Lối đi nào cho thị trường bất động sản phát triển

Thị trường bất động sản Việt Nam luôn thể hiện tiềm năng phát triển lớn, sức hút đầu tư rất cao, nhất là hút được nguồn lực tài chính rất lớn từ dân. Đô thị hóa mạnh và phát triển nhà ở gồm cả nhà ở thương mại và nhà ở xã hội là xu hướng chính trong phát triển hiện nay. 

Đứng trước chúng ta là năm 2021 và kỳ quy hoạch phát triển 10 năm 2021 - 2030. Hy vọng thị trường bất động sản sẽ có sức sống mới mang lại hiệu quả phát triển nhà ở cho dân; kinh tế du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn; khu công nghiệp, khu kinh tế trở thành sân đỗ đón đại bàng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào 2030; nông sản Việt có sức cạnh tranh cao trên thương trường nông sản quốc tế.

Hy vọng một ngày không xa, hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản được cấu trúc nhất quán, đồng bộ, dẫn đường được cho thị trường bất động sản phát triển. Mọi dữ liệu về thị trường được thu thập đầy đủ để hoàn thiện quy hoạch và dự báo được thị trường, loại bỏ mọi rủi ro có thể xảy ra.

Phân khúc bất động sản công nghiệp có xu hướng phát triển mạnh hơn kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung được đẩy lên cao trào. Dòng đầu tư FDI từ các nước phát triển đang rời bỏ Trung Quốc để tìm bến đỗ mới, khả năng đi vào Việt Nam mạnh hơn. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác “dọn tổ đón đại bàng”.

Từ 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có yếu tố mới là hình thành các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Nói chung, độ lấp đầy của các khu công nghiệp đã tăng từ 50% lên tới 80%, giá thuê mặt bằng cũng tăng khoảng từ 15% tới 25%.

Cần hết sức cảnh giác với tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản tích tụ do thiếu cung và có sự can thiệp của giới đầu cơ trong vài ba năm tới. Đối với bất động sản nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, ta vẫn chưa tìm được động lực cho phát triển kể từ cuối 2016 khi gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng kết thúc.

Trong phân khúc bất động sản du lịch, khái niệm hệ sinh thái bất động sản du lịch bao gồm các bất động sản gắn với du lịch như vui chơi, giải trí, thể thao, ẩm thực, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, mua sắm, văn hoá, trải nghiệm, v.v. đã được hình thành và tạo nên triết lý phát triển bất động sản du lịch.

Lúc này rất cần các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư thứ cấp tham gia. Khi loài người vượt qua được nạn dịch Covid, du lịch quốc tế tấp nập trở lại, sự thiếu vắng các bất động sản du lịch kiểu mới sẽ làm chậm quá trình đưa kinh tế du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chính phủ mới đưa ra giải pháp cấp ngân sách vài nghìn tỷ đồng để bù lãi suất tín dụng cho các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi trong phát triển nhà ở xã hội. Phép tính số học thì hợp lý, nhưng bài toán thị trường thì phương thức này chưa chắc đã được các ngân hàng thương mại chấp nhận.

Câu chuyện về phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn chưa có động lực thực sự để phát triển. Hiện nay, các nhà ở giá rẻ được hình thành trước đây đang được các nhà đầu tư dự án nâng lên mức giá trung bình.

Phân khúc bất động sản du lịch kiểu mới đang bị các nhà đầu tư thứ cấp bỏ rơi, nhiều dự án đầu tư đang rơi vào tồn đọng. Biểu hiện tiêu cực này cũng chỉ do chưa có một khung pháp luật tương thích.

Các dự án đầu tư những khu hỗ trợ du lịch như khách sạn lớn, khu vui chơi - giải trí, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe, v.v. lại quay về phương thức đầu tư truyền thống được thực hiện bởi các nhà đầu tư dự án, không có sự tham gia của các nhà đầu tư thứ cấp. Cơ hội tận dụng nguồn lực tài chính từ dân lại bị bỏ qua.

Việc giảm cung dự án đầu tư bất động sản sẽ gây ra giảm cung hàng hóa bất động sản trong vài ba năm tới. Hiện nay, các nhà đầu tư dự án nhà ở đã nhận thức được xu hướng thị trường, đang giữ lại hàng hóa và cho tăng giá, tăng khoảng 20% tới 30%. Khu vực quản lý cần thận trọng trong tương lai gần để đề xuất giải pháp ngăn ngừa khả năng sốt giá và tích tụ bong bóng bất động sản.

Như vậy, đến cuối năm 2020, giá bất động sản nhà ở tăng khá nhanh tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn có định hướng đô thị hoá. Nhiều dự án đầu tư khu đô thị mới, khu nhà ở đã chuyển dịch từ các đô thị lớn về các tỉnh liền kề.

Đầu tư vào một bất động sản thì trong mọi hoàn cảnh bất động sản đó luôn tồn tại, giá trị có thể bị suy giảm lúc này hay lúc khác, nhưng sau đó lại tăng lên, bất động sản không bao giờ bị mất.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)