Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin bà Phạm Nữ Hiền Ngân - “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” - trúng cử vào chức vụ Phó ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, theo Một thế giới.
Việc một cá nhân trúng cử vào vị trí các tổ chức đoàn hội là một việc khá bình thường, thế nhưng dư luận dậy sóng bởi vị phó ban chống hàng giả “cấp quốc gia” lại là chủ nhân của danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh" - một danh hiệu lạ, mơ hồ, và khó hiểu. "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam" cũng đã được xác định là do Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam "phong tặng".
Thế nhưng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” không phải là danh hiệu duy nhất do Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam phối hợp với một doanh nghiệp XNK ô tô tổ chức, “phong tặng” cho bà Hiền Ngân, mà đơn vị này còn “tôn vinh” hơn 20 “Nữ hoàng” thuộc nhiều lĩnh khác nhau như “Nữ hoàng ngành thép”, “Nữ hoàng ngành than cacbon”, “Nữ hoàng ngành thực phẩm”, “Nữ hoàng ngành giáo dục”, “Nữ hoàng nông sản"...
Ngày 8/7, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Hoài Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, liên quan đến một số danh hiệu như "Nữ hoàng Văn hóa tâm linh", "Nữ hoàng ngoại giao", "Nữ hoàng thương hiệu ngành may mặc", "Nữ hoàng mỹ phẩm Việt Nam", "Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam", "Nữ hoàng ngành than"... mà đơn này đã trao cho các cá nhân trong thời gian qua.
Nhấn mạnh với phóng viên, bà Thanh cho biết chương trình do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Công ty XNK Ô tô Ngọc Minh tổ chức chỉ để tôn vinh cho các hội viên, không phải là một cuộc thi.
Fanpage chương trình thông báo tìm kiếm "Nữ hoàng khoáng sản Việt Nam" - Ảnh chụp màn hình. |
"Đây là chương trình tôn vinh "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam". Nếu là cuộc thi thì phải có sơ khảo, chung khảo rồi đêm chung kết trao giải. Ở đây chúng tôi chỉ tôn vinh cho hội viên của mình theo từng ngành nghề, lĩnh vực", bà Thanh lý giải.
Khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn để tôn vinh bà Phạm Nữ Hiền Ngân là "Nữ hoàng Văn hóa tâm linh", bà Thanh cho biết trước tiên phải là hội viên của hội, sau đó sẽ xét duyệt hồ sơ của những người có cùng lĩnh vực ngành nghề.
"Trước tiên những người được lựa chọn để xét duyệt tôn vinh phải hoạt động trong một ngành nghề nào đó. Như trường hợp Hiền Ngân, cô ấy là một cô đồng, hoạt động trong ngành nghề của cô ấy. Còn ở đây tôi cho rằng hình ảnh của Hiền Ngân xuất hiện quá nhiều nên có nhiều người sẽ không thích, còn mỗi người sẽ có một quan điểm riêng", bà Thanh nói.
Theo bà Vũ Thị Hoài Thanh, khi Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đặt vấn đề để tôn vinh cá nhân nào đó trong một lĩnh vực thì cần có những đánh giá cụ thể về đóng góp của họ cho sự phát triển chung của lĩnh vực đó và kèm theo nhiều tiêu chí khác. Bà Thanh cho rằng "Nữ hoàng Văn hóa tâm linh" có hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tâm linh, là một cô đồng nên đã có xét duyệt để tôn vinh.
Tổng thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu khẳng định các việc làm của hội đều đã có quy định, tuân thủ quy chế và pháp luật, không có gì sai. "Ngoài việc tôn vinh cho các hội viên, hội chúng tôi còn có một số hoạt động khác nữa nhưng cũng chủ yếu là làm cho các hội viên", đại diện đơn vị này cho hay.
Theo bà Thanh, trong chương trình "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" tổ chức năm 2018, đơn vị này đã tôn vinh hơn 20 nữ hoàng trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như thời trang, ẩm thực, văn hóa, dịch vụ...
"Nữ hoàng thủy sản Việt Nam" sẽ được tôn vinh trong chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019. Ảnh chụp màn hình. |
Trong chương trình "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" năm 2019 sẽ được tổ chức ngày 13/7 tới đây, bà Thanh cho biết đơn vị đang trong quá trình xét duyệt hồ sơ, sau đó hội đồng sẽ lựa chọn các cá nhân phù hợp để tôn vinh, nên chưa thể đưa ra con số cuối cùng. Bà Thanh cho biết các thông tin liên quan đều được cập nhật trên Fanpage của chương trình có tên "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019".
Theo trang Fanpage này, ban tổ chức đang tìm kiếm các cá nhân để tôn vinh cho vị trí: "Nữ hoàng sản xuất nội thất Việt Nam", "Nữ hoàng thủy sản Việt Nam", "Nữ hoàng khoáng sản Việt Nam", "Nữ hoàng nhiếp ảnh Việt Nam", "Nữ hoàng vận tải Việt Nam", "Nữ hoàng dệt may Việt Nam", "Nữ hoàng xây dựng Việt Nam", "Nữ hoàng kim hoàn đá quý Việt Nam"...
Đối với việc lựa chọn danh xưng rất "kêu" là "Nữ hoàng" để tôn vinh các cá nhân, bà Vũ Thị Hoài Thanh cho biết đây là quan điểm và cách nhìn của mỗi người. Trả lời về việc sau khi tôn vinh các danh hiệu này, hội có giám sát, quản lý để các cá nhân không sử dụng các danh hiệu được tôn vinh để trục lợi, bà Thanh cho biết cũng giống như nhiều chương trình khác, đơn vị tổ chức đều có những hoạt động kiểm tra, nếu hội viên làm tốt thì phải khen thưởng, còn làm sai sẽ có hình thức xử lý.
Đối với trường hợp "Nữ hoàng Văn hóa tâm linh" Phạm Nữ Hiền Ngân, bà Thanh cho biết sau khi có thông tin báo chí nêu, sẽ cho kiểm tra lại cụ thể việc này.
Từ chối nói về kinh phí tổ chức
Khi được hỏi về nguồn kinh phí để tổ chức chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam với quy mô hoành tráng, bà Vũ Thị Hoài Thanh cho biết không nắm rõ việc này và đề nghị phóng viên liên hệ với bà Nguyễn Thụy Oanh, Phó Chủ tịch hội, Trưởng ban tổ chức chương trình. Khi phóng viên đặt vấn đề chương trình do hội là đơn vị đứng ra tổ chức thì kinh phí phải nắm rõ từ nguồn nào, bà Thanh vẫn "đá" câu hỏi này sang cho Trưởng ban tổ chức.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa