Không phải một lần, mỗi khi vào bếp trong một tâm trạng gì đó hơi hơi bất thường, kiểu như vào bếp không phải chỉ để nấu ăn, tôi lại nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh (Có lần tôi đã viết đâu đó về mấy câu thơ này rồi, tên của bài thơ chẳng liên quan gì đến bếp: "Nếu không triệu tập một phiên tòa")
"Thỉnh thoảng cần nghĩ về mỗi vấn đề như kỳ
cọ một cái xoong
đun khoai tây cháy khét lẹt
tỷ mẩn giải quyết
sự bôi trơn, chất tẩy của xà-phòng
sự ráp của ruột mướp
sức mạnh của tay
sự khéo léo khi dùng một cái thìa inox
hay một con dao để cọ vết cháy
mà không làm xước xoong"
Việc cọ rửa một vết cháy trở nên quan trọng, bởi nhờ nó chúng ta tìm được cách giải quyết một trạng thái tâm lý rất ngột ngạt, căng thẳng, một uất ức hay đớn đau nào đó. Nếu không triệu tập một phiên tòa, tức là không chánh án, không kẻ nào bị ra đứng trước vành móng ngựa, không có nhân chứng, không có luật sư và bồi thẩm đoàn... Tóm lại, chẳng ai cần nghe, cần biết nỗi bất công mình đang gánh chịu, không ai nói một điều gì mình cần được nghe. Mình đơn độc, gánh cái nỗi trên đời này hoàn toàn không có gì gọi là công lý, và để thoát cái trạng thái tồi tệ đó, thì vào bếp, cọ một cái nồi. Cái nồi đun khoai tây cháy, tâm trạng mà đã không tốt, đun gì cũng dễ cháy như nhau.
Ảnh minh họa: internet. |
Rồi cái đáy nồi bị cháy bỗng nhiên thành cứu cánh, là chỗ để mình tỉ mẩn thấm những dung dịch tẩy rửa vào trong cái xơ mướp, cọ thật mạnh. Cọ đi cọ lại, chưa được, phải dùng cái thìa nhỏ hay một con dao để cậy vết cháy. Cái nồi sạch trở thành mục đích lớn lao nhất trong lúc ấy, không phải nỗi ấm ức vì không kết án được ai đó nữa. Việc khám phá những tác dụng của chất tẩy rửa và cái sự thô ráp của một cái ruột mướp khô trở nên quan trọng, bởi nó là cả một quá trình làm mình bình tĩnh lại... Khi cái nồi đã cọ xong, có thể những giọt nước mắt cũng đã khô, và sự gào thét trong lòng cũng thôi cuồng loạn...
Có những cuộc đi trốn mình như thế, ở trong bếp, tôi chắc người phụ nữ nào cũng đã từng. Có khi chỉ là lánh mặt một ai đó, lánh một cảm xúc nào đó, chúng ta vào trong bếp. Bếp luôn có hành để thái, có đứt tay để chảy máu và khóc, có bỏng để hét lên, có những lúc cần cọ mãi một đáy xoong để quên đi một phiên tòa tưởng tượng. Bếp ở quê còn là nơi có thể cời cho gio than bay lên. Bếp là nơi được khóc công khai và thoải mái nhất. Trong khi chúng ta luẩn quẩn trong bếp, chúng ta để tâm trí đi xa hơn những nhọc nhằn tinh thần. Nếu không vào bếp, sẽ không phát hiện được những góc trú ẩn con con cho mỗi cơn buồn giận.
Nhưng đấy là một phía thôi, bếp cũng là nơi vui thì vào. Cả mùa Covid, rất nhiều phụ nữ bảo chẳng có niềm vui nào lớn hơn niềm vui vào bếp. Những gì xem trên Youtube có chỗ để thực hành (Nghe nói cũng có một vài gia đình tan vỡ vì việc này, nhưng cơ bản vẫn là sự đồng lòng khám phá những mới lạ trong khâu chuẩn bị bữa ăn). Làm một bữa ăn ngon cho gia đình, niềm vui được ngợi khen nấu ăn giỏi, tuy giờ cũng chỉ là điều bé mọn nhưng vẫn làm nhiều phụ nữ thích thú.
Những phụ nữ không thể rời bếp bao giờ cũng kiếm tìm được niềm vui mỗi khi trời đổi mùa. Heo may chẳng hạn, nghe lãng mạn đấy, nhưng là lúc để kho cá và nấu canh dưa. Hoặc hạ sang tưng bừng hoa phượng, là lúc nghĩ đến canh cua đồng và vại cà muối. Bếp là nơi yên ổn nhất trong nhà, cũng là nói vui nhất trong nhà. Gia đình nào may mắn có người nội trợ nghĩ như vậy, đảm bảo đó là gia đình hạnh phúc. Thỉnh thoảng có vài vụ cháy nồi, cháy xoong hay bánh cuốn nát bét vì thực hành theo Youtube, vẫn cứ hạnh phúc.
Đấy, kể cả vui hay buồn, bếp là quan trọng!
Bếp và bình đẳng giới
Tôi không công nhận những từ như Hy Sinh trong việc làm bếp. Vì hy sinh gì chứ, khi mình yêu thương và chăm sóc gia đình mình.