1. Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía Đông (4/6/2020)
Sao Thủy đạt vị trí ly giác cực đại phía Đông, cách Mặt Trời 23,6 độ. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để quan sát sao Thủy khi mà nó ở vị trí cao nhất trên đường chân trời vào buổi tối. Hãy quan sát hành tinh này ở phía Tây bầu trời ngay sau hoàng hôn.
2. Trăng tròn (6/6/2020)
Mặt Trăng sẽ nằm ở vị trí đối diện Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và phần hướng về phía Trái Đất của Mặt Trăng sẽ được chiếu sáng toàn bộ. Hiện tượng này diễn ra lúc 02:12 (giờ Việt Nam).
Lần trăng tròn này được những bộ tộc châu Mỹ bản địa thời xưa gọi là Trăng Dâu tây (Full Strawberry Moon) bởi vì nó báo hiệu khoảng thời gian thu hoạch hoa quả chín và cũng trùng với đỉnh điểm mùa thu hoạch dâu tây. Lần trăng này cùng được biết đến là Trăng Hoa hồng (Full Rose Moon) và Trăng Mật ong (Full Honey Moon).
3. Nguyệt thực nửa tối (6/6/2020)
Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng tối một phần của bóng Trái Đất, hay còn gọi là vùng nửa tối. Với loại nguyệt thực này, Mặt Trăng sẽ bị tối đi một chút chứ không tối đi hoàn toàn. Hiện tượng nguyệt thực nửa tối lần này sẽ quan sát được ở châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Úc và Ấn Độ Dương
Toàn bộ quá trình diễn ra hiện tượng có thể quan sát được ở Việt Nam. Chi tiết như sau:
- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 00:45
- Cực đại nguyệt thực: 02:24
- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 04:04
4. Trăng mới (21/6/2020)
Mặt Trăng sẽ ở cùng phía Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và sẽ không thể quan sát được trên bầu trời đêm. Hiện tượng này xảy ra lúc 13:42.
Đây sẽ là khoảng thời gian tuyệt nhất trong tháng để quan sát những thiên thể mờ như thiên hà và các cụm sao vì nó không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.
5. Nhật thực hình khuyên (21/6/2020)
Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng ở quá xa Trái Đất nên không thể hoàn toàn che kín Mặt Trời. Điều này dẫn tới sự xuất hiện của một vòng tròn ánh sáng bao xung quanh Mặt Trăng – lúc này đang chìm trong bóng tối.
Vành nhật hoa của Mặt Trời sẽ không thể quan sát trong khi diễn ra nhật thực hình khuyên. Đường đi của nhật thực hình khuyên lần này sẽ bắt đầu ở vùng Trung Phi, di chuyển qua Ả Rập Xê út, Bắc Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và kết thúc ở Thái Bình Dương. Pha một phần có thể quan sát được ở phía Đông châu Phi, Trung Đông và phía Nam châu Á.
Cực đại nhật thực một phần quan sát tại Hà Nội. Hình ảnh mô phỏng từ phần mềm Stellarium, đã che hoàn toàn ánh sáng ban ngày. Trong thực tế không thể quan sát được vành nhật hoa bao quanh Mặt Trời như ở hình trên do ánh sáng Mặt Trời quá mạnh.
Tại Việt Nam, chúng ta chỉ quan sát được nhật thực một phần. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ như sau:
- Nhật thực một phần bắt đầu 13:16, 13:37, 13:18, 13:30, 13:36.
- Nhật thực một phần đạt cực đại 14:55, 15:05, 14:57, 15:04, 15:04
- Nhật thực một phần kết thúc 16:18 16:18 16:19 16:22 16:16
6. Hạ Chí (23/6/2020)
Hạ chí năm nay diễn ra lúc 04:44. Cực Bắc của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt Trời. Lúc này, Mặt Trời đạt tới vị trí tối đa về phía Bắc của bầu trời. Mặt Trời sẽ chiếu sáng thẳng lên đường chí tuyến Bắc tại 23,44 vĩ độ Bắc. Đây sẽ là ngày đầu tiên của mùa hè ở Bắc bán cầu và là ngày đầu tiên của mùa đông ở Nam bán cầu.
Theo Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS)