Mặt trái của ngành công nghiệp mang thai hộ ở Mexico

Mexico đã trở thành “điểm nóng” quốc tế của ngành công nghiệp mang thai hộ.

Phụ nữ nghèo là đối tượng

Leti Montalvo (29 tuổi) hiện sống trong một phòng nhỏ cùng chồng và 4 đứa con, đứa nhỏ nhất 16 tháng tuổi. Những người thân bên chồng và con cái họ ở 2 gian phòng liền kề. Cuộc sống của đại gia đình 13 người này luôn chật vật. Năm 2020, là khoảng thời gian đặc biệt tồi tệ. Đại dịch Covid-19 khiến chồng của Montalvo mất việc. Tuyệt vọng, đầu năm 2021, Montalvo quyết định lên mạng xã hội đề nghị được mang thai hộ cho người lạ mặt: "Xin chào! Tôi sẵn sàng cho thuê tử cung của mình và giúp các bậc cha mẹ tương lai hạnh phúc".

  Cô Leti Montalvo muốn mang thai hộ để kiếm tiền lo cho các con

Cô Leti Montalvo muốn mang thai hộ để kiếm tiền lo cho các con

Bài đăng của người mẹ trẻ nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi. 8 văn phòng dịch vụ mang thai hộ và 10 cặp đôi ngay lập tức gửi thông tin liên lạc. Nóng lòng muốn đỡ đần gia đình, Montalvo chọn một văn phòng tư vấn cam kết giúp cô sớm nhất có thể. Họ hứa sẽ trả Montalvo 12.500 USD, gấp 3 lần số tiền chồng cô từng kiếm được mỗi năm.

Còn Montalvo đến một văn phòng ở Mexico City và ký hợp đồng với một người đàn ông độc thân đến từ Tây Ban Nha. Họ đã không nói chuyện kể từ đó vì văn phòng hạn chế giao tiếp trực tiếp. Theo Montalvo, hợp đồng cho biết cô sẽ được trả 250 USD sau khi phôi được cấy vào tử cung của cô. Trứng được hiến tặng nên phôi không có liên kết di truyền với người đẻ thuê. Nếu mang thai, Montalvo sẽ nhận được 500 USD/tháng cho đến khi sinh con, cô sẽ nhận được số tiền còn lại. Cô cũng được thông báo rằng mình sẽ nhận được bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, Montalvo không được cầm bản sao hợp đồng hoặc chính sách bảo hiểm y tế nào. Sau khi ký hợp đồng, cô được biết mình bị u nang buồng trứng cần phải cắt bỏ. Thủ tục do cơ quan chi trả đã làm chậm quá trình khoảng một tháng. Nó đã bị trì hoãn thêm 6 tháng vì Montalvo không có đủ giấy tờ của cô ấy.

Mỗi chuyến đi đến phòng khám thai mất khoảng 2 tiếng đồng hồ bằng phương tiện công cộng, khoản chi phí mà Montalvo phải tự trang trải. Vào tháng 6, cô đã có lần chuyển phôi đầu tiên. Trong 2 tuần trước và sau đó, cô được cho uống 8 loại thuốc hàng ngày, bao gồm thuốc estrogen, axit folic, vitamin bổ sung và prednisone, một loại steroid chống viêm. Bụng của cô trương lên vì tất cả các loại thuốc. Dẫu nỗ lực nhưng cô vẫn chưa mang thai. Vào tháng 9, cô vào bệnh viện lần thứ hai nhưng cũng thất bại. Được trả 250 USD theo thỏa thuận sau mỗi lần chuyển phôi nhưng Montalvo cảm thấy chán nản và buồn bã. Tuy nhiên, cô không từ bỏ. Cuối tháng này, cô sẽ bắt đầu dùng lại thuốc để chuẩn bị cho lần chuyển phôi thứ ba. "Tôi muốn có một tương lai tốt đẹp hơn cho các con. Tôi không muốn các con bị mắc kẹt ở nơi tôi đang ở", cô nói.

