Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 2)

Hơn 2 triệu ngày công, trong đó gần một nửa (hơn 900.000 ngày công) thuộc về chính những người con của đất Hà Giang. Nhưng họ gần như đã bị lãng quên, “không ai nhớ mặt đặt tên”.

Kỳ 2: Không ai nhớ mặt đặt tên

Đường Hạnh Phúc hiện tại nằm trên Quốc lộ 4C, được tính từ TP Hà Giang đến trung tâm huyện Mèo Vạc. Tuy nhiên, trong dự án đầu tiên, Hà Giang chỉ dự tính làm con đường đến Đồng Văn. Vì thế, quá trình thi công đường được chia làm hai giai đoạn Hà Giang – Đồng Văn và Đồng Văn – Mèo Vạc. 

“Ở đâu cũng có dân công”

Ông Phạm Đình Dy vào dịp 50 năm ngày hoàn thành con đường (2015), vẫn đau đáu vì rất nhiều cái tên được nhắc tới nhưng không có một sự ghi danh nào dành cho chính những dân công Hà Giang đã tham gia làm đường: “Họ làm việc không có lương, không có ghi nhận gì cả”. Cuộc gặp gỡ sau 50 năm (3-2015) do tỉnh Hà Giang tổ chức cũng chỉ có mặt các cựu TNXP mà không còn cái tên người dân mở đường nào được ghi lại.

Báo cáo sơ kết đợt thi công đầu tiên, nhắc đến sự tham gia của lực lượng dân công (Tư liệu)
Báo cáo sơ kết đợt thi công đầu tiên, nhắc đến sự tham gia của lực lượng dân công (Tư liệu)

 Những người đã từng tham gia lăn lộn trên các cung đường suốt hơn sáu năm, đều nhớ sự có mặt của những người dân bình thường, sẵn sàng nhường cơm xẻ áo, sẵn sàng kề vai sát cánh phá đá đặt mìn cùng các TNXP với niềm hy vọng vào con đường trong tương lai. Trong bản Sơ kết đợt thi công đầu tiên, tại cung đường hoàn toàn chỉ có sức dân công, tỉnh Hà Giang nhìn nhận khó khăn là kinh phí dự trù không đủ chi cho dự án, phương tiện vận chuyển thiếu, công việc hoàn toàn làm bằng tay.

Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên, khi chưa có lực lượng TNXP, gần 1000 dân công đã được huy động để hoàn thành 10 cây số từ km10 đến chân dốc Bắc Sum. Dân công đã cống hiến tổng cộng hơn 20.000 ngày công cho công tác làm lán trại, 10.000 ngày công để rải đá đoạn Bắc Sum lên Đồng Văn. Riêng năm 1962,  dân công đã có hơn 163.000 công trên con đường. Ông Hứa Văn Chử, Phó ban chỉ huy công trường kể: “Đoạn nào cũng có dân công tham gia hết”.

Rất nhiều sáng kiến trong quá trình lao động đến từ lực lượng dân công. Ông Phạm Đình Dy nhấn mạnh: “Việc xếp đá làm kè hầu hết đều do dân công thực hiện, kỹ thuật xếp đá của đồng bào vùng cao đạt trình độ đáng nể”. Đến thời điểm hiện tại, việc sử dụng đá xếp làm kè chắn vẫn được thực hiện trên đường Hạnh Phúc.  Năm 1960, một dân công tên Thứ, đã cùng với ông Đỗ Văn Long, cán bộ phòng kỹ thuật công trường đã nhận bằng khen cho sáng kiến làm xe ki – làm từ nứa, lạt, gỗ- để việc đổ đất được nhanh chóng hơn.

Cứ thế, không ai biết có bao nhiêu người dân đã tham gia mở đường. Có người đã nằm lại mãi tại một góc đường, sự ra đi của họ chỉ còn một dòng trong vài bản báo cáo, không có cả cái tên chứ chưa nói đến việc được phong danh hiệu gì.

Dân công đã cống hiến tổng cộng hơn 20.000 ngày công cho công tác làm lán trại, 10.000 ngày công để rải đá đoạn Bắc Sum lên Đồng Văn. Riêng năm 1962, dân công đã có hơn 163.000 công trên con đường.

