Từ nửa đêm qua, 14/9, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ bị cắt nguồn cung cấp chất bán dẫn thiết yếu. Theo The Economist, không có chip , Huawei không thể tạo ra điện thoại thông minh hoặc thiết bị mạng di động mà hoạt động kinh doanh của công ty này phụ thuộc vào.
Các quy tắc mới nhất của Mỹ được đưa ra vào ngày 17/8, cấm các công ty trên toàn thế giới bán chip cho Huawei nếu chúng được làm bằng bộ sản xuất chip của Mỹ. Các công ty bán dẫn của Mỹ, mà Huawei từng là một khách hàng béo bở, đã cầu xin chính phủ gia hạn. Nhưng sự đổi ý có vẻ sẽ khó xảy ra.
The Economist cho rằng Huawei hiện có thể phải đi theo một trong ba con đường.
Điện thoại Huawei đã không có dịch vụ Google, giờ lại không có chip từ Mỹ. Ảnh: ANR |
Đầu tiên, công ty sẽ trông chờ vào việc Washington cấp giấy phép cho các nhà cung cấp Mỹ, để họ có thể bán chip cho công ty này “một cách hạn chế”. Điều này sẽ cho phép Huawei tiếp tục kinh doanh.
Thực tế, MediaTek , nhà sản xuất chip Đài Loan, là một trong những nhà cung cấp chính của Huawei, đã kiến nghị Bộ Thương mại Mỹ để xin giấy phép như trên.
Ngay cả một Huawei đang suy nhược cũng có thể không làm Mỹ hài lòng. Điều đó sẽ buộc công ty Trung Quốc phải hành động liều lĩnh hơn, chẳng hạn như sản xuất chip của riêng mình, bằng cách sử dụng công nghệ cũ hơn có thể có nguồn gốc từ các chuỗi cung ứng không bao gồm các công ty Mỹ.
Pierre Ferragu của New Street Research, một công ty nghiên cứu công nghệ và viễn thông, dự kiến Huawei sẽ làm được điều này trong vòng 12 tháng tới.
Mediatek của Đài Loan đang xin giấy phép để bán hàng "một cách hạn chế" cho Huawei. Ảnh: Digital Trends |
Con đường này dường như không mấy êm đẹp. Vào ngày 4/9 vừa qua, Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất đưa Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn SMIC , nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, vào cùng danh sách đen với Huawei. Lầu Năm Góc cáo buộc SMIC hợp tác với các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, và do đó gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Việc bị đưa vào danh sách đen sẽ phá hủy hoạt động kinh doanh của SMIC, vốn dựa vào máy công cụ của Mỹ.
Giá cổ phiếu doanh nghiệp đã giảm gần 1/4 khi có tin tức này. SMIC phủ nhận có quan hệ quân sự với Bắc Kinh, và cho biết họ đang bị "sốc hoàn toàn". Mối đe dọa này có thể ngăn cản SMIC hợp tác với HiSilicon , đơn vị sản xuất chip của Huawei như hãng này có thể hy vọng.
Sau Huawei, đến lượt SMIC bị đưa vào danh sách đen. Ảnh: Getty |
Điều này dẫn đến sự lựa chọn thứ ba. Huawei có thể phá sản hoặc buộc phải bán bớt mảng kinh doanh của mình. Nhưng The Economist cho rằng điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức. Tính đến cuối năm 2019, hãng có dự trữ tiền mặt là 371 tỷ nhân dân tệ (53 tỷ USD), đủ để trang trải chi phí hoạt động trong một năm rưỡi. Nhưng nếu tình trạng trên không được cải thiện, Huawei có thể “chia tay” HiSilicon.
Đơn vị thiết kế chip của Huawei là một trong những dây chuyền lắp ráp tiên tiến nhất trên thế giới. Theo icInsights, một công ty phân tích, HiSilicon đã lọt vào top 10 công ty thiết kế hàng đầu thế giới về doanh thu trong nửa đầu năm 2020, là công ty Trung Quốc đầu tiên làm được điều này. Vì không thể thiết kế chip cho chủ sở hữu sau ngày 14/9, HiSilicon có thể tập trung làm việc này cho các bên thứ ba ở Trung Quốc, và sẽ tạo ra một nguồn doanh thu mới cho Huawei.
Nếu Huawei buộc phải đóng cửa HiSilicon, các kỹ sư bị sa thải của hãng sẽ được các nhóm thiết kế chip của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác như Alibaba, Tencent và ByteDance săn đón. Hoặc họ có thể thành lập các công ty thiết kế mới của riêng họ. Nhiều nhân viên được cho là đã từ chức từ trước.
Huawei sẽ kiếm tiền bằng cách cho HiSilicon sản xuất chip cho bên thứ ba. Ảnh: GizChina |
Mỗi kịch bản mà The Economist dự báo đều khiến các công ty như Qualcomm lo lắng. Nhà thiết kế chip lớn của Mỹ liệt kê sự cạnh tranh của Trung Quốc là một rủi ro trong báo cáo hàng năm. Năm ngoái, doanh thu từ Trung Quốc chiếm 11,6 tỷ USD trong tổng doanh thu 24,3 tỷ USD của Qualcomm. HiSilicon được giải phóng khỏi Huawei sẽ đe dọa doanh số bán hàng đó.
Huawei đang thể hiện sự dũng cảm. Họ cho biết sẽ chi hơn 20 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển trong năm nay, nhiều hơn 5,8 tỷ USD so với năm 2019 và ngang bằng với Amazon, một công ty có doanh số bán hàng gấp đôi. Doanh nghiệp của ông Nhậm Chính Phi hy vọng đạt được các nguồn doanh thu mới, ít bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công của Mỹ.