Năng lượng Việt Nam đạt phát thải ròng bằng không: Bao giờ sẽ thành hiện thực?

LÊ QUANG VINH

Ngày 19.6, tại Hà Nội, “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không” được công bố, bởi các đối tác VN và Đan Mạch.

Trong Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2017 - 2020 (DEPP2) và giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP3), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương Việt Nam) đã phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch triển khai xây dựng và công bố các ấn phẩm của “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam” vào các năm 2017, 2019, 2021 và năm nay, 2024, là ấn phẩm “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không”.

Tới dự lễ công bố “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không” - 2024, do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Năng lượng Đan Mạch tổ chức, có đại diện các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam cùng đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại VN.

Tại lễ công bố “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không”, từ phải sang: Ông Kristoffer Bottzauw - Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, ông Nicolai Prytz - Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam. Ảnh: L.Q.V
Tại lễ công bố “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không”, từ phải sang: Ông Kristoffer Bottzauw - Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, ông Nicolai Prytz - Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam. Ảnh: L.Q.V

Theo ông Đoàn Ngọc Dương - Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương Việt Nam): “Với dân số gần 100 triệu người, nằm trong khu vực Đông Nam Á đang phát triển năng động, Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây. Trong giai đoạn 2020 - 2023, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển khả quan so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11.2021, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu…

Ông Đoàn Ngọc Dương - Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương Việt Nam) giới thiệu về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Ảnh: L.Q.V
Ông Đoàn Ngọc Dương - Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương Việt Nam) giới thiệu về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Ảnh: L.Q.V

Ngày 1.10.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ngày 22.7.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng vận tải với mục tiêu tổng thể là phát triển hệ thống giao thông xanh hoàn toàn bằng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050 theo hướng phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Ngày 15.5.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), trong đó đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới; đồng thời, hình thành hệ sinh thải công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Ngày 26.7.2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 1.4.2024, trong đó xây dựng một lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện VIII.

Lễ công bố “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không” thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế. Ảnh: L.Q.V
Lễ công bố “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không” thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế. Ảnh: L.Q.V

Từ năm 2013, Chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững.

Năm 2017, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cục Năng lượng Đan Mạch và chỉ đạo của Bộ Công Thương, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã xây dựng và công bố “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2017”. Đây là “Báo cáo Triển vọng Năng lượng” đầu tiên được xây dựng và công bố tại Việt Nam, đem lại những thông tin và kinh nghiệm giá trị trong lĩnh vực phát triển năng lượng cho các nhà hoạch định chính sách…”.

Ông Rasmus Munch Seresen - cố vấn dài hạn Chương trình DEFF III - trình bày “Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Các kịch bản và kết quả”. Ảnh: L.Q.V
Ông Rasmus Munch Seresen - cố vấn dài hạn Chương trình DEFF III - trình bày “Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Các kịch bản và kết quả”. Ảnh: L.Q.V

So với các ấn phẩm trước đây, “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không” - 2024 đã xem xét và phân tích các kịch bản triển vọng năng lượng với các giả định đầu vào khác nhau, nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội trong các tình huống khác nhau cho Việt Nam trong tình hình mới, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) và các mục tiêu liên quan trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tuyển Tâm - Trưởng Phòng Kế hoạch - Quy hoạch (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) đã trình bày báo cáo “Tổng quan ngành năng lượng Việt Nam”, ông Kristoffer Bottzauw - Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch giới thiệu “Quy hoạch năng lượng và các quan điểm chính về quá trình chuyển dịch xanh tại Đan Mạch” và ông Rasmus Munch Seresen - cố vấn dài hạn Chương trình DEFF III - trình bày “Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Các kịch bản và kết quả”.

Ông Nguyễn Tuyển Tâm - Trưởng Phòng Kế hoạch - Quy hoạch (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) trình bày báo cáo “Tổng quan ngành năng lượng Việt Nam”. Ảnh: L.Q.V
Ông Nguyễn Tuyển Tâm - Trưởng Phòng Kế hoạch - Quy hoạch (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) trình bày báo cáo “Tổng quan ngành năng lượng Việt Nam”. Ảnh: L.Q.V

Hiện nay ở Việt Nam, dầu thô, than đá, khí, thủy điện và năng lượng tái tạo là những nguồn năng lượng được khai thác trong nước, trong đó than chiếm tỉ lệ cao nhất (39,2% - năm 2022). Cùng với đó là việc gần như toàn bộ lượng khí thải SO2, NOX và khoảng 85% bụi đến từ ngành năng lượng, chủ yếu từ quá trình đốt than và dầu, cũng như từ khí tự nhiên và sinh khối. Do vậy, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe là vấn đề nổi cộm ở Việt Nam hiện nay.

Với các kết quả qua các “Báo cáo Triển vọng Năng lượng” ở Việt Nam đã công bố trong nhiều năm qua, đại diện Bộ Công Thương hy vọng sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu từ các cơ quan và cá nhân để tiếp tục xây dựng các “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam” trong tương lai với nội dung ngày càng hoàn thiện, đóng góp hiệu quả hơn, gợi mở những con đường phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong dài hạn ngày càng ổn định, xanh, sạch và bền vững.