IMF: Các nước đang phát triển cần những cải cách mới để tăng trưởng và hạn chế khí thải

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện các cải cách kinh tế nhằm tăng sản lượng của họ, đồng thời giảm lượng khí thải carbon mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng và việc làm.

Trong một báo cáo hôm 25/9, MF cho biết các chính sách mới về quản lý, quy định kinh doanh và thương mại có thể thúc đẩy sản lượng tăng 4% trong hai năm và lên tới 8% trong 4 năm, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực khử cacbon.

"Những cải cách trên toàn nền kinh tế cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những công cụ để thúc đẩy tăng trưởng và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi xanh", IMF cho biết.

"Lợi ích từ việc cải tổ các thể chế và quy định dành cho doanh nghiệp và người dân... có thể nhanh chóng thành hiện thực ngay cả trong điều kiện kinh tế căng thẳng nghiêm trọng, miễn là các cải cách được ưu tiên và trình tự hợp lý. Và những cải cách này là chìa khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khử cacbon của các nền kinh tế".

Các nước đang phát triển yêu cầu đầu tư khoảng 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm vào lĩnh vực năng lượng sạch nhưng chỉ quản lý được 544 tỷ USD vào năm 2022, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển cho biết trong Báo cáo Đầu tư Thế giới vào tháng 7.

IMF: Các nước đang phát triển cần những cải cách mới để tăng trưởng và hạn chế khí thải - Ảnh 1.

Theo IMF, các cuộc cải cách trên toàn nền kinh tế cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những công cụ để thúc đẩy tăng trưởng và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi xanh. Ảnh: Bloomberg

Khuyến nghị của IMF được đưa ra trong bối cảnh các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với các mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế do lạm phát cao, nợ gia tăng và áp lực cán cân thanh toán. Trong khi những thách thức này chồng chất trong thời kỳ đại dịch, chúng càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraina.

Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng 4% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024, ít thay đổi so với mức 4% vào năm 2022, như báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF công bố vào tháng 7.

Con số này thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3% trong cả năm 2023 và 2024, giảm từ mức 3,5% vào năm 2022.

IMF cho biết trong báo cáo mới nhất rằng các vấn đề mang tính cơ cấu cản trở sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bao gồm quản lý yếu kém, bất ổn chính trị, tham nhũng, hạn chế về thương mại và các quy định quá mức đối với việc khởi nghiệp.

Giải quyết những hạn chế quan trọng này thông qua cải cách để cải thiện quản lý, nới lỏng quy định kinh doanh, hạ thấp rào cản thương mại và tăng khả năng tiếp cận vốn nước ngoài có thể giúp các quốc gia này nhanh chóng tăng sản lượng kinh tế.

Những cải cách cũng sẽ dẫn đến việc thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước và nâng cao năng suất lao động.

"Do nhu cầu phát triển rộng rãi của thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, điều quan trọng là các nỗ lực khử cacbon phải đi đôi với tăng trưởng kinh tế bền vững", theo IMF.

Báo cáo cho biết những cải cách được đề xuất sẽ giúp tạo ra tăng trưởng, từ đó hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang các hoạt động phát thải carbon thấp.

Cải cách quản lý có thể khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư nhiều vốn hơn vào các dự án xanh nếu những thay đổi này làm cho chính sách của chính phủ dễ dự đoán hơn.

IMF cho biết, chúng cũng có thể giảm thiểu rủi ro khi thực hiện các dự án khí hậu, có khả năng thu hút thêm nguồn tài chính từ nước ngoài.

Báo cáo cho biết việc giảm bớt các rào cản đối với việc mở cửa kinh doanh sẽ cho phép khu vực tư nhân đầu tư dễ dàng hơn vào các lĩnh vực mới, xanh mới nổi.

Việc giảm bớt các rào cản thương mại có thể tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ các-bon thấp và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ vốn rất quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh ở các nước kém tiên tiến về công nghệ hơn.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nhờ những cải cách này có thể làm tăng lượng khí thải. Báo cáo cho biết cần thực hiện song song các cải cách xanh để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra suôn sẻ.

Tổ chức này cho biết: "Những cải cách xanh nghiêm ngặt, như thuế năng lượng, các quy định và đầu tư xanh, là cần thiết để giảm đáng kể cường độ phát thải của hoạt động kinh tế".

Báo cáo cho biết thêm, việc kết hợp cải cách kinh tế và xanh sẽ cho phép các nền kinh tế này giảm lượng khí thải tổng thể đồng thời hỗ trợ tăng trưởng.

Các khuyến nghị của IMF được đưa ra trong bối cảnh có những lời kêu gọi khẩn cấp toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu khi các nước trên thế giới phải vật lộn với cháy rừng, động đất và lũ lụt.

NGỌC CHÂU