Bên trong nhà nghỉ giá rẻ, ở ghép cùng 4 người/đêm của người trẻ thất nghiệp và nỗi lo: "Tại sao thị trường việc làm khắc nghiệt thế?"

Nhiều người trẻ chọn nhà nghỉ tập thể vì mức giá thuê rẻ, trong quá trình tìm kiếm cơ hội ở các thành phố lớn.

01

Trong một nhà nghỉ giá rẻ tập thể nằm ở trung tâm của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), giữa tiếng ồn ào buồn tẻ của máy sấy tóc, tiếng kêu của máy sinh tố và mùi thơm của mì ăn liền, Ethan Yi (23 tuổi) đang cân nhắc về nền kinh tế và tình trạng thất nghiệp của bản thân.

"Tại sao một sinh viên tốt nghiệp Đại học như tôi không thể tìm được việc làm? Tại sao chỉ những công việc được trả 400 - 500 USD/tháng (9,7 - 12,1 triệu đồng) mới tìm đến tôi. Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao mọi thứ lại trở nên khó khăn như vậy?", anh Ethan Yi nói.

Không chỉ riêng Ethan Yi mà nhiều người trẻ thất nghiệp đang sống tại các nhà nghỉ tập thể giá rẻ, cũng đặt câu hỏi tương tự. Khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, mô hình nhà thuê giá rẻ này đã trở thành "nơi ẩn náu" cho những người trẻ vẫn đang tìm cơ hội ở thành phố lớn. Đây là nơi họ nghỉ ngơi giữa các cuộc phỏng vấn liên tiếp, hoặc điều chỉnh CV. Để thuê một giường tầng ở ghép cùng nhiều người khác trong các căn phòng tại nhà nghỉ tập thể ở đây, bạn cần bỏ ra vài đô la một đêm.

Khung cảnh bên trong nhà nghỉ tập thể giá rẻ được ưa chuộng bởi các thanh niên Trung Quốc 
Khung cảnh bên trong nhà nghỉ tập thể giá rẻ được ưa chuộng bởi các thanh niên Trung Quốc 
Một cặp đôi vừa đăng ký chỗ ở tại nhà nghỉ tập thể 
Một cặp đôi vừa đăng ký chỗ ở tại nhà nghỉ tập thể 

Theo chia sẻ của Ethan Yi, trong lần đầu tiên đến Thượng Hải, chàng trai rất vui vì gặp được nhiều người nước ngoài. Bởi anh chàng muốn tìm kiếm cơ hội việc làm trong lĩnh vực thương mại quốc tế và dịch thuật. 

Ethan Yi đến Thượng Hải vào ngày thứ bảy. Sau khi tham gia nhiều cuộc phỏng vấn, chàng trai dành thời gian cuối tuần để đi thăm quan thành phố mới. Đến tối, anh trở về căn phòng trong nhà nghỉ tập thể - nơi chàng trai có phòng ngủ tương đối gọn gàng và có phòng tắm riêng. Anh chia sẻ căn phòng với 3 người, với mức giá 13 USD/người/đêm (~315 ngàn đồng).

Thời gian lâu sau đó, Ethan Yi vẫn tiếp tục ở lại nhà nghỉ tập thể và chưa tìm thấy việc làm mới.

"Ngay bây giờ tôi cảm thấy khá lạc lõng. Bố vừa nói với tôi rằng 'Không sao cả, hãy tiếp tục tìm kiếm cơ hội'. Nhưng thành thật, tôi vẫn phải suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Tôi không muốn tiếp tục lãng phí quá nhiều tiền bạc".

Các khu nhà nghỉ giá rẻ tương tự nơi ở của Ethan Yi đã trở thành một phần cần thiết, vì tính chất siêu cạnh tranh của thị trường việc làm cổ cồn trắng ở Trung Quốc. Khi nền kinh tế chậm lại, sự cạnh tranh để có việc làm tốt ngày càng trở nên gay gắt. Do tình trạng thất nghiệp hoặc công việc trả lương thấp đã khiến nhiều người trẻ Trung Quốc chấp nhận các mô hình nhà thuê giá trẻ. Nhiều người khác lại không đủ khả năng đóng tiền cọc nhà thuê dài hạn, hoặc ngại ký hợp đồng thuê nhà vì sợ bị sa thải đột ngột.

