Kinh nghiệm xương máu khi thất nghiệp: Tháng kiếm 100 triệu vẫn bị sa thải, người chấp nhận đi bán hàng để kiếm sống qua ngày

Thất nghiệp là trải nghiệm không người trẻ nào muốn trải qua. Song nếu nhìn theo hướng tích cực, chúng cũng có thể dạy cho bạn nhiều bài học.

 Bỗng nhiên rơi vào vòng xoáy thất nghiệp

Cách đây 1 năm, Minh Khoa (27 tuổi, Hà Nam) đã rơi vào vòng xoáy thất nghiệp hơn nửa năm. Công việc trước đây của anh chàng là chuyên viên kỹ thuật máy tính, đồng thời dẫn dắt đội ngũ 6 người trong một doanh nghiệp nước ngoài.

Môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt, áp lực lớn nhưng đổi lại chàng trai có thu nhập đáng mơ ước, lên đến gần 100 triệu đồng/tháng. Tháng nào mà cả đội trúng thầu dự án, mức thù lao mà Minh Khoa nhận được thậm chí còn vượt xa con số này.

"Với mức thu nhập khá ổn, và một vị trí chắc chắn, bản thân mình không bao giờ nghĩ tới, có một ngày công ty buộc phải cắt giảm nhân sự", Minh Khoa nói.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Khi doanh nghiệp của Khoa bắt đầu gặp khó khăn về kinh doanh, chàng trai đã rơi vào danh sách bị cắt giảm.

Khoa nhớ lại: "Mình chưa bao giờ nghĩ bản thân cũng có ngày này! Thật sự nếu ai từng làm cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ hiểu văn hóa sa thải đột ngột: Không kịp chia tay đồng nghiệp, không bàn giao việc làm, lập tức nghỉ ngay sau khi có thông báo. Việc duy nhất mình được làm lúc đó là xóa dữ liệu cá nhân.

Khoảng thời gian sau khi nghỉ việc, mình cảm tưởng bản thân có chút không ổn về tinh thần. Bởi vì rõ ràng mình chưa chuẩn bị gì cho trường hợp này cả: Không việc dự phòng, không thu nhập ngoài, không có kế hoạch gì mới cho tương lai. Hoang mang trong khoảng nửa năm trời, mình buộc phải đứng dậy. Vì nếu không, cứ duy trì tình trạng không có thu nhập thế này, thì ngày chết đói chắc cũng không còn xa".

Từ trải nghiệm này Minh Khoa rút ra kết luận: Khi bạn còn đi làm công ăn lương, dù đảm nhiệm đến vị trí CEO, giám đốc thì cũng có thể bị sa thải như thường. Do đó, nếu vẫn còn kiếm được thu nhập thì bạn nhất định phải tích luỹ tiền bạc để phòng thân. Kinh tế dư dả thì có thể mua đất, mua vàng hoặc gửi ngân hàng.

Một trường hợp khác, Trà Hằng (25 tuổi) đã thất nghiệp từ tháng 2 năm nay. Trước đó, cô làm back office cho một ngân hàng quốc tế được 8 tháng, sau đó đã xin nghỉ việc do nhiều lý do.

Sau khi nghỉ việc, Trà Hằng chuyển về quê sinh sống khoảng 2 tháng. Điều cô gái không ngờ tới là thị trường việc làm năm nay vô cùng khó khăn. Được biết, sau khi quay lại thành phố, dù tích cực rải CV nhưng đến nay, cô nàng vẫn chưa tìm thấy công việc phù hợp. 

"Mình thất nghiệp đúng thời điểm kinh tế đi xuống nên mọi thứ đều khó khăn. Mình nghĩ nguyên nhân thất nghiệp là do thị trường việc làm không có nhiều cơ hội. Một phần nữa vì bản thân đã lâu chưa làm đúng mảng logistic.

Có một lần đi xin việc, mình đã đến bước trao đổi về hợp đồng lao động, có kết bạn với nhân sự và trao đổi chuyện tiền lương. Tuy nhiên mấy ngày sau họ gọi điện nói mình không phù hợp. Còn có những trường hợp khác, trong vòng phỏng vấn, mình thấy bản thân thể hiện rất tốt trước nhà tuyển dụng nhưng cuối cùng vẫn không nhận được cuộc gọi đi làm. Nhiều lúc mình nghĩ, có phải những công ty gọi mình đến phỏng vấn không thật sự muốn tuyển dụng nhân sự mà chỉ đang khảo sát thị trường lao động hiện nay?", Trà Hằng kể.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Không riêng Trà Hằng, mà những người bạn của cô cũng gặp khó khăn khi đi tìm việc giữa lúc thị trường lao động khắc nghiệt hơn mọi năm.

