'Hộ chiếu vaccine COVID-19' - Cuộc tranh luận chưa có hồi kết

Thời gian qua, ý tưởng về việc sử dụng “hộ chiếu vaccine”, cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được tự do đi lại, đã gây ra chia rẽ trong cộng đồng quốc tế.

Trong khi một số quốc gia ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng đây là lối thoát cho ngành du lịch và hàng không thì một số quốc gia lại bày tỏ nghi ngại vì đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới được chủng ngừa. Những tranh luận quanh “hộ chiếu vaccine” vì vậy vẫn chưa có hồi kết.

Ý tưởng về “hộ chiếu vaccine”

Hơn 1 năm chống chọi với COVID-19, thế giới đang tràn đầy hy vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc nhờ kết hợp tiêm chủng vaccine và các biện pháp y tế cộng đồng khác đã chứng tỏ hiệu quả, cùng với tinh thần "chung sức, đồng lòng", không để ai bị lãng quên.

Dù diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, song có thể nói chính những tia hy vọng như vậy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19.

skynews-covid-coronavirus-vaccine-passport_5270254.jpg

Trong bối cảnh một số quốc gia đã khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nhiều người đã mơ đến một ngày họ có thể tự do đi lại, mua sắm và đi du lịch nước ngoài… Tuy nhiên, để thực hiện những hoạt động ở nơi công cộng, bên cạnh vaccine ngừa COVID-19, rất có thể mọi người về sau này cần một thứ khác để chứng minh bản thân an toàn, đó là “hộ chiếu vaccine”, một dạng chứng nhận tiêm phòng vaccine COVID-19 khi đi nước ngoài.

“Hộ chiếu vaccine” có thể hiểu như giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Theo đề xuất của một số nước, trong tương lai, bên cạnh hộ chiếu thông thường, “hộ chiếu vaccine” sẽ là bắt buộc nếu bạn muốn du lịch đến một quốc gia.

Những người ủng hộ cho rằng, cấp giấy chứng nhận quốc tế đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là cách làm hay để nhanh chóng khôi phục cuộc sống xã hội và hoạt động kinh tế. Những ai đã tiêm ngừa COVID-19 sẽ được tự do đến những nơi hoặc làm những việc mà người chưa được chủng ngừa không được phép.

Ý tưởng về “hộ chiếu vaccine” hay hộ chiếu tiêm chủng đã được một số tập đoàn, trong đó có Microsoft, Salesforce, Oracle… và nhiều quốc gia đề cập. Hy Lạp và Đan Mạch là hai trong số những nước châu Âu ủng hộ mạnh mẽ “hộ chiếu vaccine”. Đan Mạch mới đây thông báo đang phát triển “hộ chiếu vaccine” kỹ thuật số cho những người đã tiêm vaccine, trong khi đề xuất cấp “thẻ vaccine” cho phép đi lại tự do trên khắp EU đang được Thủ tướng Hy Lạp thúc đẩy.

Ngay từ hồi tháng 1/2021, Hy Lạp đã kêu gọi EU cho phép những người sử dụng giấy chứng nhận đã tiêm vaccine được tự do đi lại trong khối. Hy Lạp cũng đã ký thỏa thuận với Israel cho phép những người đã được chủng ngừa được phép đi lại giữa hai nước. Tây Ban Nha, điểm đến mùa Hè nổi tiếng nhất châu Âu, cũng xem “hộ chiếu vaccine” là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo khả năng khôi phục hoạt động đi lại an toàn.

Trong khi đó, cuối năm 2020, Cộng hòa Cyprus cho biết sớm nhất vào tháng 3/2021, nước này sẽ chỉ cấp phép nhập cảnh đối với những người chứng minh rằng họ đã tiêm vaccine COVID-19, bên cạnh những giấy tờ thông thường (gồm hộ chiếu, thị thực...). Các quốc gia như Iceland và Hungary đã áp dụng yêu cầu về “hộ chiếu miễn dịch” - bằng chứng cho thấy họ từng nhiễm COVID-19 nhưng đã khỏi và có kháng thể trong người.