  Leti Montalvo bên các con

Leti Montalvo bên các con

Montalvo là một trong số nhiều phụ nữ Mexico đăng ký trở thành người đẻ thuê cho những người nước ngoài đang khao khát có con. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến sự suy giảm của ngành công nghiệp mang thai hộ từng bùng nổ ở Ukraine, khiến ngày càng nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu tìm kiếm một giải pháp thay thế rẻ hơn. Bên cạnh mức chi phí rẻ hơn, năm 2021, Tòa án Tối cao Mexico đã bãi bỏ lệnh cấm người nước ngoài và cặp đôi đồng giới thuê dịch vụ mang thai hộ. Đây là hai yếu tố thúc đẩy loại hình dịch vụ gây tranh cãi này bùng phát. "Tôi nghĩ đó là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt là đối với các cặp đồng tính vì các vấn đề chi phí hợp lý và phù hợp với Mỹ", Sam Everedham, Giám đốc toàn cầu của Tổ chức Gia đình đang phát triển và một chuyên gia về mang thai hộ quốc tế, nhận định.

Đối với các bậc cha mẹ có nguyện vọng, việc mang thai hộ ở Mexico là một món hời: Khoảng 70.000 USD cho toàn bộ quy trình, so với hơn 130.000 USD ở Mỹ. Thế nhưng, ở Mexico, một phụ nữ chỉ có thể kiếm 10.000-15.000 USD khi mang thai hộ. Khoản tiền dẫu không nhiều nhưng cũng đủ giúp họ trang trải cuộc sống hoặc để theo đuổi việc học. Họ còn coi việc mang thai hộ là một khoản đầu tư cho tương lai của con cái.

Dịch vụ khó kiểm soát

Sự bùng nổ mang thai hộ ở Mexico đã phát triển nhanh hơn các quy định giám sát, khiến cả người mang thai hộ và người bỏ tiền đi thuê có nguy cơ bị bóc lột. Tại Mexico, phòng khám điều trị hiếm muộn, văn phòng tư vấn cũng như những nhà môi giới mang thai hộ được giám sát khá lỏng lẻo. Hiện chỉ có 2/32 bang của Mexico là Tabasco và Sinaloa đưa ra quy định cụ thể nhằm quản lý ngành dịch vụ này. Trong khi nhiều cuộc mang thai hộ kết thúc có hậu, vẫn có trường hợp không may: Những người mang thai hộ nhận được số tiền ít hơn nhiều so với những gì đã hứa; người bỏ tiền đi thuê bị lừa hàng chục nghìn USD; người nước ngoài mắc kẹt ở Mexico vì họ không thể lấy hộ chiếu cho con mình...

Năm 2020, một trường hợp mang thai hộ gây xôn xao dư luận Mexico khi cặp song sinh vừa ra đời đã bị suy giảm thể chất nghiêm trọng và bị bỏ rơi ở bệnh viện. Người mẹ đẻ gặp vấn đề sức khỏe từ tháng thứ 6 thai kỳ nhưng cô cho biết không được văn phòng môi giới hỗ trợ khám chữa bệnh. Mặt khác, đối tác thỏa thuận mang thai hộ với cô đột ngột biến mất ngay sau khi 2 đứa trẻ được sinh ra. "Những gì tôi đã trải qua thật sự kinh khủng. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng mọi chuyện lại thành ra như thế này", người mẹ chua xót nói.

Thị trường dịch vụ mang thai hộ tại Mexico hiện trong tình trạng không rõ ràng. Chưa có thống kê chính xác nào về số lượng các hợp đồng giao dịch mang thai hộ thường niên hay những vụ tranh chấp liên quan.

Một số nhóm nữ quyền ở Mexico đang thúc đẩy việc cấm hoàn toàn việc mang thai hộ. Teresa Ulloa, Giám đốc khu vực của Liên minh chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái ở Mỹ Latinh và Caribe, đã so sánh việc mang thai hộ với buôn bán nội tạng. "Kể cả khi chính quyền địa phương siết chặt công tác quản lý, không có gì bảo đảm rằng quyền lợi chính đáng của người phụ nữ sẽ không bị xâm phạm", bà nhấn mạnh.

Ngược lại, GIRE, tổ chức đấu tranh vì quyền sinh sản bình đẳng ở Mexico, lo ngại việc "thẳng tay" bài trừ chỉ khiến dịch vụ mang thai hộ biến tướng theo cách khó kiểm soát hơn. Mới đây, Surrogacy Beyond Borders, một công ty cung cấp dịch vụ mang thai hộ (có trụ sở tại San Diego, Mỹ), đã vướng vào một vụ kiện của các khách hàng cáo buộc công ty chiếm đoạt tiền của họ và không cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Một phiên tòa sẽ bắt đầu vào ngày 17/2/2023. Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã mở một cuộc điều tra về công ty này.

Nhu Thụy/Nguồn: Vice

Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp

Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày 23/11, sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố cho thấy tín hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất.