Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản, văn hóa tiêu dùng của người mua nhà, thói quen của các nhà đầu tư ngoài Bắc khác rất nhiều so với thị trường trong Nam.
Nếu như thị trường miền Nam có tính bài bản, chuyên nghiệp cao thì thị trường Hà Nội lại phát triển dựa trên nhiều yếu tố như "thân quen, quan hệ".
Các nhà đầu tư phía Nam khi ra Hà Nội nếu không thích ứng được với điều này sẽ rất khó phát triển. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp địa ốc Bắc tiến sau một thời gian đều từ từ rút hết, chỉ còn lại một số chủ đầu tư chấp nhận thay đổi, linh hoạt để phù hợp với thị trường.
Mặt khác, theo ông Đính, thị trường bất động sản Hà Nội "nhỏ bé" hơn nhiều so với TP. HCM, chỉ bằng một phần của thị trường TP. HCM. Mặc dù các chủ đầu tư ở Hà Nội bắt đầu chú trọng đến việc phát triển điều kiện hạ tầng, đầu tư tiện ích và cải thiện quy trình bàn giao. Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà đầu tư TP. HCM, nhìn chung chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam. Chính vì vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư địa ốc Bắc tiến là không nhiều.
Ở góc độ đầu tư, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội chia sẻ, các chủ đầu tư tại TP. HCM có thế mạnh trong việc phát triển đa dạng các mô hình kinh doanh nhà ở. Việc các chủ đầu tư lớn bao gồm cả trong nước và nước ngoài đều tập trung ở TP. HCM như Capital Land, Mitsubishi, Nam Long, Masterise giúp nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm cho các dự án tại đây.
Tuy nhiên, theo bà Minh, nguồn đất tại TP. HCM đang ngày càng khan hiếm. Giai đoạn 2018 - 2020 thủ tục pháp lý dự án tắc nghẽn dẫn đến thời gian đầu tư kéo dài, làm phát sinh chi phí tài chính rất lớn.
Bà Minh dự báo, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn các chủ đầu tư dịch chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội để tìm kiếm những cơ hội mới. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp này có thể sẽ mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội do đây đều là những chủ đầu tư có nhiều kinh nghiệm về phát triển bất động sản.
Song theo bà Minh, thành công của các chủ đầu tư từ TP. HCM tại thị trường Hà Nội vẫn còn là một câu hỏi lớn do văn hoá kinh doanh, tâm lý, thị hiếu khách hàng trên thị trường Hà Nội khác rất nhiều trong TP. HCM.
Mặt khác, tại TP. HCM, những dự án tại trung tâm thành phố có thể lên đến và trên10.000USD/ m2. Tuy nhiên, ở Hà Nội, những dự án như vậy rất là ít và rất khó bán. Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở, tuy nhiên, thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư.
Trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Bắc Nam tiền và thành công như Vingroup, Bitexco, Sunshine Group thì tại thị trường Hà Nội lại khá thiếu vắng những doanh nghiệp địa ốc TP. HCM Bắc tiến.
Dòng vốn đầu tư của Tập đoàn Hưng Thịnh đã chảy nhanh ra nhiều thị trường mới trong vài năm gần đây như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa… và bắt đầu hướng tới thị trường các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Cũng tại Hà Nội thì không thể không nhắc tới một “đại gia” khác đến từ TP.HCM là Địa ốc Phú Long với dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora Bắc An Khánh) trên trục đường Đại lộ Thăng Long, một trong những khu vực đang tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư thời gian gần đây, đặc biệt sau sự xuất hiện của Vinhomes Smart City Tây Mỗ.
Hay như trường hợp của Himlam Land, vào đầu năm 2019, chủ đầy tư này đã công bố ra thị trường dự án Khu đô thị Him Lam Green Park diện tích 26,8 ha tại TP. Bắc Ninh. Với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, dự án sẽ cung cấp 666 nhà phố liền kề, 22 biệt thự và 1.926 căn hộ ra thị trường.
Nếu như thời gian vừa qua, xu hướng Nam tiến của doanh nghiệp địa ốc diễn ra mạnh mẽ thì thời gian tới, thị trường BĐS miền Bắc hứa hẹn sẽ đón những làn gió mới từ các doanh nghiệp phía Nam.