Anh (một trong những nước có chương trình tiêm chủng COVID-19 dẫn đầu thế giới tính đến thời điểm này) đặt mục tiêu đến cuối tháng 7 sẽ tiêm phòng COVID-19 xong cho toàn bộ dân số là người trưởng thành. Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố đến giữa tháng 6/2021 sẽ hoàn tất việc rà soát cấp chứng chỉ miễn dịch COVID-19.

shutterstock_1871514541-scaled.jpg

Anh đang cân nhắc đến một loại bằng chứng miễn dịch của riêng mình, qua đó cho phép những người đã tiêm vaccine được tới nhà hàng, quán ăn và cả sân bay nếu được các nước khác cho phép.
Ở khu vực vùng Vịnh, Israel tuần trước đã triển khai “hộ chiếu xanh”, cho phép những người đã tiêm chủng có thể ăn trong nhà hàng, tham dự các sự kiện công cộng và đi lại tự do. Giới chức Israel xem "hộ chiếu xanh" là công cụ quan trọng trong nỗ lực nhằm thuyết phục người dân đi tiêm phòng.

Đến nay, 50% dân số Israel đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Saudi Arabia  thì mới phát hành một "hộ chiếu" sức khỏe trên ứng dụng dành cho những người đã tiêm phòng COVID-19.
Vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ký sắc lệnh điều hành yêu cầu các cơ quan đánh giá tính khả thi của việc cấp chứng nhận điện tử cho những người đã tiêm vaccine COVID-19.

Nhìn chung những nước ủng hộ coi “hộ chiếu vaccine” như cứu tinh cho ngành du lịch và nền kinh tế đang lao đao do đại dịch COVID-19. Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) dự báo, du lịch quốc tế suy giảm hơn 70% trong năm 2020, trở về mức của 30 năm trước.

UNWTO ước tính, ngành du lịch thế giới thiệt hại 935 tỷ USD do sự suy giảm của du lịch quốc tế trong 10 tháng năm 2020, gấp 10 lần thiệt hại trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Vì vậy, việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” sẽ tạo điều kiện mở cửa trở lại các nền kinh tế đã "tơi tả" vì đại dịch, cho phép người dân tận hưởng hoạt động vui chơi giải trí và quay trở lại làm việc một cách an toàn. Ngoài ra, cách làm này sẽ giữ vai trò khuyến khích người dân đi tiêm phòng COVID.

Bản thân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen cũng là người rất ủng hộ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vaccine” để các thành viên EU có thể sử dụng chứng chỉ chung nhằm xác định tất cả những ai đã được tiêm phòng COVID-19, từ đó giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Theo bà, đây là một yêu cầu y tế để chứng nhận bạn đã tiêm vaccine. 

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) Zurab Pololikashvili cũng ca ngợi tấm “hộ chiếu vaccine” như một sự đảm bảo, là “giấy thông hành cho việc đi lại giữa các biên giới”. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis thì cho rằng, những người đã được tiêm vaccine cần phải được đi lại tự do, đây là cách để đưa cuộc sống trở lại bình thường…

0_js229189470.jpg

Còn nhiều ý kiến trái chiều

Tuy nhiên, ý tưởng "hộ chiếu vaccine" cũng có những mặt trái. "Hộ chiếu" đặc biệt này đang đặt ra không ít mối lo, nhất là việc những người không sở hữu có thể phải đứng ngoài nhiều hoạt động của cuộc sống thường ngày. Trong đó, phải kể tới nguy cơ tạo ra sự phân biệt đối xử nhằm vào các cộng đồng thiểu số - những người mà cơ hội được chủng ngừa thấp hơn, hoặc những người trẻ tuổi - đối tượng có mức độ ưu tiên thấp hơn khi tiêm phòng COVID-19.

Hơn nữa, không ai có thể dám chắc “hộ chiếu vaccine”, cũng được gọi là “hộ chiếu COVID” là giả hay thật trong bối cảnh các phiên bản giả mạo đang được rao bán tại các chợ đen ở châu Âu với giá 100 euro. Trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai rộng rãi ở châu Âu, sau khi tiêm, mỗi người sẽ được nhận một tấm thẻ y tế tiêu chuẩn chứng nhận đã tiêm vaccine. Nhưng có điều những tấm thẻ này rất dễ bị làm giả và không quá tốn kém để thực hiện việc này.

Không những vậy, chứng chỉ tiêm vaccine giả cũng không phải thách thức duy nhất của châu Âu, bởi cho đến nay 27 nước thành viên EU cũng vẫn chưa thống nhất được “bằng chứng” tiêm vaccine này sẽ có hình thức ra sao trong thực tế. Vì vậy, một số nước đã và đang thúc đẩy cho ra đời các phiên bản riêng của loại “giấy thông hành” này.

