Hơn một nửa thanh niên Hàn Quốc thất nghiệp dù có bằng đại học, trung bình mất hơn 10 tháng mới tìm được công việc đầu tiên

Hơn 1,26 triệu thanh niên nước này đang thất nghiệp, trong đó hơn một nửa có bằng cử nhân trở lên.

Số liệu công bố ngày 27/8 của cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) chỉ ra, trong số 8,42 triệu dân trong độ tuổi 15 - 29, có 4,52 triệu người đã tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc đại học. Tuy nhiên, 1,26 triệu người trong số những người đã tốt nghiệp hiện không có việc làm.

Trong số 1,26 triệu người không có việc làm, 53,8%, tương đương khoảng 678.000 thanh niên, có bằng đại học trở lên. Những người có trình độ trung học phổ thông trở xuống chiếm 46,2%. Trong số những người thất nghiệp, 40,9% đang chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển dụng công chức, tuyển dụng vào các công ty... Mặt khác, 25,4% thanh niên không tham gia bất kỳ hoạt động tìm kiếm việc làm nào. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng theo cơ quan trên, trung bình người trẻ tuổi sau khi tốt nghiệp cần 10,4 tháng để tìm được việc làm đầu tiên. Khoảng 15,3% số người trẻ, tương đương 591.000 người, cho biết, họ mất hơn 2 năm mới có thể ứng tuyển thành công một công việc sau khi ra trường. Trong số những người đang làm việc, chỉ có 50,6% cho biết công việc của họ phù hợp với chuyên ngành được đào tạo ở trường.

Dù tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhưng thanh niên Hàn Quốc vẫn "kén cá chọn canh" trong nỗ lực tìm kiếm việc làm của mình. Một thống kê đưa ra vào tháng 6 vừa qua cho thấy, số người có việc làm ở độ tuổi 20 đã giảm 63.000 người so với cùng kỳ vào tháng 5, xuống còn 3,83 triệu người, đánh dấu mức sụt giảm 7 tháng liên tiếp kể từ tháng 11/2022.

Khi được hỏi về việc tham gia các hoạt động kinh tế, có 357.000 thanh niên thất nghiệp ở độ tuổi 20 cho biết họ nghỉ việc mà không quan tâm đến việc tìm việc hoặc chuẩn bị đi làm. Lý do phổ biến nhất là "không có việc làm với mức lương và điều kiện làm việc mong muốn".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài ra, nhiều người chọn trường vì danh tiếng thay vì mức độ phù hợp với bản thân. Họ cũng chỉ muốn tìm việc tại các tập đoàn lớn thay vì doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả là cử nhân phải mất trung bình 10 tháng sau khi tốt nghiệp mới tìm được công việc yêu thích.

Người Hàn Quốc vốn tin rằng con đường duy nhất để vươn lên trong cuộc sống, có công việc ổn định, lương cao là đi học ở một trường đại học danh tiếng. Các công ty cũng thường dựa vào bằng cấp để đánh giá năng lực ứng viên. Vì vậy, ngày càng nhiều người trẻ sở hữu bằng đại học hoặc cao hơn, mức độ cạnh tranh cũng vì thế mà gia tăng khiến nhiều người tốt nghiệp đại học không xin được việc.

Nhiều công ty có xu hướng tuyển dụng người có kinh nghiệm thay vì tuyển dụng mới. Các công ty lớn như Samsung hay Hyundai không đăng tuyển dụng nhiều như trước. Vì cơ hội việc làm tại các công ty lớn cho sinh viên mới ra trường ngày càng khan hiếm, nhiều người đã mất hy vọng.

Người trẻ Hàn nhịn đói, không dám tụ tập bạn bè vì nợ nần, thất nghiệp 

Trước đó, theo nghiên cứu của Hội đồng Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc thực hiện vào năm 2019, một bộ phận lớn thanh niên Hàn Quốc đang trong tình trạng thất nghiệp thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa, không dám tụ tập bạn bè. Đây cũng là tình trạng chung ngay cả với những người có công việc nhưng vẫn chật vật mỗi ngày để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.

Khảo sát thực hiện trên 1.000 người trong độ tuổi từ 19 đến 34. Kết quả, 67% thừa nhận họ buộc phải "từ chối gặp mặt mọi người vì không có tiền".

49,5% số người tham gia khảo sát cho hay họ phải ăn uống tiết kiệm, thậm chí nhịn ăn vì không đủ tiền. 31,2% không thể xoay xở ngay cả trong việc mua những nhu yếu phẩm hàng ngày. 30,8% bị việc thanh toán các hóa đơn tiện ích khác nhau mỗi tháng đè nặng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở Hàn Quốc, một bữa ăn trung bình có giá khoảng 4 USD (gần 100k đồng). Nhiều người chỉ dám ăn một bữa chính trong ngày. Thậm chí nhiều người do nhịn đói lâu ngày mà dần mắc chứng biếng ăn, suy nhược. Một nửa số người được hỏi cho hay họ cảm thấy không thoải mái khi phải mua quà sinh nhật cho các thành viên trong gia đình vì đang trong tình cảnh nợ nần.

Khảo sát những đối tượng có độ tuổi từ 19 đến 24, 60,3% mắc nợ do học phí ở trường. Trong khi đó, những người từ 25-29 tuổi lại chật vật với chi phí sinh hoạt, còn tiền nhà ở chiếm phần lớn trong số tiền nợ của những người 30-34 tuổi.

"Những người trẻ Hàn Quốc rơi vào vòng luẩn quẩn sau khi tốt nghiệp đại học với số nợ khổng lồ. Họ không chỉ không thể trả nợ nhanh chóng mà riêng chuyện tìm kiếm việc làm đã tốn rất nhiều thời gian. Nếu họ chọn bừa một công việc dễ kiếm, họ lại phải đối mặt với tình trạng công việc không ổn định hay mức thu nhập ít ỏi", nhóm khảo sát cho hay.

Theo The Straits Times, Yonhap, SCMP

Đông

Chuyên gia Hàn Quốc đưa ra lời khuyên sử dụng điều hòa tiết kiệm điện

Chuyên gia Hàn Quốc đưa ra lời khuyên sử dụng điều hòa tiết kiệm điện

Mới đây, các chuyên gia công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đã đưa ra các giải pháp sử dụng điều hòa hiệu quả nhằm giảm hóa đơn tiền điện mỗi tháng.