“Đám đông và sự ồn ào không phải luôn luôn là đại diện của sự sống”
- Trịnh Công Sơn -
Tôi có sở thích chụp ảnh những người thân của mình trong sinh hoạt thường ngày của họ, bởi tin rằng, rồi một ngày nào đó, những bức ảnh sẽ trở nên quý giá, giúp bộ não lưu giữ những ký ức chân thật về những người tôi yêu thương. Trong số những tấm ảnh tôi yêu quý nhất, có một tấm chụp bà ngoại, khi bà đang ngồi trước cửa căn nhà cổ được xây dựng từ những năm Pháp thuộc, trên một góc phố cũng cổ kính, già nua.
Bức ảnh có người, có cảnh, nhưng lại tĩnh tại vô cùng. Bà tôi ngồi trên bậc thềm tam cấp xanh rêu, đôi mắt mờ đục nửa đau đáu, nửa xa xăm, gương mặt không rõ biểu cảm. Tôi cứ ngắm bức ảnh ấy mãi, rồi tự hỏi, khi ấy bà đang nghĩ gì? Đang vui hay đang buồn?
Mãi sau này, khi ngoài 30 tuổi, có tài sản là hai đứa con cùng một tay nải sóng gió, tôi mới hiểu, có những lúc, người ta chỉ ngồi như vậy, phẳng lặng như một mặt hồ, phản chiếu dòng đời chảy trôi xuôi ngược. Một mình… mà vẫn đủ đầy, an nhiên.
Ảnh minh họa: internet. |
Người ta cứ nói rằng, cô đơn là căn bệnh nan y của tuổi trẻ. Người trẻ, đa phần, thường không giấu giếm nỗi cô đơn và nghĩ rằng, mình cô đơn vì chưa có ai đó lấp đầy vào khoảng trống lòng; để rồi họ mải miết đi tìm một mảnh ghép, loay hoay xoay vần để thấy mình vừa vặn. Có người tìm đúng, nhưng cũng có người dẫu xoay sở thế nào, cũng thấy mình chỗ thừa chỗ hụt… Hành trình kiếm tìm và thể nghiệm những mảnh ghép ấy chỉ dừng lại khi bỗng một ngày, ta nhận ra rằng, cô đơn không phải là một trạng thái, đó là một phần trong bản thể, và rằng bước đường trưởng thành là khi ta làm quen với sự cô đơn. Rồi sẽ đến một ngày, ta nhún vai thật nhẹ: cô đơn, hóa ra chẳng hề tệ như ta từng nghĩ!
Cũng giống như một câu nói nổi tiếng: “Có bao nhiêu khối óc thì có bấy nhiêu cách suy nghĩ, có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách yêu thương”; tôi tin rằng mỗi người phụ nữ đều có cách riêng để vượt qua những tao đoạn cùng cực đơn độc trong cuộc sống, để tìm thấy niềm vui khi chỉ có một mình. Song, tôi nhìn thấy ở tất cả trong số họ, một mẫu số chung duy nhất, đó là sự thấu hiểu về bản thân mình.
Thay vì tiếp tục tìm kiếm và thể nghiệm những mảnh ghép để lấp chỗ trống, có những người lựa chọn sự tĩnh tại trong tâm hồn để tự làm mình tròn đầy, viên mãn bởi chính nội tâm phong phú. Khi nhìn thật sâu vào lòng mình, hiểu rõ mình là ai, mình muốn gì… cảm xúc của chúng ta sẽ không còn quá phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa với thờ ơ, lãnh cảm, chỉ đơn giản là sự cân bằng khi đã thấu tỏ.
Khi ấy, bạn nhận ra rằng, một mình vẫn có thể vui; và rằng niềm vui, thật ra không là cái gì quá cầu kỳ, phù phiếm, mà rất giản dị thôi, như một ban mai dậy thật sớm, tung tấm rèm cửa để ánh nắng đầu ngày nhảy nhót trên sàn nhà, pha một tách trà thảo mộc ngát hương, nghe một bản nhạc thật tình… Niềm vui khi chỉ có một mình thật ra là đối đãi thật tốt với chính bản thân mình, là ăn món mình thích, nghe nhạc mình “chill”, gặp gỡ những người mình trân quý…; là chìm đắm trong bầu không khí mang đậm dấu ấn và sở thích cá nhân, khiến mình cảm thấy thoải mái; là được cởi bỏ những “mặt nạ”, “áo giáp” để trở lại với chính mình, một cách trong trẻo, thuần khiết nhất.
Ảnh minh họa: internet. |
Khi đủ bình tâm, đủ “lặng”, ta sẽ lắng nghe được tiếng nói từ sâu thẳm. Một tiếng lòng dẫn dắt ta hướng tới sự chân thành, giúp ta trút bỏ được gánh nặng của sự màu mè, lược bỏ hết những rườm rà, phức tạp để cảm nhận và nâng niu từng phút giây được sống, từng vẻ đẹp nhỏ nhoi, mộc mạc mà thường ngày ta chẳng bao giờ cảm nhận. Ví như khi thưởng thức một món ăn ngon, hãy chỉ tập trung vào bữa tiệc, sự hậu đãi của thị giác, vị giác, khứu giác… để mà trân quý những mặn ngọt, chua cay, béo bùi… đừng quá bận lòng đến những điều khác. Hay ví như một đêm mất ngủ thức đến sáng cũng có thể đem đến cho ta một khoảnh khắc hiếm có, khi được chứng kiến thời khắc chuyển giao lộng lẫy của đất – trời, đêm tối – bình minh… Khi ấy, ta sẽ thấy bất cứ một sự việc, hoàn cảnh nào cũng có hai mặt, và cảm nhận mặt tích cực bao giờ cũng đem đến nguồn năng lượng dồi dào, tươi vui hơn là chỉ chăm chú nhìn vào mặt tiêu cực.
Chúng ta, ai rồi cũng có lúc cảm thấy mình như người đi lạc, cảm thấy chỉ có một mình, dẫu rằng đang ở giữa đám đông. Chúng ta, ai rồi cũng có “đôi lần khép cửa” trước những nỗi buồn, và cả những niềm vui. Nhưng rồi sẽ đến một ngày, chính chúng ta lại cảm thấy biết ơn những cánh cửa hẹp ấy, để mình được một mình, được bình tâm, được soi thấu và trở thành một phiên bản tốt hơn, đủ tinh tế để trân quý mọi vẻ đẹp, đủ nồng ấm để yêu thương…
Nhấm nháp cô đơn
Lần đầu tiên anh thấm thía sự cô đơn của cuộc sống anh lựa chọn, lần đầu anh thấy mình đã dựa dẫm cảm xúc vào người khác đến thế nào.