Những ngày qua, 214 hộ dân sống tại khu chung cư cao tầng Phú Thạnh, số 53 Nguyễn Sơn (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) như ngồi trên đống lửa, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn khi nhận được thông báo của Ngân hàng Việt Á (VAB) - Chi nhánh TP.HCM với nội dung yêu cầu các chủ sở hữu căn hộ trong chung cư phải bàn giao căn hộ cho ngân hàng.
Theo Ngân hàng, căn cứ theo hợp đồng tín dụng (HĐTD) số 55 ngày 2/8/2010 và hợp đồng thế chấp (HĐTC) số 104 ngày 4/8/2010, số 03 ngày 24/1/2010, Công ty cổ phần (CTCP) xây dựng công trình 585 đã sử dụng tài sản thế chấp là 214 căn hộ thuộc dự án khu chung cư cao tầng Phú Thạnh để đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ nợ của CTCP xây dựng công trình 585 tại VAB để đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ nợ của công ty 585 tại Ngân hàng, bao gồm nhưng không giới hạn là vốn nợ gốc, nợ lãi, chi phí xử lý tài sản và các khoản chi phí khác.
Bỗng dưng nhận được thông báo của VAB muốn xiết căn hộ mà hàng trăm người dân đã mua, đã trả 95% số tiền và ở hơn 10 năm qua, tất cả người dân đều hoang mang và bức xúc.
Theo báo Thanh Niên, chị Vũ Thị Hồng Nam - chủ căn hộ ở chung cư này cho biết, vào năm 2013, chị ký hợp đồng mua bán căn hộ diện tích 110m2 với giá hơn 1,6 tỉ đồng với công ty 585 do Tổng Giám đốc Thân Đình Cường làm đại diện, và đã đóng 95% giá trị căn hộ.
Chủ đầu tư cam kết 2 năm sau sẽ ra sổ hồng nhưng đến nay sổ hồng chưa thấy đâu còn ngân hàng thì thông báo xiết nhà. Cách đây 2 ngày chính quyền địa phương xuống làm việc với chủ đầu tư nhưng cư dân không biết kết quả thế nào.
"Tôi hiện nay cũng như hơn 800 chủ căn hộ dân khác mất ăn mất ngủ vì để có tiền mua nhà là cả một đời chắt chiu, nay đùng một cái ngân hàng thông báo xiết nhà. Nếu ngân hàng xiết nhà thật thì chúng tôi không biết đi đâu, sống sao nổi. Chúng tôi nhờ cơ quan chức năng đặc biệt là công an vào cuộc xử lý chủ đầu tư vì nhà đã cầm cố ngân hàng từ năm 2010 nhưng sau đó vẫn ký bán cho người dân", chị Nam bức xúc nói.
Còn ông Nguyễn Hoàng Nhân - chủ căn hộ C403 cho rằng việc ngân hàng ký HĐTD hay HĐTC với công ty 585, thì ngân hàng phải đòi công ty 585 hoặc ông Thân Đình Cường. Bởi các gia đình đang sống trong 214 căn hộ chung cư hoàn toàn không ký kết gì với VAB. Việc VAB ban hành Thông báo số 285 để yêu cầu người dân phải bàn giao căn hộ cho VAB là điều phi lý.
Ông Nguyễn Huỳnh Anh Kiệt, chủ căn hộ C1711, cho biết: "Năm 2013, gia đình tôi mua căn hộ này, diện tích 110 m2 với giá 1.650.000.000 đồng, và gia đình tôi đã thanh toán 95% trị giá căn hộ. Sau khi thanh toán, gia đình tôi được công ty 585 hứa trong 2 năm sẽ làm các thủ tục để được Nhà nước cấp sổ hồng.
Nhưng đến nay chúng tôi không nhận được bất cứ giấy tờ nào. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao công ty 585 đã bán cho nhiều hộ dân, nhận 95% số tiền, nhưng lại đem căn hộ đã bán để thế chấp ngân hàng, hành vi này là vi phạm pháp luật. Chúng tôi thiết tha mong các cơ quan ban ngành làm việc rõ để người dân chúng tôi bớt hoang mang và có cuộc sống ổn định trở lại".
Việc "bỗng dưng mất nhà" không phải là nguy cơ hiếm gặp đối với các chủ nhà lỡ mua căn hộ bị chủ đầu tư mang đi cầm cố.
Báo cáo kết quả giám sát công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà của HĐND TP.HCM vừa qua cho thấy hiện trên địa bàn TP có 60 dự án nhà ở mà chủ đầu tư thế chấp ngân hàng và chưa xóa thế chấp nên chưa được cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, trong đó nhiều dự án đăng ký thế chấp với thời gian dài.
Trong 60 dự án thì có 41 dự án thế chấp từ năm 2016 - 2023. Những dự án đã đưa vào sử dụng và bàn giao cho người mua nhà như: chung cư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) thế chấp ngân hàng năm 2008; chung cư Minh Thành (Q.7) thế chấp năm 2010; chung cư Phú Thạnh (Q.Tân Phú) thế chấp năm 2010; chung cư Tân Hồng Ngọc (Q.Tân Phú) thế chấp năm 2010; chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú) thế chấp năm 2011; chung cư Avila (Q.8) thế chấp năm 2016; dự án Dreamhome Luxury (Q.Gò Vấp) thế chấp ngân hàng từ năm 2015; khu dân cư Phú Hữu (TP.Thủ Đức) thế chấp từ năm 2005…
Điều này có nghĩa là không chỉ khách hàng mua chung cư Phú Thạnh có nguy cơ mất nhà do chủ đầu tư nợ xấu, mà hàng ngàn cư dân ở các dự án khác tại TP.HCM cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Điều người dân cần làm bây giờ là khẩn trương gửi đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an hoặc Công an TP.HCM để được giải quyết theo pháp luật hình sự.