Mỹ kết thúc việc tìm kiếm các mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc

Các mảnh cuối cùng của khinh khí cầu Trung Quốc đã được trục vớt vào hôm thứ Năm (16/2) ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, Bộ Tư lệnh miền Bắc Hoa Kỳ thông báo hôm thứ Sáu (17/2).

Theo một tuyên bố từ cơ quan này, mảnh vỡ cuối cùng được vớt lên từ vùng biển Đại Tây Dương sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico, Va., để phân tích.

Các tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển và Hải quân Mỹ đã rời khỏi khu vực tìm kiếm, trong khi các vành đai an toàn hàng không và hàng hải chính thức được dỡ bỏ.

Việc kết thúc hoạt động thu hồi được đưa ra khoảng hai tuần sau khi một máy bay chiến đấu bắn hạ khinh khí cầu mà Mỹ cho là do thám của Trung Quốc sau khi nó bay qua phần lớn nước Mỹ từ Quần đảo Aleutian ở Alaska đến Đại Tây Dương.

Mỹ kết thúc việc tìm kiếm các mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc   - Ảnh 1.

Mỹ kết thúc việc tìm kiếm các mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc.

Vụ khinh khí cầu được cho là gián điệp đã thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ trong nhiều ngày trước khi nó bị bắn rơi từ độ cao khoảng 60.000 feet trên bầu trời.

Khinh khí cầu này được trang bị ăng-ten và tấm pin mặt trời. Hoa Kỳ cho biết khinh khí cầu có khả năng thu thập thông tin tình báo.

Một phần đáng kể tải trọng của khinh khí cầu đã được khôi phục trong quá trình tìm kiếm, điều này có thể cung cấp thông tin chi tiết hơn về khả năng và hoạt động của các thiết bị.

Theo tình báo Mỹ, khinh khí cầu do thám là một phần trong chương trình giám sát quy mô lớn của Trung Quốc. Chương trình này đã gửi những quả khinh khí cầu tương tự đến hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục.

Sau khi khinh khí cầu do thám bị bắn rơi, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu theo dõi các vật thể bay chặt chẽ hơn bằng radar và điều này đã dẫn đến việc quân đội bắn hạ thêm ba vật thể nữa trên bầu trời vào cuối tuần trước.

Tổng thống Biden hôm thứ Năm cho biết theo các đánh giá tình báo hiện tại thì những vật thể này có khả năng được sử dụng vì lý do thương mại hoặc không gây nguy hiểm, nhưng chúng phải được loại bỏ vì chúng bay ở độ cao khoảng 40.000 feet và gây ra mối đe dọa đối với hàng không dân dụng.

(The Hill)

PV