Hỗ trợ lãi suất song tăng trưởng tín dụng không được “phóng tay”

Hỗ trợ lãi suất song tăng trưởng tín dụng không được “phóng tay” để ghìm cương lạm phát. Đây chính là chốt chặn lớn nhất khiến tiền rẻ không dễ bung ra như năm 2009.

Thông điệp chính sách đã được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề cập khá rõ khi nhắc đến việc các ngân hàng đề xuất nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room).

Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng, khối lượng tín dụng cần cung ứng thêm cho nền kinh tế nhiều hơn. Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu và tính toán để có khối lượng tín dụng bổ sung vào nền kinh tế phù hợp, đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế. Cơ quan quản lý luôn nhất quán nguyên tắc điều hành tín dụng là giải pháp thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.

“Tăng room tín dụng là việc không dễ dàng. Tăng nóng thì kiểm soát lạm phát khó, thắt tín dụng thì khó cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, mức độ tăng trưởng tín dụng phải giải quyết thỏa đáng giữa các mục tiêu này. Trong bối cảnh rủi ro lạm phát hiện hữu, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tín dụng nói riêng đòi hỏi phải tính toán rất nhiều”, ông Tú nói.

Giá nhiều hàng hóa đang leo thang và neo giữ ở mức cao là một ẩn số khó với bài toán kiểm soát lạm phát. Do đó, khó có thể kỳ vọng cung tiền tăng mạnh để có một phần đi vào các thị trường được chú ý như chứng khoán, bất động sản..., chưa kể bài học bơm tiền nóng năm 2009 và những hệ quả sau đó vẫn còn nguyên giá trị.

Năm 2022, lạm phát dự kiến tăng cao do tình trạng thiếu hàng hóa, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, trong khi nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trở lại sau khi bị kìm nén vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm những nguy cơ về nguồn cung và làm gia tăng áp lực lạm phát.

Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặt trong bối cảnh năm 2023 lạm phát dự kiến vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng, lạm phát tại Việt Nam năm 2022 có thể nằm trong khoảng 4 - 4,5% và vượt qua ngưỡng 5% trong năm 2023.

Tỷ giá USD/VND từ nay đến hết năm 2022 có khả năng sẽ ổn định, dù trong ngắn hạn, VND chịu áp lực giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm đạt trên 1% so với đầu năm, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn một vài lần tăng lãi suất trong năm nay. Thực tế, USD có xu hướng lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác.

Ngay sau khi gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước được công bố, nhiều người đặt câu hỏi, liệu thị trường chứng khoán có lặp lại kịch bản như năm 2009? Trong năm 2009, Việt Nam triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước áp dụng cho các khoản vay ngắn, trung và dài hạn. Chính sách này được đưa ra như một bộ phận của nhóm chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế đang bị tác động bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Mức hỗ trợ trong năm 2009 là 4%/năm, còn năm 2010 được điều chỉnh xuống 2%/năm với các khoản vay trung và dài hạn.

Sau khi có gói hỗ trợ lãi suất, giai đoạn 2009 - 2011 xuất hiện dòng tiền đầu cơ đổ vào một số thị trường tài sản như vàng, ngoại tệ, bất động sản, gây áp lực lên lạm phát từ năm 2010. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 và 2011 tăng cao, lần lượt là 9,19% và 18,58%. Giá vàng năm 2009 tăng 19,16%, năm 2010 tăng 36,72%, năm 2011 tăng 39%. Tỷ giá năm 2009 tăng 9,17%, năm 2010 tăng 7,63%, năm 2011 tăng 8,47%. Chỉ số VN-Index tăng từ 230 điểm lên gần 500 điểm, tương đương mức tăng trên 100%.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, quy mô thị trường chứng khoán hiện nay rất khác so với năm 2009. Nếu như vốn hóa cuối năm 2009 là 620.000 tỷ đồng, tương đương 45% GDP, thì cuối năm 2021 đạt gần 5,8 triệu tỷ đồng, xấp xỉ 93% GDP. “Vì vậy, đà tăng trưởng của thị trường sẽ xuất phát từ việc cải thiện kết quả kinh doanh và năng lực nội tại doanh nghiệp, thay vì sự thúc đẩy từ dòng tiền đầu cơ”, Agriseco đánh giá.

Tìm hiểu ở một số ngân hàng cho thấy, họ không quá mặn mà triển khai gói hỗ trợ lãi suất, trong khi doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí được hưởng hỗ trợ lãi suất lại không thực sự “khát” vốn.

Đối tượng hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến chế tạo, lập trình máy vi tính, dịch vụ thông tin, xây dựng phục vụ cho các ngành kinh tế, nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.

Giám đốc tài chính một doanh nghiệp thủy sản cho biết, giá cá tra tăng cao, xuất khẩu tốt nên dư dả tiền. Thậm chí, doanh nghiệp muốn trả bớt nợ, nhưng ngân hàng nì nèo họ giữ lại khoản vay.

Tổng Hợp