Tương tự như Ethan Yi, áp lực cạnh tranh giữa thị trường làm việc khắt nghiệt cũng đè nặng lên đôi vai của Zhi Yanran - một cô gái vừa đến nhà nghỉ tập thể này vài ngày trước. Tại thời điểm tham gia phỏng vấn, Zhi Yanran đã trải qua ba cuộc phỏng vấn và dự tính sẽ có thêm 2 cuộc phỏng vấn tiếp theo cho vị trí nhân sự.

Tuy nhiên, Zhi Yanran cho biết cô cảm thấy đang tụt hậu so với các bạn cùng lớp thời Đại học - những người đã bắt đầu nộp đơn xin việc từ lâu. Cô nàng mới bắt đầu xin việc vào tháng 9 nằm nay, sau 2 tháng dài chọn "nằm phẳng" ở nhà vì không tìm thấy việc làm kể từ thời điểm tốt nghiệp vào tháng 6.

Nói về nhà nghỉ tập thể,  Zhi Yanran chia sẻ cô thấy hài lòng với căn phòng gồm 5 người của mình, với giá thuê chưa đến 11 USD/người/đêm (~242 ngàn đồng). Chỉ có một điều khiến Zhi Yanran không thoải mái là các phòng tại đây không sôi động như cô mong đợi. Tất cả những người bạn ở ghép cùng Zhi Yanran thường im lặng hoặc ngồi lăng lẽ bên máy tính hay điện thoại.

Sảnh của một nhà nghỉ tập thể 
Sảnh của một nhà nghỉ tập thể 

02

Nhà nghỉ tập thể không chỉ là nơi dừng chân của những người trẻ mới ra trường mà còn là của dân văn phòng nhiều năm kinh nghiệm.

Đơn cử như Kris Zhang, 30 tuổi. Anh chàng từng làm việc ở thành phố Hàng Châu với vị trí lập trình viên máy tính được trả lương cao tại Alibaba - một công ty hàng đầu về lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, chàng trai đã bị sa thải vào đầu năm nay.

Chàng trai muốn ở lại Hàng Châu - nơi anh đã mua được một căn nhà và xe ô tô Audi. Tuy nhiên, anh chấp nhận chuyển sang Thượng Hải sinh sống. Bởi ở thành phố cũ, Kris Zhang không thể tìm được công việc mới với mức lương đủ cao để trang trải hơn 27.000 USD hàng năm (~654 triệu đồng) cho các khoản vay thế chấp và tiền nợ mua ô tô của mình.

Cũng vì thế, từ tuần trước, Kris Zhang đã bất đắc dĩ nhận lời mời làm việc ở Thượng Hải, trong khi vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở thành phố Hàng Châu. Tại Thượng Hải, chàng trai sống trong nhà nghỉ tập thể với hy vọng sẽ tìm thấy một nơi ngủ nghỉ ngắn hạn với mức giá rẻ.

Kris Zhang tâm sự: "Trước đây, bạn có thể 'nhắm mắt tìm bừa' một công việc và nhận được hàng chục lời đề nghị từ doanh nghiệp mỗi năm. Thế nhưng tình hình hiện tại đã tồi tệ hơn rất nhiều". 

Một trường hợp khác, Yang Han - cử nhân vừa tốt nghiệp chuyên ngành Quảng cáo vào tháng 6 năm nay, đã đến Thượng Hải với quyết tâm tìm kiếm việc làm.

Chàng trai đã rất lo lắng khi mới bắt đầu cuộc sống tại nhà nghỉ tập thể này. Yang Han đã kết thúc nhiều cuộc phỏng vấn xin việc và anh chàng không thể làm gì ngoài việc chờ đợi cái gật đầu từ nhà tuyển dụng.

Yang Han nói rằng, trường hợp xấu nhất khi không thể tìm kiếm việc làm, anh sẽ bắt tàu quay về quê nhà là tỉnh Hà Nam. Tại đây, chàng trai vẫn sẽ nộp thêm CV và chờ đợi lời mời tham gia phỏng vấn ở Thượng Hải. Cứ như thế, chàng trai sẽ liên tục di chuyển từ Hà Nam lên Thượng Hải. 

Tất nhiên đó không phải viễn cảnh tốt đẹp với Yang Han. "Tôi hy vọng mình không cần phải thực hiện nhiều chuyến đi như vậy", Yang Han nhấn mạnh.

Nguồn: The New York Times

 

Vân Anh