“Bà con phải nghe tôi”

“Thuyết phục người dân ở đây ủng hộ rất khó. Nhưng họ tin rồi thì họ giúp lắm”, bà Triệu Thị Dần, TNXP người Bắc Cạn kể. Ngày mới lên, khi những quả mìn đầu tiên nổ, người dân còn nghi ngờ TNXP đến phá ruộng.  Thậm chí, bọn phỉ trà trộn trong dân chúng còn rêu rao: “Nếu mở đường lên Đồng Văn thì dê đực, bò đực biết đẻ con, bọn chúng sẽ lấy đầu làm chân”. Nhưng khi tận mắt thấy những vệt đường, thì chính người dân sẵn lòng theo những đợt vận động mở đường. Có hơn 2000 tấn rau bà con đã mang đến ủng hộ lực lượng chủ lực làm đường những ngày đó.

Không thể không kể đến “lão tướng” Sùng Đại Dùng, Phó ban chỉ huy công trường đầu tiên, trong công cuộc vận động bà con Hà Giang tham gia làm đường. Ông Dùng người Ma Lé (Đồng Văn), nổi tiếng với câu nói: “Bà con phải nghe tôi. Tôi là Sùng Đại Dùng”. Ông Nguyễn Mạnh Thùy, TNXP C2 nghiệp dư, đơn vị tham gia mở dốc Mã Pì Lèng nhớ lại: “Ông Dùng có uy thế với người dân địa phương lắm”. Trước đó anh em TNXP làm đường vô cùng khó khăn, mua bán đồ của người dân đều bị từ chối. Nhưng ông Dùng thuyết phục được bà con bán đồ ăn cho TNXP với giá rẻ. “Thời điểm ấy anh em ăn uống khá hơn nhiều”, ông Thùy bảo. Hay chủ tịch huyện Đồng Văn Vù Mí Kẻ, huy động cả vợ con tham gia rải đá làm gương cho cả huyện. Ông Triệu Văn Yêu (Chủ tịch xã Băc Mê) thì đến từng nhà dân huy động dân công theo công trình.

Lão tướng Sùng Đại Dùng. Ông mất năm 2014 (Ảnh: baohagiang)
Lão tướng Sùng Đại Dùng. Ông mất năm 2014 (Ảnh: baohagiang)

 Mỗi tuyến đường hoàn thành, người dân lại đổ ra ăn mừng. Ngày thông xe tuyến Bắc Sum – làng Đan, “Đoàn xe của đoàn đại biểu mang lá cờ tổ quốc vinh quang vượt qua đỉnh Pắc Sum thì hàng trăm người già trẻ gái trai đã túc trực ở làng Đan hoan hô. Một thiếu phụ người La Chí nhìn đoàn xe đến thì đã vội về nhà mang một bó hoa đỏ thắm tung lên xe đại biểu và hô to: Hoan hô các đồng chí, rồi chị trào nước mắt” (Báo cáo Tổng kết công tác cầu đường 15-1-1960).

Vận chuyển đất bằng băng-ca khi làm đường (Ảnh tư liệu) 
Vận chuyển đất bằng băng-ca khi làm đường (Ảnh tư liệu) 

Và từ chính những ngày đó, manh nha về cái tên Hạnh Phúc ra đời. Trong báo cáo tổng kết năm 1960 của Công trường Đồng Văn có ghi: “Tất cả những sự cống hiến sức người, sức của họ (người dân Hà Giang – NV) nói lên lòng biết ơn sâu sắc Đảng và chính phủ, biết ơn những bàn tay lao động của bao thanh niên và công nhân các tỉnh đã không quản khó khăn góp phần xây dựng con đường lịch sử mà hàng ngàn năm họ đã mơ ước. Nó là con đường XHCN, con đường hạnh phúc”. Năm 1961, khi Bác Hồ lên thăm Hà Giang, Bác đã chính thức gọi con đường này là đường Hạnh Phúc.

(Còn tiếp)

TN

Từ chuyện Mã Pì Lèng: Tập đoàn lớn hay đầu tư nhỏ mới gây hại hơn?

Từ chuyện Mã Pì Lèng: Tập đoàn lớn hay đầu tư nhỏ mới gây hại hơn?

Bức tranh điểm đến du lịch hiện nay rất chắp vá. Và vấn đề hiện tại là chúng ta không thấy có quy hoạch cụ thể.