Đêm thời chiến, đêm thời bình, đêm thành thị, đêm vùng quê, đêm núi hay đêm biển, cái không khí, hơi thở của đêm cũng là hơi thở, mạch sống của chính cái nơi màn đêm buông xuống.
“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu. Em về học lấy chữ nhu...”, ánh đèn là nhịp sống, là những phận người trong dòng chảy đó, là thứ ánh sáng phản chiếu, và nó luôn đọng lại, rất sâu, rất lâu trong lòng người.
Những ngọn đèn trong đêm thời chiến.
Đêm đen, những khoảng lặng giữa nhiều lần bom rơi đạn nổ. Đêm thật nặng, đêm của sự chờ đợi, hồi hộp, bất yên...
“Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch”
Tôi nhớ, rất nhớ hai câu ấy trong bài “Lửa đèn” của Phạm Tiến Duật, nhớ cả bài thơ (những câu dẫn dưới đây đều từ bài thơ đó) và không khí của nó, thời ấy.
Tranh minh họa: Trịnh Tú. |
Điều gì sắp xảy ra?
Còi báo động rú lên, đèn phụt tắt. Những ánh đèn mờ soi nhẹ cho một lối đi xuống hầm trú ẩn.
Chỉ có ánh sáng loé lên từ trên trời.
Và tiếng nổ.
Trận oanh tạc qua đi, đèn bật sáng.
Một khoảng thời gian ngắn ngủi lặng tiếng bom:
“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…”
Không phải đêm, nhưng thực ra đêm cũng thế. Ngôi làng thời chiến nhìn từ xa tất cả chìm đi, chỉ thấp thoáng một vài đốm sáng nhỏ ken lẫn trong ánh mờ của rặng cây chỉ thấy lúc đến gần. Những ngọn đèn dầu leo lét trong ngôi nhà nhỏ hay trên đường thôn. Hay ánh sáng phát ra từ những con đom đóm trên đồng, hay trong một cái chai lò dò, chập chờn trong ngõ xóm.
Những ngọn đèn làm bạn nỗi cô đơn. Những ngọn đèn đốt cháy niềm khao khát. Và những ngọn đèn tự chế giúp cho người ta vượt lên tất cả:
“Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm
Chiếc đèn chui vào lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vời vợi
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc
những lá thư thăm…”
Những ngọn đèn thời chiến là như thế. Những ngọn đèn dầu, đèn bão, hay có khi phát ra từ một cái “đi na mô” xe đạp do một người gồng lên đạp, chiếu vào bàn mổ trong hang núi dùng làm bệnh viện dã chiến.
***
Đêm thời bình.
Có anh bạn tặng cây đèn đêm dùng đặt ở đầu giường làm từ vỏ đạn pháo, một kỷ niệm thời chiến tranh. Cây đèn thật lạ, cái bóng đèn như một quả nhót chín mọng, có cảm giác như “khi ngọn đèn chui vào vỏ đạn, sẽ làm chín mọi thứ trái không mùa”.
Không ai thích chiến tranh, nhưng không ai quên được những năm tháng chiến tranh, bóng đêm trong chiến tranh, giữ một dấu tích của chiến tranh để thấy sự ấm yên trong hoà bình.
Những ngọn đèn vàng lờ mờ góc phố, “những ngã tư và những cột đèn” (tên một tiểu thuyết của nhà văn Trần Dần) trong thành phố thời gian khổ, điện yếu, chỉ một thứ ánh sáng đỏ quạch dễ là nơi đôi lứa hẹn nhau. Hay những con đường vắng, một thân hình cô đơn đợi khách. Đêm mùa đông, màn mưa và ánh đèn quyện nhau đến nghẹt thở. Những tháng ngày cũng nghẹt thở vì sự ẩm ướt, rét lạnh và đói.
Những năm tháng ấy, người ta quen với ánh đèn mờ, với những bức tường vôi cũ, những đêm hè oi bức mất điện, cũng như quen với “dầu phiếu, gạo sổ”, không ai thấy não nề. Bình thản “thở phào” sau cuộc chiến tranh.
***
Vào thời kỳ phát triển, những ánh đèn đô thị chói loà. Trong từng ngôi nhà, nhiều khi thừa sáng. Người ta tung ra những kiểu đèn đủ loại, đèn chùm, đèn ngủ, đèn ăn và cả đèn thờ. Trên phố là những ánh đèn cao áp, đèn quảng cáo, đèn trang trí lễ lạt, đèn chiếu sáng công trình. Đêm rực rỡ sắc mầu, nhưng trong những sắc sáng rực rỡ ấy nhiều khi lại ẩn chứa sự tăm tối. Sự u tối của thẩm mỹ, của phô diễn, háo danh. Không phải là sự lung linh, mà là thứ ánh hào quang giả tạo, chúng như những ánh đèn pha ngỗ nghịch ngược chiều, chiếu thẳng vào cái ánh sáng đẹp dịu, lành lặn, như tra tấn con người.
Nhiều khi trong đêm, dưới ánh đèn dầu vẫn thấy loé rạng ánh sáng của trí tuệ, của văn minh. Và ngược lại, trong ánh sáng chói loà của cái tưởng là văn minh nhưng thực ra vẫn là một miền u tối.
Chè "Đèn Dầu" 5.000 đồng vẫn sáng đèn suốt hơn 40 năm trên vỉa hè Sài Gòn
Chè "Đèn Dầu" không phải là món ăn đắt giá hay quá xa lạ, chỉ là nằm ở cách bán hàng quá đỗi thân thương của ông bà Tư.