Không phải cứ đầu tư là đầu cơ dẫn đến “siết” hay “thắt”, “chặn” tín dụng

Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần khẳng định, không có văn bản chỉ đạo nào về vấn đề "siết" hay "thắt", "chặn" tín dụng bất động sản.

Theo các doanh nghiệp, hiện nay, các vướng mắc trong thủ tục hành chính đã khiến cho nhiều dự án bị đình trệ, tác động kép của dịch bệnh càng khiến doanh nghiệp gặp khó trong triển khai xây dựng. Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát là thời điểm nhiều dự án thi công xây dựng trở lại thì gặp cảnh vật liệu xây dựng phi mã, tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt, hết "room". Điều này có thể khiến các dự án đồng loạt rơi vào phải tạm dừng để chờ vốn, ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản cũng như kéo giá nhà tăng cao.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cần nhìn nhận thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.

Không những vậy, việc siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến các hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Trong khi đó, mục đích của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng cần phải có cái nhìn rạch ròi về đầu tư bất động sản, không phải cứ đầu tư bất động sản là đầu cơ.

Ông Cường lo ngại thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn về nguồn cung nếu siết quá chặt dòng vốn. Trong khi đó, ngành bất động sản kích thích tăng trưởng rất nhanh, trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay việc đẩy mạnh cho thị trường này phát triển càng trở nên cần thiết.

NHNN cũng cho biết, thực tế tín dụng bất động sản 5 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng cao hơn tốc độ tín dụng chung. Hiện nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi cho vay bất động sản chủ yếu là trung và dài hạn.

Do đó, cho vay bất động sản đồng nghĩa ngân hàng đứng trước nguy cơ rủi ro thanh khoản rất lớn. Kiểm soát tín dụng bất động sản cũng là để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và cả thị trường bất động sản.

Song NHNN cũng khẳng định tất cả các dự án có hiệu quả, có năng lực, dù lớn hay nhỏ đều được ngân hàng thương mại xem xét cho vay và được kiểm soát bằng các hạn mức, quy định và tỷ lệ.

Về kiểm soát tín dụng với bất động sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Phó Thủ tướng, đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian qua.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp trong một chia sẻ mới đây với Diễn đàn Doanh nghiệp, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, công ty đang thực hiện nhiều dự án cùng một lúc, số vốn cần để thực hiện là rất lớn song nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng đang "nghẽn" vì các lý do hết "room". Điều này khiến một số dự án phải tạm dừng, dù thủ tục đã gần xong hết.

Tại Đại hội nhiệm kỳ V của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã chia sẻ góc nhìn về tác động của việc siết dòng vốn tín dụng đối với thị trường bất động sản (bất động sản).

Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản Việt Nam tiềm năng và triển vọng so với quốc tế. Trước đại dịch Covid-19, cụ thể là năm 2019, riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng đóng góp khoảng 10% GDP. Nếu so với quốc tế, hai lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn đóng góp thấp hơn tại Ấn Độ, Trung Quốc. Điều đó cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển hai lĩnh vực này.

Về yếu tố lan tỏa, theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã công bố, lĩnh vực bất động sản đã lan tỏa tới ít nhất 35 ngành nghề khác nhau. Điển hình là các ngành như xây dựng, du lịch, tài chính vốn.

Nói về dòng vốn thị trường bất động sản, vị chuyên gia cho biết, trong 5 tháng vừa qua cho thấy, về cơ bản dòng vốn vẫn tích cực. Tất nhiên vẫn chậm hơn bởi một số lý do về việc ngân hàng cho vay như thế nào.

Tổng Hợp