đất thì làm thế nào, có đâu mà dép” bà Xuân cười.

Những ngày tháng ăn uống kham khổ trong rừng, ngủ lán lợp cỏ lau và tranh đã trở thành kỷ niệm không thể quên của bà Dương Thị Hà (C Bắc Kạn). Bà lên công trường từ năm 18 tuổi, mưa gió rét buốt thì đi chặt cây rừng trải ra nằm cho ấm. “Có lần lán bị cháy, anh chị em không còn gì, bị đói, quần áo cháy hết chẳng còn gì mà thay. Anh chị em ở các đội khác thấy thương, quyên góp ủng hộ thì mới có cái mà mặc”, bà Hà rưng rưng.

Anh nuôi C Lạng Sơn Hoàng Văn Hộ không ngăn được nước mắt khi nhớ lại những ngày: “Có bữa hết gạo, tôi nấu cơm nếp mà không có kinh nghiệm, nhão nhoèn nhoẹt. Một mâm, sáu người chỉ được một nắm gạo, bỏ xuống xoong cơm chỉ được đĩa nhỏ. Mỗi người lấy đũa khều khều chia nhau một gắp, ăn không no. Có lần hết cả cơm nếp, mà mua ngô hột, về cho vào chảo bung mà không có vôi, vỏ không róc, múc ra xoong cho anh em, nhìn anh em ăn khổ lắm, mà chả biết làm nào”. Sức trẻ đang căng tuổi mười tám  đôi mươi, đập đá phá mìn suốt cả ngày, mỗi người chỉ ba lạng gạo, không ai cảm thấy no bao giờ. Trong một báo cáo năm 1962, công trường đề nghị tỉnh Hà Giang: “Cấp thêm ngô hoặc sắn cũng được, đừng cấp gạo nếp, ăn không no”.

Một tờ trình đề nghị đảm bảo lương thực cho công nhân công trường
Một tờ trình đề nghị đảm bảo lương thực cho công nhân công trường

 Rồi cả nỗi lo phỉ quấy nhiễu thường trực. Sợ nhất là bị phỉ lăn đá từ trên đỉnh núi xuống, hoặc tập kích. Công trường vừa mới khởi công thì phỉ chiếm đỉnh Cán Tỷ. “Ở trên bộ đội chiến đấu với phỉ, ở dưới dân công và TNXP vẫn làm đường”, ông Hứa Văn Chử kể. Thời đó, cả công trường xây dựng một tiểu đoàn bảo vệ an toàn cho TNXP và dân công làm đường, như bộ đội. Mỗi đơn vị, cách nhau khoảng 3-4 km có một tiểu đội, được trang bị súng để hàng đêm đi tuần. Vì sợ phỉ đánh phá kho mìn, khi nghe tin phỉ chuẩn bị tập kích ở Km34, bà Trần Thị Dần (C Lạng Sơn) đã lấy 500 kíp mìn đeo vào người: “Trừ khi nó bắt được mình, chứ nó có đến cũng không lấy được”. Mãi tới năm 1961, khi một tay trùm phỉ bị xử tử hình ở Yên Minh, tình hình mới yên trở lại.

Ai cũng sợ khổ mà bỏ về, đường làm sao xong?

Làm đường gian khổ,có người đi về nhưng phần đa thì ở lại. “Ai cũng khổ mà đi về con đường sao mà hoàn thành được” ông Hộ thẳng thắn. Đi làm đường hầu hết là thanh niên, nhiều người trước đó còn chưa biết cầm xà beng, cầm cuốc, xà beng, đốt mìn…sau rồi làm hết, nam cũng như nữ. Cả đặt mìn, đốt mìn cũng làm. Cứ đặt mìn vào lỗ, nối dây dài hơn 1m, đốt xong chạy lên dốc, để tránh bị đá bắn vào người. “Lúc đầu còn sợ, sau rồi đốt hết. Ai cũng đốt được”, bà Xuân nhớ lại.

Làm đường đến cổng trời Quản Bạ, ông Long Hữu Phúc (C Hà Giang) phải treo người trên vách, phá đá bằng búa và choòng: “Khó nhất là ba phát đầu tiên. Đập không quen có khi vào cả tay”. Mỗi ngày chỉ làm được chừng hai gang tay, sáu tháng ở Quản Bạ mới xong đường ngang Cổng trời. Nhiều lần quai búa trật, trượt qua tay, đợi hết đau rồi lại tiếp tục công việc. Ông Trịnh Xuân Đảm, C trưởng C Thái Nguyên,  người có mặt khi mở đường từ cầu Phong Quang bảo mỗi dây da treo hạn dùng ba năm nhưng anh em chỉ dùng được năm rưỡi là hỏng, gần như chỗ nào cũng phải buộc dây treo mình đục choong như thế. Có lần băng đóng dày từ Lũng Phìn, xe tiếp phẩm không đi được, đi bộ cũng không xong vì đường vừa trơn vừa buốt. Anh em phải chờ ba ngày ba đêm, tan tuyết tan băng mới tiếp tục làm.

Vậy nhưng chỉ tiêu của các cung đường chưa lần nào lỡ. Dự tính 5 năm hoàn thành Hà Giang – Đồng Văn, trong điều kiện ấy, các TNXP và dân công đã vượt tiến độ hơn 1 năm. Để tiếp sau đó là thiên sử Mã Pì Lèng với kỳ tích treo mình trên vách đá của đội quân cảm tử.

Chúng tôi hay nói với những gương mặt mở đường Hạnh Phúc: “Cho cháu cầm tay bác”. Tôi không biết làm cách nào những bàn tay có khi là rất chai sạn của ông Long Hữu Phúc, hay mềm mại của bà Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Hồng Hằng lại kiên trì đục từng centimet đá để làm gần hai trăm cây số đường ô tô từ một lối mòn (PV) 

(Còn nữa)

TN

Hành trình mở đường Hạnh Phúc

Hành trình mở đường Hạnh Phúc

"Không bao giờ làm đường xương sống sát biên giới cả. Làm đường là để cho nhân dân, sát biên giới người dân làm sao đi thuận lợi được”.