"Có bạn mình đang làm lĩnh vực truyền thông cũng phải tìm việc mới vì dính làn sóng sa thải. Giờ bạn đang làm copywriter freelancer được 3 tháng rồi. Trong khi đó, một người bạn khác mình từng làm trong lĩnh vực thương mại điện tử, lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ bạn cũng nhảy sang làm tester cho công ty khác, nhận lương giảm gần một nửa. Đổi lại công việc không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm, phù hợp cho một người vừa mất việc như bạn mình", Trà Hằng tâm sự.

Bài học rút ra sau thất nghiệp: Chỉ làm công ăn lương cả đời là không đủ sống

Thất nghiệp không hoàn toàn chỉ có mặt xấu. Đó là bài học Minh Khoa nhận được từ trải nghiệm này.

Minh Khoa nói: "Nếu không có lần sa thải đó, có lẽ cả cuộc đời này mình sẽ chỉ làm văn phòng. Dù cho công việc có thuận lợi đến đâu, mình cũng sẽ chỉ mãi ở trong vòng luẩn quẩn: Sáng đi làm - Tối về lại tiếp tục nghiên cứu cho công việc - Cuối tháng thì nhận lương. Thậm chí đến năm 40-50 tuổi, vẫn ngồi làm báo cáo. Lúc nào cũng phải làm hài lòng cấp trên, tâm thế của người làm thuê nên cứ nơm nớp lo sợ. Và rồi không dám thoát ra khỏi vòng an toàn mà chính mình xây dựng nên".

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bản thân Khoa cũng thầm cảm ơn lần sa thải đột ngột của doanh nghiệp, bởi đó chính là "cú huých" để anh chàng mở ra nhiều cơ hội khác. Chàng trai quan niệm, mình không thể sống cả đời mà chỉ phụ thuộc vào 1 nguồn thu nhập nữa.

"Mình đã thay đổi bản thân rất nhiều sau lần nghỉ việc: Biết lên kế hoạch ngắn hạn, học cách đa dạng thu nhập, trích phần trăm tiền tiết kiệm để đầu tư, và học thêm rất nhiều kiến thức bên lề. Cái kết lần này mình hướng đến, là cho đến năm 50-60 tuổi, bản thân vẫn sẽ được làm việc mình yêu thích. Chứ không cần phụ thuộc vào 1 câu nói 'Đồng ý hay không' của bất kỳ một ai".

Còn về phía Trà Hằng, toàn bộ 6 tháng đầu sau khi thất nghiệp, cô nàng đều sống dựa vào tiền tiết kiệm có sẵn. Khi hết tiền, cô chấp nhận đi làm nhân viên bán hàng parttime, quay lại với công việc đã từng làm từ thời sinh viên để có thêm thu nhập. 

Ngoài ra, do không đi làm suốt thời gian nên Trà Hằng đã phải vay nợ từ người thân và bạn bè để trang trải một số khoản chi tiêu. Bên cạnh đó, cô cũng quẹt thẻ tín dụng khi muốn mua những món đồ mình thích.

"Gần đây, mình có làm nhân viên bán hàng để trang trải chi phí sinh hoạt. Thời gian làm việc linh động, bản thân cũng có thêm đồng thu nhập. Mình khuyên mọi người nếu bị stress quá thì có thể thử công việc này, thay vì chỉ ngồi ở nhà và khiến tâm trạng căng thẳng hơn".

Trà Hằng cũng cho rằng khi thất nghiệp, điều quan trọng nhất bạn cần làm là cố gắng giữ vững tinh thần. Hãy coi chúng là một thời gian dưỡng sức, đồng thời tìm thấy niềm vui cá nhân để từ đó sống tích cực hơn mỗi ngày.

Vân Anh

Bên trong nhà nghỉ giá rẻ, ở ghép cùng 4 người/đêm của người trẻ thất nghiệp và nỗi lo: 'Tại sao thị trường việc làm khắc nghiệt thế?'

Bên trong nhà nghỉ giá rẻ, ở ghép cùng 4 người/đêm của người trẻ thất nghiệp và nỗi lo: "Tại sao thị trường việc làm khắc nghiệt thế?"

Nhiều người trẻ chọn nhà nghỉ tập thể vì mức giá thuê rẻ, trong quá trình tìm kiếm cơ hội ở các thành phố lớn.