Hơn 6 năm về trước, sau cú điện thoại đầy tình cảm cho tiền đạo Anh Đức: "Đức ơi, bố về đội tuyển làm HLV tạm thời. Bố mời con lên tham gia đội tuyển, hỗ trợ giúp đỡ bố nhé?", sau đấy là cái bắt tay cùng lời nói khẩn khoản: "Con giữ đúng lời hứa nhé!", chắc hẳn HLV Mai Đức Chung cũng không thể ngờ được rằng mình góp phần "hồi sinh" không chỉ một, mà đến hai huyền thoại.
Nếu như không có lời mời của ông Chung, có lẽ không bao giờ Anh Đức lại nghĩ rằng mình có cơ hội trở lại đội tuyển quốc gia, không chỉ bởi anh bị "bít đường" bởi HLV Hữu Thắng, mà còn bởi những gì người ta làm với anh đã chạm đến phần thiêng liêng nhất của một người con của quê hương Việt Nam, là "chối bỏ nhiệm vụ quốc gia".
Gần tám năm về trước, một tờ báo uy tín của Việt Nam đã giật tít: "Công Vinh được HLV Hữu Thắng 'bọc lót' vụ Anh Đức". Ngày ấy, câu chuyện Hữu Thắng - Công Vinh - Anh Đức là một câu chuyện dài, nhiều khúc cua và góc khuất, song tựu trung lại tiêu đề bài báo ấy đã phản ánh hầu như đầy đủ những uẩn khúc khiến tiền đạo đoạt Quả bóng Vàng Việt Nam tưởng chừng như đã mãi mãi lùi sâu vào bóng tối của thị phi, uất ức, cho đến khi HLV Mai Đức Chung mời anh trở lại bằng những lời lẽ đầy thân tình. Để rồi hơn 2 năm sau, ngôi sao ấy chính thức giã từ đội tuyển trong vinh quang, với tên tuổi sáng rực rỡ trong ngôi đền huyền thoại của bóng đá Việt Nam.
Với HLV Park Hang-seo, dù cho 5 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam đưa ông lên đỉnh cao của sự nghiệp, trở thành một huyền thoại không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả Hàn Quốc, thì sự khởi đầu của ông ở đất nước hình chữ S là một quyết định khá liều lĩnh. Ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, ông nhận về đủ sự nghi ngờ khi đã tròn 15 năm chìm trong bóng tối của sự nghiệp.
HLV Mai Đức Chung sau hai trận toàn thắng trong vai trò HLV tạm quyền ở đội tuyển quốc gia Việt Nam, đã trao lại cho người đồng nghiệp Hàn Quốc một "thanh gươm báu" thực sự, để rồi Anh Đức - thanh gươm ấy, đã "vung nhát chém" chí mạng trong trận chung kết AFF Cup đầu tiên của HLV Park Hang-seo, giúp đội tuyển Việt Nam đem về chức vô địch "quý hơn vàng" cho bóng đá nước nhà sau chẵn 10 năm mỏi mòn chờ đợi. Không có Anh Đức xuất thần ở tuổi 33, chưa chắc HLV Park Hang-seo đã giúp bóng đá Việt Nam có được vinh quang này.
Cố HLV Lê Thụy Hải - người bạn vong niên thân thiết của HLV Mai Đức Chung, từng nói về người bạn của mình rằng ông Chung dại, không chỉ bởi đang yên đang lành lại đứng ra nhận cái chức "hữu danh vô thực" là HLV tạm quyền đội tuyển quốc gia Việt Nam ngay sau cơn khủng hoảng do Hữu Thắng gây ra cho bóng đá Việt Nam sau thất bại thảm hại ở SEA Games 29: "Được thì cũng chả ai khen, mà thua thì người ta chửi, cũng chỉ làm cái bung xung cho Liên đoàn thôi", mà còn bởi ngay ở buổi họp báo đầu tiên trên cương vị này, ông đã bị "bắt nạt" bởi chính những thành viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Ngày ấy, ngay giữa cuộc họp báo mà HLV Mai Đức chung là nhân vật chính, hai ủy viên BCH VFF Phạm Ngọc Viễn và Lê Văn Thành biến buổi họp báo thành cuộc "đấu tố", chất vấn ông Chung về danh sách đội tuyển do ông lựa chọn.
Ở một nền bóng đá tử tế, người ta không làm thế.
Ngày ấy, ông Mai Đức Chung đáp lại nhẹ nhàng nhưng cương quyết, rằng: "Không nên vì một sai lầm mà tước đi cơ hội của một cầu thủ trẻ".
Ngày bàn giao đội tuyển cùng Anh Đức lại cho HLV Park Hang-seo, ông Mai Đức Chung từng gửi gắm những lời từ đáy lòng tới tiền đạo sau này sẽ khiến ông thầy người Hàn Quốc phải tự hào: "Đây là đội tuyển của đất nước Việt Nam. Nếu còn khả năng và nhiệt huyết, hãy cống hiến cho nước nhà".
mdc_q1s-1859.jpg |
Với ông, hai chữ "Tổ quốc" luôn là điều thiêng liêng nhất, và hai chữ "trách nhiệm" là thứ gắn bó với ông suốt cả sự nghiệp, suốt cả cuộc đời. Giải thích cho cái sự "dại dột" mà ông Lê Thụy Hải đã nhận xét yêu về mình, ông trả lời ngắn gọn, nhưng đanh thép: "Tôi là một người Đảng viên, trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, chẳng ai nhận thì tôi nhận thôi. Thắng tôi nhận, thua tôi chịu trách nhiệm, đánh đổi bằng danh tiếng tôi cũng chấp nhận. Cả đời tôi sống thế rồi, sá gì chỉ một trận đấu này".
