Masan lên kế hoạch thu đến 85.000 tỷ đồng trong năm 2020, cắt lỗ chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+

Năm 2020, Masan đặt kế hoạch doanh thu 75.000 đến 85.000 tỷ đồng, gần gấp đôi mức thực hiện năm 2019. HĐQT và Ban kiểm soát tiếp tục không nhận thù lao.
Masan Group đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 cao gần gấp đôi năm 2019, nhưng lợi nhuận lại giảm gần một nửa. Ảnh: Masan.
Masan Group đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 cao gần gấp đôi năm 2019, nhưng lợi nhuận lại giảm gần một nửa. Ảnh: Masan.

Tập đoàn Masan (Masan Group) đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 để trình cổ đông thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức ngày 30/6 tới.

Theo tài liệu công bố, Masan Group đặt kế hoạch doanh thu năm nay gần gấp 2 lần mức đạt được năm 2019, dao động từ 75.000 đến 85.000 tỷ đồng. Tuy doanh thu tăng gấp đôi nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh 2.560-4.560 tỷ đồng, tức giảm ít nhất 46%. Doanh nghiệp đặt mức lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông năm nay chỉ từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng.

Kế hoạch doanh thu tăng cao nhưng giảm mạnh lợi nhuận được cho là từ năm đầu thực hiện việc hợp nhất kết quả kinh doanh chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+, vốn có doanh thu cao nhưng vẫn đang lỗ.

Báo cáo HĐQT đưa ra định hướng chiến lược trong năm nay đối với VCM – công ty sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+ là biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) từ âm 3% đến 0%, và đạt hòa vốn vào nửa cuối của năm 2020.

Cũng trong năm 2020, trọng tâm Masan đặt ra với chuỗi bán lẻ này là tiếp tục củng cố vị thế tại Hà Nội để củng cố thị phần, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội để thúc đẩy lợi nhuận; đóng các cửa hàng không có khả năng hòa vốn.

Masan đặt tham vọng chuỗi Vinmart, Vinmart+ sẽ đạt hòa vốn từ giữa cuối năm 2020. Ảnh: VCM. 
Masan đặt tham vọng chuỗi Vinmart, Vinmart+ sẽ đạt hòa vốn từ giữa cuối năm 2020. Ảnh: VCM. 

Tại TP HCM và các đô thị loại 2 sẽ chú trọng phát triển mô hình thành công bằng cách địa phương hóa danh mục sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng để định vị thương hiệu. 

Quý I/2020 là quý đầu tiên Masan chịu lỗ kể từ giữa năm 2014, dù đạt doanh thu thuần gấp đôi so với quý cùng kỳ 2019, lên đến 17.632 tỷ đồng. Nhưng do hợp nhất kết quả kinh doanh của 2 chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ nên lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lỗ 78 tỷ đồng, trong khi quý I/2019, tập đoàn có lãi đến 865 tỷ đồng.

Năm 2019, Masan có lãi sau thuế gần 5.558 tỷ đồng. Tại đại hội ngày 30/6 tới, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 10%. Đây là lần thứ 2 từ khi niêm yết, tập đoàn này chia cổ tức bằng tiền mặt.

Từ năm 2020 trở đi, HĐQT đề nghị đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT xem xét và lập phương án phân chia cổ tức hàng năm, bao gồm tạm ứng cổ tức.

Cuối tuần trước, HĐQT Masan Group bổ nhiệm ông Danny Le giữ chức Tổng giám đốc Masan Group thay ông Nguyễn Đăng Quang. Ông Quang là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Masan Group nhiều năm qua.

Masan Goup cũng trình kế hoạch tăng vốn từ chào bán riêng lẻ và phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Cụ thể, Tập đoàn có kế hoạch chào bán tối đa 9,99% tổng số cổ phiếu đang lưu hành - tính theo vốn điều lệ hiện tại là gần 117 triệu cổ phần mới, cho không quá 5 nhà đầu tư, là các tổ chức và không phải là công ty con; không phải là công ty có chung công ty mẹ với Công ty. Đợt chào bán riêng lẻ này cũng sẽ không phát hành cho chỉ 1 nhà đầu tư.

Thời điểm phát hành trong năm 2020 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Với ESOP, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án thực hiện trong năm 2020 hoặc trước tháng 5/2021. Số lượng dự kiến tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương hơn 5,8 triệu cổ phiếu. Mức giá dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Q. Huy

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương