Nền kinh tế 2021 phụ thuộc vào chính sách nhà nước

Một số tiềm lực như đầu tư công có thể không được thúc đẩy mạnh mẽ như 2020. Do đó, một số dự báo trước đây của các tổ chức quốc tế như 7% hoặc hơn 7% là hơi lạc quan.

Tốc độ tăng trưởng theo kịch bản cơ sở khoảng 6,2%. Nỗ lực hơn thì con số này có thể tăng cao hơn. Tuy nhiên, rõ ràng các điều kiện hiện nay đang khó khăn, đòi hỏi hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ.

Việt Nam có dư địa tài khoá đáng kể để thực hiện các biện pháp ứng phó với cú sốc Covid-19. Chính sách tài khoản cẩn trọng theo đuổi nhiều năm qua đã tạo ra dư địa tài khoá với lượng ngân quỹ đáng kể được tích luỹ - khoảng 8 tỷ USD vào cuối năm 2019.

Các chính sách ứng phó trong năm 2020 được xem là phù hợp với diễn biến thực tế, phù hợp với năng lực tài khoá và khả năng duy trì ổn định vĩ mô.

Các biện pháp hỗ trợ như miễn, hoãn, giảm thuế, phí lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ gói an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư công được đánh giá là phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc giảm nguy cơ phá sản doanh nghiệp, tăng cầu tiêu dùng và đầu tư cho nền kinh tế.

Cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước có thể giải quyết khó khăn và phục hồi sức sản xuất. Hơn nữa, chúng ta có thể tận dụng cơ hội từ việc dịch chuyển của các nhà đầu tư nước ngoài để bù đắp suy giảm cho xuất khẩu.

Những động lực khác như đầu tư trong nước, đầu tư công vẫn cần đẩy mạnh. Nhưng rõ ràng hai yếu tố giảm chi phí của doanh nghiệp, giảm chi phí tài chính, thuế phí cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài là rất quan trọng.

“Năm 2021 là năm khởi đầu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2020, và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Vì vậy, 2021 là năm có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế cho các năm tiếp theo.

Do đó, việc đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2020 có vai trò quan trọng, để rút ra những bài học kinh nghiệm cho năm 2021 và cho cả giai đoạn tiếp theo, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, chất lượng và bền vững”, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Quá trình phục hồi nền kinh tế tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn. Rủi ro từ kinh tế toàn cầu vẫn rất lớn bởi diễn biến của Covid-19 còn phức tạp và khó lường. Tác động của các chính sách kích thích, hỗ trợ kinh tế chưa thực sự hiệu quả.

Khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã, đang trong tình trạng kiệt quệ do khó khăn kéo dài. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể sẽ cần nhiều thời gian.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã nói đến rất nhiều trong những năm trước. Đó là sự dịch chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất. Nhưng bước tiến triển của chúng ta dường như vẫn còn khá chậm trong thời gian vừa rồi.

Covid-19 đã đẩy nhanh hơn quá trình đó, thúc đẩy chuyển dịch các phương thức mới, mô hình kinh tế mới. Covid-19 có thể nói như một tác nhân dồn tất cả đến chân tường. Ngay cả trong phương thức quản lý của Nhà nước, Chính phủ cũng phải cải thiện, nâng cao hiệu quả về quản lý nhà nước, dựa nhiều hơn vào số hóa nền kinh tế, dịch vụ công, trực tuyến, cải thiện môi trường kinh doanh…

Kinh tế Việt Nam năm 2020 biến động trong một bối cảnh đặc biệt. Dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu và tác động mạnh tới các nền kinh tế quốc gia. Tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới sụt giảm sâu nhất kể từ cuộc đại suy thoái 1929 - 1930.

Tuy nhiên, năm 2020, thành tựu rất lớn của Việt Nam là đã thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa kiềm chế được dịch bệnh vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhìn rộng ra các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể nói, đây là thành công vô cùng to lớn của Việt Nam.

Ngay cả các nền kinh tế, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng âm. Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế GDP năm 2020 đạt 2,91% và đây là con số thuộc nhóm tốt nhất toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam còn được đánh giá là có sức chống chịu tốt.

Kết quả kinh tế này giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng ta bị đình trệ không quá lớn, đồng thời hỗ trợ hoạt động kinh doanh quay lại trạng thái bình thường. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh giúp nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)