Hơn nửa triệu người chết vì COVID-19 trên toàn thế giới

Số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trên toàn thế giới đã vượt qua 10 triệu vào ngày 28/6, trong đó Mỹ dẫn đầu, theo dữ liệu được thu thập bởi Đại học Johns Hopkins.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h30 sáng 29/6, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt qua 500.000 người, trong đó 2/3 là các ca ở Mỹ và châu Âu.

Cụ thể, tổng số ca tử vong trên thế giới hiện là 504.075 ca, trong số 10.237.543 ca nhiễm. Mỹ là nước có nhiều ca nhiễm nhất (2.636.550 ca) và nhiều ca tử vong nhất (128.436 ca). Brazil ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 57.658 ca. Số ca nhiễm tại châu Âu là 2.413.519 ca còn số ca tử vong là 190.725 ca, trong đó Nga là nước có nhiều ca nhiễm nhất châu lục với 634.437 ca, và Anh là nước có nhiều ca tử vong nhất châu Âu và thứ ba thế giới, với 43.550 ca.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với sức ép lớn của lưỡng đảng, kêu gọi ông làm gương về đeo khẩu trang, trong bối cảnh Bộ trưởng Y tế cảnh báo "cơ hội ngày càng ít" để kiểm soát một đợt "bùng nổ" dịch tại các bang "sân sau" của đảng Bảo thủ. Số ca nhiễm mới tại các bang đã lên tới mức cao nhất sau nhiều tháng thực thi các nỗ lực giảm thiểu nguy cơ lây lan virus nhưng được áp dụng không đồng đều trên cả nước, cộng thêm những thông điệp đối chọi nhau của chính phủ.

Các bang bị tác động mạnh nhất là ở miền Nam và miền Tây, những nơi thúc đẩy việc sớm nối lại các hoạt động kinh tế. Việc số ca nhiễm tăng đột biến trên đã làm dấy lên ngày càng nhiều lời kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn. Phát biểu trên CNN, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ con người Alex Azar cho biết: "Tình hình hiện nay rất, rất nghiêm trọng và ngày càng ít cơ hội để chúng ta hành động và kiểm soát dịch".

  Một người đàn ông đeo khẩu trang đi qua một bức tranh tường bên cạnh tòa nhà ở trung tâm thành phố New York ngày 26/6.

Một người đàn ông đeo khẩu trang đi qua một bức tranh tường bên cạnh tòa nhà ở trung tâm thành phố New York ngày 26/6.

Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh cũng là điểm nóng dịch bệnh mới của thế giới, với số ca nhiễm đã tăng lên tới 2.146.668 ca. Đáng lo ngại là các khu chợ buôn bán thực phẩm có mái che,  mang tính biểu tượng ở Mỹ Latinh và là kế sinh nhai của hàng trăm triệu người dân nơi đây, lại là môi trường gần như "hoàn hảo" cho dịch bệnh lây lan. Các chuyên gia lo ngại dịch bệnh không được kiểm soát và khó khăn kinh tế càng làm suy yếu khả năng chống chọi của khu vực này nếu chính phủ các nước không có những biện pháp quyết liệt hơn, cũng như cần sự hỗ trợ tích cực của quốc tế.

Hơn nửa triệu người chết vì COVID-19 trên toàn thế giới

Tính đến sáng nay, châu Á đã ghi nhận 2.211.433 ca nhiễm, trong đó có 54.786 ca tử vong. Ấn Độ là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất châu lục với 549.197 ca, và nhiều ca tử vong nhất với 16.487 ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 19.620 ca mới. Sau Ấn Độ, Iran là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong thứ hai châu lục với 222.669 ca nhiễm và 10.058 ca tử vong. Pakistan đứng thứ ba với 202.955 ca nhiễm và 4.118 ca tử vong.

Iran là nước bị tác động nhiều nhất khu vực Trung Đông. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sau khi dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28/6 yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng trong hai tuần từ ngày 5/7.

Cùng ngày, nội các Israel tìm cách ứng phó làn sóng lây nhiễm thứ 2 khi số ca nhiễm mới tăng nhanh mỗi ngày kể từ khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa và hạn chế hồi tháng 5. Hiện số ca nhiễm tại Israel là 23.755 ca, trong đó có 318 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein đã trình chính phủ khuyến nghị giảm số người được phép tham gia lễ hội, đám cưới hay các sự kiện tôn giáo.

Bên cạnh đó, các kỳ thi và tiết học cấp đại học cũng nên được tổ chức trực tuyến bất cứ lúc nào có thể. Việc học Hè của học sinh cần chia theo nhóm.

Theo đó, mỗi lớp học nên chia thành hai, mỗi nhóm học 1 tuần ở trường và 1 tuần ở nhà. Bộ trưởng cũng Edelstein cho rằng ít nhất 30% công chức nên làm việc tại nhà, trong khi các doanh nghiệp tư nhân cũng nên cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Theo ông Edelstein, những đề xuất trên rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay đồng thời cảnh báo nếu người dân không tuân thủ mọi hướng dẫn của Bộ Y tế, Israel sẽ một lần nữa phải đóng cửa mọi hoạt động kinh tế-xã hội. Sau cuộc họp, Chính phủ Israel vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng, song Bộ trưởng Edelstein bày tỏ những kiến nghị của ông sẽ được chấp thuận tại cuộc họp vào ngày 29/6.

Hơn 10 thành viên Quốc hội Ai Cập nhiễm bệnh

Theo TTXVN, ngày 28/6, Ai Cập đã ghi nhận thêm 2 thành viên quốc hội nước này nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại cơ quan lập pháp lên 11 người. Người phát ngôn Quốc hội Salah Hasaballah cho biết 6 trong số các ca nhiễm nêu trên đã được các bệnh viện cách ly và điều trị, 5 trong số này đã xuất viện…

Ngoài ra, 3 nghị sĩ lựa chọn cách ly tại nhà và điều kiện sức khỏe của họ hiện ổn định. Ông Hasaballah khẳng định rằng việc có 11 thành viên quốc hội nhiễm COVID-19 sẽ không ngăn cản cơ quan lập pháp tối cao này tổ chức các phiên họp toàn thể dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/7 tới.

Dự kiến tuần tới, quốc hội sẽ thảo luận nhiều dự thảo luật mới về thuế, quyền sở hữu trí tuệ và những vấn đề kinh tế khác. Theo thống kê của Bộ Y tế Ai Cập, cùng ngày, nước này đã ghi nhận thêm 1.265 bệnh nhân mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 65.188 ca. Số ca nhiễm đang có chiều hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, khi mỗi ngày trung bình đều ghi nhận trên 1.000 ca mới.

Ngoài ra, đã có thêm 81 bệnh nhân tử vong, và tính đến nay tổng số ca tử vong ở Ai Cập đã lên đến 2.789 người.

NGỌC CHÂU (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương