Nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đang mắc trong một “mớ bòng bong” sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Họ được mời chào với mức lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, một số loại trái phiếu còn do công ty mẹ mua của công ty con và bán thứ cấp trên thị trường với lời quảng cáo là được công ty mẹ bảo lãnh thanh toán…
Cơ cấu trái phiếu chiếm khoảng 46% tổng nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản, nên chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp phát hành không chỉ là vấn đề của thị trường trái phiếu mà còn ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng.
FiinGroup đánh giá, 77,2% chủ đầu tư bất động sản tại Việt Nam vi phạm một trong ba tiêu chí “3 lằn ranh đỏ” của Trung Quốc. Thực tế này cho thấy, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ lo cho nhà đầu tư trái phiếu là rất đúng, nhưng làm cách nào để sự can thiệp của nhà nước sẽ giảm thiểu rủi ro, mà vẫn tạo động lực cho thị trường trái phiếu lớn mạnh? Đó là câu hỏi không dễ để trả lời.
Nếu doanh nghiệp phát hành - chủ thể đi vay tiền trên thị trường trái phiếu có sức khỏe tài chính tốt, có sự minh bạch và cam kết thực hiện nghĩa vụ chi trả với nhà đầu tư thì mọi việc không có gì đáng nói. Thị trường sẽ trở nên hoàn hảo và có ích cho tất cả các chủ thể tham gia. Nhưng cái khó cho thị trường Việt Nam là, hầu hết các đợt phát hành trái phiếu vừa qua đều có kỳ hạn 2-5 năm, nên người đi vay chưa đến kỳ trả nợ. Năng lực chi trả gốc và lãi trái phiếu của các doanh nghiệp vẫn là bức tranh mờ ảo trên thương trường.
Do hầu hết các khoản vay bằng trái phiếu tại Việt Nam chưa đến kỳ hạn tất toán, nên không lạ khi năm qua, vụ vỡ lở trái phiếu được báo chí, nhà đầu tư quan tâm nhất lại đến từ… Trung Quốc, chứ không phải tại Việt Nam.
Hãng phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc - Evergrande – rơi vào tình trạng khánh kiệt tài chính vì sử dụng đòn bẩy quá đà, rung lên hồi chuông báo động khả năng “mất tất” của các trái chủ. Sự kiện không diễn ra ở Việt Nam, nhưng dựa trên các dữ liệu thực tế, FiinGroup đã đưa ra một so sánh đáng báo động: 40% doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam đang có điểm xếp hạng sơ bộ ở mức chất lượng tín dụng thấp. Chất lượng tín dụng của một số nhà phát hành trái phiếu rất yếu, trong khi chính các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán là các đơn vị mua chính trái phiếu này. Chưa kể, các nhà phát hành chưa niêm yết có năng lực tài chính yếu hơn nhiều so với các doanh nghiệp niêm yết và kể cả yếu hơn Evergrande.
Rủi ro thứ nhất, pháp luật Việt Nam quy định ngoại trừ ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho hoạt động bảo lãnh thanh toán, không một đơn vị nào được cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán tại Việt Nam kể cả các công ty chứng khoán, nên việc một công ty đưa ra cam kết bảo lãnh thanh toán cho một bên khác tiềm ẩn rủi ro bị pháp luật tuyên vô hiệu hợp đồng khi xảy ra tranh chấp, mất khả năng thanh toán, người mua trái phiếu cuối cùng là người chịu hoàn toàn rủi ro.
Ở đây, cũng cần nói thêm rằng, năm qua, có những công ty chứng khoán ký cam kết bảo lãnh phát hành, thực chất là để đảm bảo cho doanh nghiệp gọi vốn đúng bằng con số kế hoạch, nhưng nhà đầu tư không hiểu nội hàm của nghiệp vụ này, nên cứ ung dung tin rằng, họ được bảo hiểm 2 lần: nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì công ty chứng khoán sẽ trả nợ thay!
Rủi ro thứ hai, nhà đầu tư cá nhân không đủ hiểu biết, kiến thức về việc phân tích trái phiếu từ việc đọc các điều khoản, điều kiện phát hành trái phiếu, điều kiện xử lý, thay đổi tài sản đảm bảo, các điều khoản về sự kiện vi phạm. Điều tưởng chừng đơn giản nhất là tính giá trái phiếu, nhưng chắc chắn nhiều nhà đầu tư cá nhân không thể tính được. Điều này dẫn tới lầm tưởng là mua trái phiếu doanh nghiệp dù theo mức lãi suất được chào bán sẽ không bị lỗ, trong khi thực tế nhà đầu tư vẫn có thể bị lỗ khi cầm tới ngày đáo hạn hoặc khi cần bán giữa chừng. Trái phiếu kỳ hạn càng dài, rủi ro lỗ càng cao khi mức lãi suất thị trường biến động tăng.
Một trong những giải pháp được đưa ra tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153 là quy định về việc tạo lập thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu. Một doanh nghiệp có uy tín cao hơn, tài sản đảm bảo tốt hơn, kết quả kinh doanh tốt, quản lý tài chính hiệu quả thì tại sao họ lại không có quyền đi huy động vốn để mua lại các công ty yếu kém, các dự án đang nằm bất động để tái cơ cấu lại cho nền kinh tế hiệu quả hơn?
Tổng Hợp