Lâm Đồng dừng giãn cách xã hội, Hà Nội, Long An cùng nhiều tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 15

Lâm Đồng đã dừng giãn cách xã hội, trở lại cuộc sống bình thường. Hà Nội, Long An, Lào Cai, Tiền Giang... đang nới lỏng giãn cách xã hội, mở lại các hoạt động kinh doanh và dịch vụ...

Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 15

TP.Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

Theo đó, về vận tải, Hà Nội tiếp tục đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục dừng vận tải hành khách đường bộ, đường thủy; trừ trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, tôn giáo cũng tạm dừng.

65.jpg

Các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch) bố trí cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà).

Các cơ sở cung ứng hàng hóa thiết yếu, cắt tóc gội đầu, dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang về)... được hoạt động và đóng cửa trước 21 giờ. Xe 2 bánh công nghệ được phép hoạt động không quá 50% phương tiện, người giao hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

TP.HCM nhận hồ sơ trực tiếp từ tháng 10/2021

Từ đây đên hết tháng 9, TP.HCM tiếp tục tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính tại trụ sở, chỉ tiếp nhận thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 .

Riêng các cơ quan có trụ sở tại quận 7, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi, khu công nghệ cao thì không giới hạn số lượng công chức làm việc tại trụ sở miễn là đã tiêm 2 mũi vaccine. Người đến liên hệ giải quyết hồ sơ trực tiếp tại trụ sở phải tiêm 2 mũi vaccine, nếu chưa tiêm đủ thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Từ ngày 1 - 31/10, các cơ quan, đơn vị trên toàn TP.HCM sẽ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Các cơ quan chỉ bố trí 50% công chức toàn đơn vị làm việc tại trụ sở, những công chức này phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine (hoặc được cấp thẻ xanh COVID), số còn lại tiếp tục làm việc tại nhà. Các địa phương đã kiểm soát được dịch thì bố trí công chức đã có thẻ xanh COVID làm việc trực tiếp theo nhu cầu.

Kể từ tháng 11/2021, các cơ quan được tăng thêm số lượng công chức làm việc tại trụ sở, người dân đến giao dịch phải được cấp thẻ xanh Covid, nếu chỉ được cấp thẻ vàng COVID thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Dù người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp nhưng chính quyền tiếp tục khuyến khích nộp hồ sơ trực tuyến để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.

Đồng Nai: Vùng xanh đi lại tự do

Người dân tại 103/170 xã, phường vùng xanh ở Đồng Nai khi nới lỏng giãn cách được tự do đi lại trong xã, phường. Nguyên tắc chỉ được đi qua vùng xanh, nếu qua vùng đỏ, cam, vàng thì phải đợi đến khi các vùng này xanh mới được quay về.

Trong ngày đầu nới lỏng giãn cách, người dân ở các vùng xanh đổ ra đường khá đông, một số hàng quán bán thực phẩm thiết yếu cũng bắt đầu mở lại, bán mang về.

Đồng Nai vẫn khóa chặt vùng đỏ, cam vàng, chỉ nới lỏng vùng xanh ở quy mô xã, phường. Sau khi thí điểm nếu thấy an toàn và thuận lợi, sẽ tiến tới mở rộng vùng xanh đến địa giới ấp, khu phố, thậm chí tổ dân phố trong toàn tỉnh.

Long An áp dụng theo Chỉ thị 15

Áp dụng theo Chỉ thị 15, tỉnh Long An tập trung kiểm soát tại các điểm còn dịch trong diện hẹp để tiếp tục dập dịch.

Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, F0 hoàn thành điều trị không quá 6 tháng từ ngày được cấp giấy, F0 điều trị tại nhà được trung tâm y tế huyện cấp giấy chứng nhận không quá 6 tháng sẽ được đi lại trên toàn tỉnh, trừ những nơi áp dụng các biện pháp riêng biệt. Việc quản lý này sẽ được Long An gọi là khái niệm "thẻ xanh COVID".

Còn "thẻ vàng COVID" là những người đã tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày thì được phép đi lại nội huyện kèm theo giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn 3 ngày.

Về việc mở chợ truyền thống, ông Được đề nghị giao cho 10 huyện "vùng xanh" xem xét, tự quyết định. Còn 2 địa phương "vùng cam" và 3 huyện "vùng vàng" thì tiếp tục tạm dừng các hoạt động của chợ truyền thống đến hết ngày 30/9.

Lâm Đồng dừng giãn cách xã hội

 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã ban hành văn bản về việc dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 tại xã Trạm Hành và Xuân Trường thành phố Đà Lạt, từ 0 giờ ngày 21/9/2021.

Như vậy, trên địa bàn thành phố Đà Lạt không còn địa phương nào thực hiện giãn cách xã hội. 

Lào Cai mở lại các hoạt động, dịch vụ 

Tỉnh Lào Cai đã cho phép nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại trên địa bàn, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đó, các phòng tập gym, yoga, thể dục, thể thao, dạy múa,bể bơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch như đo thân nhiệt người đến tập, chia các ca tập để hạn chế đông người.

Trong một thời điểm không được tập trung quá 20 người, khoảng cách ít nhất 1m giữa những người tập; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn thiết bị máy móc, dụng cụ hỗ trợ người tập.

Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại cửa ra vào và yêu cầu khách sát khuẩn tay ít nhất 2 lần (khi đến và trước khi về).

Ngoài ra, các tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đã nới lỏng giãn cách xã hội. Các địa phương “vùng đỏ” tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16, còn lại thực hiện Chỉ thị 15 hoặc 15 +.

Vĩnh Long và Trà Vinh cùng thực hiện Chỉ thị 15.

HẢI MY