Trong vườn ngôi nhà cũ ở quê tôi Khương Hạ có một cây thị cổ thụ.
Cữ này năm xưa, tụi trẻ con chúng tôi hay đạp xe về hái thị, ổi. Mỗi lần về quê chơi, chúng tôi như cá gặp vùng nước rộng. Chúng tôi theo các anh chị ra vườn trước trèo ổi, ra vườn sau hái thị. Sau nhà có một cây thị cổ thụ thân trơn rất khó trèo, khi hái phải dùng cái lồng quả bác trai tôi đan bằng thân nứa rỗng, lừa những trái thị vàng vào trong rồi giật nhẹ. Mấy đứa con gái còn xin sợi, đan những cái giỏ thị thưa mắt ô trám với những đoạn lướt thướt tua dài.
“Đêm nằm gốc thị mơ màng
Thị thơm mặc thị, nhớ nàng quên ăn”
(Ca dao)
Cây thị rất gần gũi với người dân Việt Nam, được trồng rải rác trong các vườn gia đình hoặc ở đình, chùa, miếu để lấy bóng mát và quả. Lá thị còn được dùng để chữa đau bụng, đầy hơi hoặc đắp mụn nhọt. Vỏ rễ thị được dùng để làm thuốc chữa sốt nóng. Gỗ thị thường được dùng để khắc dấu, điêu khắc làm mỹ nghệ, làm khuôn bánh trung thu… do gỗ có vân mịn, mềm, dễ gia công chế biến, ít khuyết tật.
Quả thị đích thị là một thứ quả dành cho phụ nữ, những người thường có đệm thêm chữ “Thị” trong tên lót nước Việt. Về mặt nguồn gốc từ nguyên, theo học giả An Chi, “thị” là một từ Việt gốc Hán dùng để chỉ phụ nữ. Từ Nguyên từ điển có câu: “Phu nhân xưng thị” (đàn bà gọi là thị). Từ điển này cũng giải thích thêm từ “thị” còn là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng. Trong văn chương nước nhà, các nhân vật nữ điển hình chữ “thị” này cũng sống đủ cuộc đời sầu thảm trái oan mà cũng lắm lẳng lơ bất tử, như Thị Kính, Thị Mầu, Thị Nở…
Tranh minh họa: Tào Linh |
Quả thị thơm mùi thơm ngọt, như phết mứt lên vỏ, nhất là những quả chín cây đít vẹo thì đặc biệt thơm và ít hột. Cùng là những thức quả chín vào mùa thu, nhưng không giống như hồng, na, ổi, sấu, bưởi… mà người ta bày mâm cỗ trung thu xong rồi chén. Trái thị cổ tích bà đem bà ngửi chứ bà không ăn. À, thì ra ngoài thực phẩm của vị giác là cái sự ngon ngọt, chúng ta còn cần thỏa mãn đến thực phẩm của khứu giác, là thơm hương cây trái vườn quê.
Hồi còn bé tí tôi cũng không dám ăn thị, vì bà tôi bảo ăn thị bị hôi miệng, nhưng thực ra là tôi sợ nhai phải cô Tấm ở bên trong. Để nâng niu cái thơm, cái ngọt mà lại quá mong manh không biết tự bảo vệ, không gì hơn là tạo cho nó một huyền thoại đầy độc tố tâm lý để cảnh báo, ngăn chặn các vi phạm thô thiển. Than ôi! Người ta đã ước, đã tạo tác ra Phật bà nghìn mắt nghìn tay, cứu giúp an ủi chữa lành nỗi thống khổ kiếp người, sao không ai dám ước mong trong trái thị có một ngàn cô Tấm dịu dàng xinh đẹp, để chắp cánh thêm cho hạnh phúc sinh sôi nơi trần thế?
Đã ai thử nghĩ xem, nếu bà cụ nhân hậu không xé bỏ cái vỏ thị bao bọc hoặc giam cầm cô Tấm đó đi, thì Tấm sẽ ra sao? Tấm sẽ mãi mãi kẹt trong một câu chuyện cổ tích thơm tho chỉ để ngửi, mà cơm chẳng thể lành, canh chẳng thể ngọt cho đời, phải không ạ? Hành động cách mạng khai sáng, tiếc thay, lại đến bởi sự quyết liệt của một bà già trọng tuổi chứ không phải từ lớp trẻ thanh niên trai tráng đầy sung mãn, khát khao. Điều này quả thực đáng buồn.
Trong đời ai cũng đã từng mắc kẹt trong một cuộc tình đơn phương vô vọng? Ai đã từng mắc kẹt giữa những làn đạn quân thù hay miệng lưỡi thị phi xã hội? Thậm chí những ai đã từng bị mắc kẹt trong những tư tưởng hay giáo lý cũ mèm lạc hậu, chỉ thơm tho ảo tưởng mà không rũ bỏ nổi để bước ra thực đời văn minh ánh sáng? Sự thoát thai kỳ diệu nào cũng cần sự thôi thúc trăn trở nội tại, chứ chẳng phải chờ đợi nhân duyên đến từ bên ngoài. Chao ôi cái sự mắc kẹt, dù là mắc kẹt trong hương thơm huyền bí cũng cản trở sự tiến bộ lắm thay!
Bây giờ với tôi, tất nhiên trong trái thị không có cô Tấm nữa, mà chỉ có các hột thị. Cái hột dày cùi, trơn lớp bao vỏ dính tí tép trái thị chát ngọt, làm người ta lúng búng, không tiện nhổ ra giữa chốn đông người. Có mút cũng phải cẩn thận không hạt trơn nó chui tọt vào họng, rồi mọc cây trên đầu là rất nguy hiểm. Hột thị đôi khi nó mắc kẹt trong miệng. Thế nên dân gian có câu ví mồm miệng cứ như câm như ngậm hột thị, mồm lúng búng như ngậm hột thị. Đã đành ngậm miệng ăn tiền, đằng này ngậm phải hột thị, cay đắng bội phần!
Bất luận khai thác dưới khía cạnh nào, thơm tho hay chua chát, mùa thị chín vẫn cứ đến cùng mùa thu đất nước. Gánh hàng rong qua trên phố sớm với những vầng trăng vàng thị thơm xinh trong thúng nhỏ, nhắc ta một tuổi thơ lộng lẫy vô tư. Sau bao sóng gió cuộc đời, hóa ra cô Tấm ngày nào vẫn thơm ngọt ngào trong trái thị. Chỉ thơm thôi chứ đừng mắc kẹt, và như thế là đã đủ lắm rồi!
Nếu mà mệt quá…
Thiên nhiên lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn, khiến chúng tôi dường như quên mình là một phần của văn minh để hòa nhập trọn vẹn với biển và đất trời.