Khủng hoảng COVID-19 năm thứ 2, liệu Đông Nam Á có thể xoay chuyển tình hình?

Một bác sĩ cho biết COVID-19 là một thử nghiệm về năng lực của các nước Đông Nam Á hiện nay, bởi số ca mắc gia tăng với tốc độ chóng mặt trong năm thứ 2 của đại dịch.

Năm thứ hai của đại dịch COVID-19 đang phải trải qua với các nước Đông Nam Á khi số ca mắc gia tăng với tốc độ chóng mặt trong thời gian qua.

Theo Channel News Asia (CNA), rất ít quốc gia kiểm soát được dịch bệnh. Brunei không ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng kể từ tháng 5/2020. Singapore đã thực hiện chiến dịch xét nghiệm tương đối lớn (2,2 xét nghiệm trên đầu người, cao hơn nhiều so với Indonesia với 0.04 xét nghiệm trên đầu người). Việt Nam có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực (0,71/1 triệu), một con số rất ấn tượng với đất nước có dân số 96 triệu người).

Thái Lan chỉ ghi nhận 6.884 ca mắc trong năm 2020 nhưng kể từ đầu năm đến nay đã có 220.000 ca mắc.

Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 113.000 trường hợp vào năm 2020, nhưng đã chứng kiến 592.000 ca mắc kể từ đầu năm đến nay và con số này còn có thể cao hơn do có nhiều người chưa được làm xét nghiệm.

Indonesia – tâm dịch châu Á có khoảng 33.000 ca tử vong trong nửa đầu năm 2021.

indonesia-experiences-oxygen-supply-shortage-amid-surge-of-covid-19-cases-in-jakarta-2.jpg
Một người đàn ông đeo khẩu trang xếp hàng để đổ đầy bình dưỡng khí khi Indonesia bị thiếu hụt nguồn cung cấp ôxy trong bối cảnh gia tăng các ca bệnh do COVID-19, Jakarta, Indonesia, ngày 5//7/2021. Ảnh: Reuters

Những yếu tố để ngăn chặn COVID-19 thành công

Các quốc gia thực hiện nhiều thử nghiệm hơn, (Singapore và Việt Nam) dường như đang kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so những nước có tỷ lệ xét nghiệm thấp (như Indonesia hoặc Philippines).

Nhờ thực hiện chiến lược chính phủ và toàn xã hội chung tay chống dịch, các nước như Brunei, Singapore, Việt Nam đã đạt được một số tiến triển trong phòng chống dịch bệnh.

Trái lại, một số quốc gia khác dường như đang chìm trong cuộc khủng hoảng không hồi kết.

Mặc dù những cuộc di chuyển lớn đã bị hủy bỏ vào năm 2020 và 2021 nhưng người dân Indonesia vẫn tìm mọi cách để tránh lệnh cấm đi lại và trở về quê nhà để tổ chức lễ Eid Al-Fitr vào tháng 5/2021.

Người Thái vẫn tổ chức lễ Songkran vào tháng 4.

Cả Indonesia và Thái Lan đều tăng đột biến trong khoảng hai tuần sau đó. Việc phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch và bỏ lỡ những lễ hội văn hóa quan trọng trong 2 năm liên tiếp đôi khi là điều rất khó chấp nhận đối với nhiều người dân.

outbreak-of-the-coronavirus-disease-covid-19-in-bangkok-1.jpg
Các nhà chức trách đã cấm tụ tập trên đường phố trong lễ té nước Songkran vào tháng 4/2021. Ảnh: Reuters

Tốc độ tiêm chủng chậm chạp cũng là một trong những yếu tố khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn.

Tỷ lệ tiêm chủng ở Philippines là 5,7%, Thái Lan là 7,9% và Indonesia là 8,4%. Nhưng trên hết, không thể không nhắc đến sự xuất hiện của biến thể Delta nguy hiểm hơn và dễ lây nhiễm hơn.

Tuy vậy, quy mô cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Đông Nam Á rất khó xác định vì khu vực này không có một hệ thống giám sát đầy đủ bộ gen virus.

Một số chuyên gia cho rằng, có thể đợt bùng phát mới vào năm 2021 vẫn do biến thể gốc của virus COVID-19 gây ra bởi tất cả các nước Đông Nam Á đều đưa ra hạn chế nghiêm ngặt đối với việc đi lại quốc tế.

Liệu Đông Nam Á có thể lật ngược tình thế trong nửa cuối năm?

Chuyên gia phân tích về chính sách và hệ thống y tế Khor Swee Kheng tại Kuala Lumpur, Malaysia cho rằng, các nước Đông Nam Á cần phải đề ra những chiến lược tốt hơn, trong đó tiếp tục thực hiện biện pháp vốn rất quen thuộc như thay đổi hành vi (đeo khẩu trang và giãn cách), tăng cường xét nghiệm, truy vết và cách ly, hạn chế di chuyển trong thời gian ngắn tại từng khu vực cụ thể thay vì áp đặt biện pháp phong tỏa kéo dài trên toàn quốc.

Việc thực thi chính sách cũng cần phải dựa trên các dữ liệu thực tế và phân bổ hợp lý nguồn tài chính, đồng thời kết hợp với thúc đẩy các dịch vụ y tế tư nhân, vì tại ở Đông Nam Á ngành này chiếm 53%.

Các quốc gia cũng cần tiêm chủng càng nhanh càng tốt. khuyến khích người dân đi tiêm phòng (chẳng hạn như giảm giá tại các quầy hàng hay rút thăm trúng thưởng đối với những người đã tiêm vaccine giống cách thức của Philippines), phối hợp với khu vực tư nhân (như Malaysia hoặc Singapore đã làm), phát triển vaccine riêng (như Thái Lan và Việt Nam), đồng thời cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí đến các trung tâm tiêm chủng.

Các nước cũng cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng y tế, ban hành luật lệ và các quy định liên quan đến việc tiêm chủng, chẳng hạn như cấp hộ chiếu vaccine hay xét nghiệm kháng thể.

malaysia-hopsital-covid-19.jpg
Các nhân viên y tế ở Malaysia xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: Facebook

Các nước trong khu vực nên tăng cường hợp tác để tìm kiếm giải pháp chung, chẳng hạn như thành lập một hệ thống mua sắm vaccine tổng hợp mô phỏng theo Quỹ quay vòng thuộc Tổ chức Y tế Liên Châu Mỹ (PAHO).

Hợp tác mua sắm vaccine có thể giảm chi phí, cải thiện công bằng và tăng sức mạnh đàm phán với dược phẩm. 

Đông Nam Á cũng có thể tham gia tích cực hơn vào các cuộc thảo luận toàn cầu về phân phối công bằng vaccine và cải cách quản trị y tế, tham gia vào nỗ lực kêu gọi miễn trừ các quyền về bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19 và chuyển giao công nghệ bào chế thuốc điều trị COVID-19, có thể yêu cầu sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc trong việc thiết lập tài chính, kỹ thuật và chính trị của một quỹ như vậy.

Điều này sẽ cho phép các nhà máy của Indonesia, Malaysia và Singapore sản xuất vacine để sử dụng trên toàn khu vực.

Các quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2021 bằng cách tiếp thu tốt hơn các bài học từ năm 2020 và các quốc gia khác.

Sự phục hồi sẽ phụ thuộc và hiểu biết khoa học, khả năng phán đoán tốt và gạt bỏ những lợi ích cục bộ và tâm lý tự mãn.

NGỌC CHÂU