Giữa cơn li loạn, giữa những nghi ngờ, ông Chung "ăn đòn" đã đành, đằng này đến khi trở về với vinh quang trên vai cho bóng đá Việt Nam, ông cũng không thể tránh khỏi những thị phi "từ trên trời rơi xuống". Những thị phi ấy, không chỉ ông mà hầu hết mọi người đều không ngờ tới.
Sau chiếc HCV cùng đội tuyển bóng đá nữ ở SEA Games 30 trở về, HLV Mai Đức Chung cùng các học trò của mình nhận được khá nhiều tiền thưởng từ những nhà tài trợ. Trong đó có khoản tiền 500 triệu từ một doanh nghiệp đã trao bảng tượng trưng, sau đó lần lữa không chịu chuyển tiền với lý do "không được phân bổ tiền cho các cầu thủ... theo cách của mình".
Nếu sự việc chỉ dừng ở đấy thì lại là một nhẽ. Đằng này ngay sau đấy là một chiến dịch rầm rộ bôi nhọ ông Chung cùng VFF trên mạng xã hội, sau lời từ chối thẳng thừng của ông: "Của cho không bằng cách cho. Chúng tôi cảm thấy bị tổn thương và bị xúc phạm nếu phải nhận cách cho như kiểu ban ơn. Tôi xin cảm ơn công ty đã có ý định thưởng, nhưng giờ chúng tôi xin không nhận khoản thưởng này nữa".
mdc_q3-1859.jpg |
May mắn cho HLV Mai Đức Chung một, nhưng là may mắn cho bóng đá nữ Việt Nam mười khi "scandal" ấy qua nhanh bởi niềm tin dành cho một con người đàng hoàng, tâm huyết và kiên định ấy là gần như tuyệt đối, khiến mọi luận điệu xuyên tạc về ông và đội tuyển bóng đá nữa Việt Nam trôi qua nhanh, với sự bất lực của "đối phương".
Ở một nền bóng đá tử tế, ông cùng những học trò của mình không đáng phải nhận những "viên gạch" xấu xí như thế.
Hai mươi sáu năm gắn bó cùng bóng đá nữ Việt Nam, những thành tích lộng lẫy và huy hoàng mà HLV Mai Đức Chung đem về là cực kỳ đáng tôn trọng và tôn vinh, song chỉ là bề nổi của tảng băng bóng đá Việt Nam.
Đội tuyển nữ Việt Nam "đi World Cup" hay Huỳnh Như đi châu Âu đều mang đậm dấu ấn của mình cầm quân lão làng này, song điều giá trị hơn thế là những gì ông làm suốt 26 năm qua đã đem lại sức sống cho chính những cầu thủ nữ. Giờ đây, không ít cầu thủ nữ đã có thể sống tốt bằng sự cống hiến của mình trên sân cỏ, vinh quang không chỉ là những danh hiệu, những tấm huy chương, mà còn là hàng tỷ đồng kiếm được từ đôi chân và niềm đam mê của mình.
Đông Nam Á vốn là vùng trũng của bóng đá thế giới, và ở Việt Nam, bóng đá nữ vốn là "vùng trũng" của bóng đá nước nhà. Nói theo cách của HLV Mai Đức Chung: "Có bạn lương mỗi tháng được 2,1 triệu bạc thì bạn bảo lót tay với danh vọng cái nỗi gì!". Ông Chung từng tâm sự, tận năm 2021, có những cầu thủ nữ vẫn "phải sinh hoạt tập thể ở phòng dưới gầm cầu thang của sân vận động, nhiệt độ ban đêm lần đến gần 40 độ C, cuối tháng trừ hết mọi khoản xong, mỗi đứa chỉ còn 1,9 triệu đồng".
Chọn bóng đá nữ, HLV Mai Đức Chung chọn cho mình con đường hẹp. Con đường ấy khiến vợ chồng ông phải tích cóp 18 năm mới có tiền để sửa lại nhà, mà còn phải vay ngân hàng. Trong khi ấy lương của một HLV trung bình ở V.League - bóng đá nam, có thể đạt mức vài tỷ đồng mỗi năm. Nhưng ông từ chối để gắn bó với bóng đá nữ.
Giờ đây, khi bóng đá nữ Việt Nam đang ở trên đỉnh cao Đông Nam Á, ghi tên mình vào giải đấu lớn nhất của thế giới, những tên tuổi cầu thủ nữ được nhiều người hâm mộ bóng đá nước nhà nhớ mặt, thuộc tên, cũng là lúc ông Chung nói lời chia tay. Lời chia tay ấy đầy trọn vẹn.
Cảm ơn ông, người chiến binh già sừng sững giữa những phong ba của bóng đá Việt Nam. Giấc mơ World Cup cho bóng đá Việt Nam ngày nào của ông đã thành hiện thực. Giờ là lúc ông xứng đáng có được sự bình yên, sau 26 năm trời hi sinh gia đình, cuộc sống riêng cho vinh quang của bóng đá Việt Nam.
HLV Mai Đức Chung và cú điện thoại mang về “chân sút vàng” cho HLV Park Hang-seo
Trong quãng thời gian tạm quyền vào năm 2017, HLV Mai Đức Chung đã có một quyết định mang tới lợi ích lớn lao cho đội tuyển Việt Nam.