Có thể kể đến như Đan Mạch đã đưa ra kế hoạch cấp “hộ chiếu vaccine” điện tử cho những người đã được tiêm chủng để đi lại tự do trong nước. Còn Estonia sẽ giới thiệu thẻ vàng điện tử, cho phép những khách du lịch đã tiêm vaccine cập nhật hồ sơ sức khỏe của mình trên một ứng dụng. Ở Iceland, quốc gia không thuộc EU nhưng được hưởng lợi từ Hiệp ước Schengen biên giới mở, “hộ chiếu vaccine” đã được áp dụng thay vì bắt buộc làm xét nghiệm.

Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã có dự luật về “hộ chiếu vaccine” sẵn sàng để quốc hội thông qua. Ở Hungary, “bằng chứng về miễn dịch” dưới hình thức tiêm chủng hoặc xét nghiệm kháng thể là đủ để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch. Ở Italy, một số biện pháp đã được đưa ra để bảo đảm tính hợp lệ của loại giấy tờ như vậy dựa trên kinh nghiệm của một đất nước mà tội phạm có tổ chức hoạt động mạnh. 

pcjln0oy9ubixesf1bblocg5lkuyj-rgo1s6ivjtwua.jpeg

Trong khi đó, Pháp lại tỏ ra thờ ơ với ý tưởng “hộ chiếu vaccine”. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nêu rõ, không phải ai cũng được tiếp cận với các vaccine và chúng ta không biết liệu chế phẩm này có ngăn chặn lây nhiễm hay không.

Nhiều người cho rằng, để có thể đưa vào áp dụng “hộ chiếu vaccine”, có rất nhiều vấn đề đặt ra. Về mặt kỹ thuật, nếu như ý tưởng là tạo ra một loại giấy tờ kỹ thuật số, EU sẽ bắt buộc phải thiết lập một nền tảng chung có giá trị tại tất cả các nước thành viên để xác minh tính hợp lệ của loại giấy tờ trên, cũng như bảo vệ thông tin y tế nhạy cảm.

Và quan trọng hơn là phải bảo đảm không xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với những người không được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện nay, ở nhiều nước châu Âu, tình trạng hoài nghi vaccine trong dân chúng cũng là một vấn đề.

Giáo sư Francoise Baylis thuộc Đại học Daihouse nhận định: “Tình trạng thiếu hụt vaccine như hiện nay cho thấy, hầu hết những người được tiêm vaccine đều ở các quốc gia phát triển. Sẽ thật vô lý khi những người giàu mới có quyền tự do đi du lịch, tự do đến quán rượu hay rạp chiếu phim, dẫn đến tâm lý bất mãn trong xã hội”. Thậm chí, Tổng thống Romania Klaus Iohannis hay Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer còn lo ngại, “hộ chiếu vaccine” sẽ gây “chia rẽ xã hội”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefkovic cho rằng, việc tiêm phòng vaccine vốn dựa trên sự tự nguyện. Thực tế, rất nhiều người không muốn tiêm hoặc không thể tiêm vaccine vì các lý do y tế.

Vì thế, nếu muốn thực hiện "hộ chiếu vaccine", EU sẽ phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa nhằm bảo đảm những người không tiêm vaccine bị phân biệt đối xử hay bị hạn chế các quyền. Thứ trưởng Bộ các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune phản đối ý tưởng “hộ chiếu vaccine” vì nó trao nhiều quyền hơn cho một số người khi mà châu Âu đang bắt đầu các chiến dịch tiêm chủng rộng khắp.  

xxl_153123564.jpg

Ngoài vấn đề kỹ thuật hay đạo đức, nhiều người còn lo ngại thời gian tiêm hay thời gian bảo vệ miễn dịch có thể làm giảm tính hiệu quả của “hộ chiếu vaccine”. Hiện nay, virus biến chủng làm cho câu chuyện càng trở nên phức tạp bởi đã tiêm phòng không có nghĩa là miễn nhiễm mọi virus corona biến thể.

Chưa hết, thế giới tuy có nhiều loại vaccine nhưng lại có hiệu quả khác nhau. Điều đó có nghĩa là, các nước phải công nhận vaccine của nhau thì “hộ chiếu vaccine” mới có ý nghĩa.

Trong bối cảnh còn nhiều tranh cãi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thành lập một nhóm công tác nhằm tìm ra phương thức tốt nhất để phát hành một chứng chỉ điện tử dành cho những người đã được tiêm chủng COVID-19.

Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra quan điểm riêng về loại hộ chiếu đặc biệt này, theo đó WHO vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vaccine” để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng “hộ chiếu vaccine” bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa COVID-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.

WHO kêu gọi các nước kiềm chế, không nên áp đặt các yêu cầu về tiêm chủng hoặc miễn dịch như một điều kiện nhập cảnh để đi du lịch quốc tế.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG