Chốn bừa bộn của bạn tôi

Rồi chị sẽ lại cầm cọ và khi vẽ, lòng nhẹ bởi bao ý nghĩ nỗi niềm cuốn siết lấy mình bỗng dần rời buông, cho chị những thảnh thơi hiếm có.

Bạn tôi đích thị dân vẽ và là cô giáo dạy mỹ thuật. Qua rất nhiều năm ở một ngôi trường cao đẳng ở tỉnh, học trò của chị rất đông và khá thành công với nghề và nghiệp.

Tôi nói thế vì vẫn cho rằng khi ta đeo đuổi với công việc sáng tạo. Giả như viết giả như vẽ hoặc đàn địch âm nhạc gì đấy mà. Mặc nhiên nghiệp dính cứng vào đời mình. Rất khó để buông rũ hay là từ bỏ. Trường hợp của chị cũng không là một ngoại lệ. Bởi, sau khi về hưu và chính thức chia tay cùng trường lớp và các thế hệ học trò. Sơn màu, cọ và toan..., có vẻ, như vẫn đầy đặn một sức hấp dẫn và phủ dụ với riêng chị. Qua những réo gọi hoặc thôi thúc hoặc thư thả hoặc mạnh mẽ hoặc dịu dàng. Được chị lắng nghe trong rất nhiều trăn trở ngậm ngùi.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Đó, cũng là khoảng thời gian chị rời quê hương để sang Mỹ đoàn tụ cùng với con cháu. Đã rất lâu chị sống một mình và điều này phải đến như một tất yếu, dù chẳng chút dễ dàng để chị có thể đưa ra một quyết định cho sự ra đi hay ở lại. Khi chúng tôi quen nhau, chị vừa trải qua bốn năm tha hương...

Vừa về lại chốn này và đắn đo quá, lần khân quá với việc ở hẳn Việt Nam hay qua lại Mỹ. Chị nhớ rất nhiều thứ ở đây khi còn sống bên đó và ngược lại. Ấy, cũng lẽ thường của con người thôi mà. Ở bên đó chị có những đứa cháu xinh xắn và đứa út rất đáng yêu, hay gọi lộn bà ngoại là bà nội. Nhóc gần gũi với chị hơn mấy đứa lớn và ôm nó ngủ mới mềm mại và thơm tho sao!

Ở thành phố này chị hãy còn ngôi nhà của riêng mình. Thật ra, trước đó là xưởng vẽ. Và theo chị thì thích thú lắm, mỗi khi về lại đấy. Màu sắc làm ấm áp và bật dậy bao xúc cảm. Chị về và lao vào những bản thảo dang dở. Chị về và đứng tần ngần trước mỗi tác phẩm của mình trong đăm chiêu nghĩ ngợi để rồi đắm đuối với cọ với sơn, có khi quên ăn quên ngủ.

Chị kể về với xưởng vẽ của mình sướng lắm kìa! Vì mặc sức mà xả vứt mà... lộn xộn, mà ngổn ngang. Cứ tung hoành làm thứ mình ưng chẳng cần theo một ngay ngắn hay trật tự nào cả. Cũng có khi phải hứng chịu một sự thương tổn nào đó. Bị miệng tiếng người đời thị phi, bị săn đuổi. Thấy chống chếnh muốn té nhào trên đường đời, chị vội quay về và trốn lủi và núp ẩn vào cõi riêng của mình. Thế giới sắc màu mở rộng vòng tay tiếp nhận chị và vỗ về và xoa dịu...

Sau này chị sửa chữa tu bổ chút đỉnh xưởng vẽ của mình và về sống hẳn ở đó. Cũng chỉ thêm một căn phòng nhỏ ở phía sau với bếp nấu và khu công trình phụ đầy đủ tiện nghi thôi mà. Chúng tôi có đến đây thăm chị dăm lần. Thấy chị loay hoay với công việc của mình và nhận ra đam mê khiến chị bận rộn mà vui. Chị nói bốn năm ở Mỹ, vừa qua, chị không được vẽ vì thấy nhiều bất tiện. Thèm và nhớ, đôi khi có việc ra phố chị thích tìm tới những chỗ bán đồ nghề và đã mua được không ít màu cùng dụng cụ. Có nghe chị kể mới thấy nghề vẽ thật quá công phu và phức tạp. Chẳng như tôi, đeo theo nghiệp văn chương gọn nhẹ hết sức bởi chỉ cần có cái latop. Lập tức tôi hiểu ngay: Nếu không được vẽ chị sao có thể là chị và cuộc sống, mỗi ngày, trợt trơn qua chị mới đơn điệu sao và vô vị biết là chừng nào.

Tranh minh họa: Sơn Lâm.
Tranh minh họa: Sơn Lâm.

Cách đây mấy tháng, chị gửi về cho tôi mấy tấm ảnh khoe “thế giới” của mình ở Houston. Chị đã lại sang Mỹ với con. Thế giới, thật ra là cái gara của gia đình con gái và qua sự khéo léo sắp đặt của một họa sĩ. Nó đã trở thành một xưởng vẽ mini hết sức hay ho. Tôi tìm thấy ở đó rất nhiều thứ quen thuộc với mình, từ trước. Ngắm nghía thêm mới nhận ra phòng vẽ bên Mỹ là bản sao xưởng vẽ của chị ở tại đây. Ở quê nhà. Với một hai bức tranh đã hoàn thành hoặc đang dở dang, màu, cái laptop, cây đàn, những bản nhạc trên giá... Chị biết chơi ghita và hát khá hay. Giọng nhẹ ngọt, lắng sâu và truyền cảm. Tôi nhìn thêm những tấm ảnh và bỗng muốn gọi đó: “Chốn bừa bộn của bạn tôi”.

Vẽ, với chị ở khoảng thời gian này tôi hiểu không còn là những giờ giảng dạy theo giáo án khô khan. Không còn là chuyện mưu sinh nữa rồi. Vẽ trong một tâm thế hoàn toàn tự do theo kiểu: “Vẽ những gì mình thích, và thích những gì mình vẽ”. Chị đã có hẳn một nơi chốn của riêng mình. Để kiếp tha phương đỡ quạnh quẽ khi dồn tất cả thời gian cho vẽ và những đắm đuối. Để màu sắc nói hộ mình những nhớ nhung da diết quê nhà. Để trong những xúc cảm tuôn chảy dạt dào. Chị đã có thể chấm phá mạnh mẽ hay quẹt hắt liêu xiêu...

Chúng tôi bặt tin nhau suốt thời gian bão Harvey hoành hành trên thành phố Houston. Lo nhiều cho gia đình chị và trong tất cả, không thể không nghĩ đến cái xưỡng vẽ và thắc thỏm... Bởi đó, trong lần kết nối trở lại đầu tiên tôi vội hỏi ngay và thích thật, vì được nghe lại tiếng cười giòn tan của chị xen kẽ những lời kể. Qua đó, tôi biết gia đình chị ổn định. Xưởng vẽ được an toàn suốt thời gian bão lũ và mấy con đường quanh khu vực chị ở ngập nước.

Suốt thời gian này, hai mẹ con, mấy bà cháu tất bật với việc giúp đỡ cộng đồng và chị nghĩ, sau thảm họa mình sẽ vẽ được một cái gì đó: sự phẫn nộ của đất trời, những hung hiểm của thiên tai, lòng nhân ái và những san sớt yêu thương tuyệt vời... Rồi chị sẽ lại cầm cọ và khi vẽ được, hẳn lòng nhẹ bởi bao ý nghĩ nỗi niềm cứ cuốn siết vật vã lấy mình bỗng dần từ rời buông. Cho chị những thảnh thơi hiếm có.

Nhưng trên tất cả chị được là chính mình và cảm thấy hạnh phúc. Bởi hãy còn cái góc sống bé nhỏ này đây. Hãy còn một chốn bừa bộn của riêng mình.

Nguyễn Mỹ Nữ

Tình yêu độc hại

Tình yêu độc hại

Hạnh phúc luôn mang khuôn mặt giống nhau, nhưng bất hạnh lại rất khác. Ai cũng thấm đẫm bực tức mỗi ngày và mắc kẹt cho tới lúc thực sự bùng lên.