Tình yêu độc hại

Hạnh phúc luôn mang khuôn mặt giống nhau, nhưng bất hạnh lại rất khác. Ai cũng thấm đẫm bực tức mỗi ngày và mắc kẹt cho tới lúc thực sự bùng lên.

Sửa điện nước, ngoài thay dây hay bóng, 50 nghìn 1 tiếng. Khoan tường bê tông cứ 1 vít nở 5 nghìn. Sau đó dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ cười tươi đi ra về. Bước ra đường có sẵn xe ôm, taxi, hay bấm mấy bấm là xe các chủng loại không dính mác taxi đỗ xịch lái xe cười tươi như người thân đón người thân. 

Ngày ấy, nếu có những dịch vụ này, chị và anh chắc chẳng dắt nhau ra toà, ngồi ngắm tờ khai rất lâu không biết bắt đầu từ đâu ở mục: Lý do ly hôn. 

Những chuyện con con gây tức bực hàng ngày như mỗi lần mất điện đợi chồng vì cầu chì ở tít trên cao phải trèo lên tháo ra lắp lại quá nguy hiểm. Mãi rồi chồng cũng về, và khua chân tay bảo anh có phải thợ điện đâu, chạm vào nổ cả nhà, em với con nóng chứ anh cởi trần nằm đất quen rồi, chả cần điện. Khu tập thể có độc một vòi nước, phải xếp hàng ngóng từng giọt tong tỏng mãi mới đủ nấu nổi canh, chồng ngượng ngùng, em đợi đi, bao giở xô đầy gọi anh xách cho. Vợ sẽ đứng ngóng nước đầy như ngóng những giọt mật và không bao giờ đợi chồng xách nước lên, vì tiếc nếu đi nhanh quá lại sóng ra mất.

Ngày càng nhiều bữa cơm đấy chìm trong im lặng. Tích tụ, dồn nén mỗi ngày khiến mái tóc bồng bềnh làm vợ xiêu lòng sởn gai ốc khi lần đầu chồng ghé sát mặt, hỏi em thích bún ốc hay bánh đúc trưa nay giờ như đuôi gà sa hố phân. Mùi hương cơ thể ngày nào quyến luyến mỗi khi ôm nhau rất vội và hai đứa chạy hai hướng sợ ai trông thấy thì chết, giờ là hơi người đậm đặc, kết quả của việc phải ngửi sâu và kỹ hàng ngày, khi va nhau ở khuôn cửa hẹp, hay mùi gối chăn giường chiếu trôi qua mùa nồm khiến vợ thù luôn cả cái mùi vốn ngày xưa ác liệt gây nghiện như thuốc kích dục.

Ảnh minh họa: Dương Thùy Dương.
Ảnh minh họa: Dương Thùy Dương.

Cả hai, mỗi khi chạm mặt là nhìn thấy nỗi đau của nhau và cảm giác bẽ bàng tê liệt khi vô tình chị cầm điện thoại tầng 2 để gọi đi, mới biết anh đang ở phòng riêng nói chuyện với người đàn bà khác. “Nàng điện nước bồn cầu của anh đang làm gì mà anh cười với em thoải mái thế”? “Câu em hỏi chính là câu trả lời rồi còn gì, nàng bồn cầu đang đi loanh quanh soi vi trùng ở mấy cái nắp cống tắc.” Há há, giống lão nhà em, luôn nhìn thấy các con gì đấy nhung nhúc khắp nơi, lão thửa cả cái bàn chải sắt cọ qua cọ lại, bàn chải mòn nhưng các con nhung nhúc ấy vẫn sống nhăn”. “Thôi em yêu, hãy để bọn bồn cầu sống với đam mê cọ rửa của nó, mình bàn chuyện cuối tuần đi đâu, xong anh đi thay phanh xe máy cho chắc, xuống dốc an toàn”

Bao năm sau. Tổn thương vẫn nguyên đó, dù chồng cương quyết không ký đơn ly hôn, tự hứa, tự thề, tự khai tông tốc những cuộc tình vụng trộm vì anh thấy vui vui thôi, chứ em luôn là cuộc đời của anh mà. Mặc dù rất cố gắng bôi xóa những bi kịch hàng ngày nhưng hai người đúng là không thể lảng tránh và không có cách gì lấp đầy những cái hố sâu mà hai người hì hục đào bới mỗi ngày, dần to và sâu đến mức mất kiểm soát. Từ những chuyện rất bé, có thể tự giải quyết ngay từ khi nó mọc ra, nhưng không ai quan tâm, và giờ thì, vợ thành bà bồn cầu còn chồng đúng là cái nhà xí di động.

Rút kinh nghiệm lần sau, lấy người chồng khác, chị thuê hết. Chỉ cần chồng đi làm, không vướng tệ nạn gái gú là được. Chưa bao giờ chồng biết vợ đã gọi người thay máy bơm cháy hay bóng đèn chùm chập điện liên tục, nhà vệ sinh cống tắc xông mùi. Cái gì cũng có bảng giá, người chuyên nghiệp làm rất yên tâm, bảo hành đàng hoàng.  

Lại dắt nhau ra toà. Sau ly thân là ly hôn.

Một người đàn ông có bờ vai rộng đủ làm chỗ dựa cho chị và các con sau cuộc chia tay nặng mùi “toa lét”, sau hơn hai năm độc thân. Thô ráp, bản năng, tốt bụng vô tình. “Cô ấy khinh tôi, tôi làm được hết nhưng không tin, tất nhiên tôi không giỏi bằng thằng cả đời trèo cột điện. Bảo sao cứ thích cái thằng đấy, có lần tôi về, nó đứng trên ghế cao, cái quần sóc ống toè loe ra, cô ấy đứng dưới, âu yếm giữ ghế nhìn lên. Nhìn cái của nợ của nó chứ nhìn gì bóng đèn?".

Bla bla.. miệng chàng bắn như máy khâu công suất lớn, khác hẳn với thủa làm bờ vai rộng cậy mồm chẳng nói, trừ lúc say. Có vẻ, chàng dồn toàn bộ những thất bại của cuộc đời - trước khi gặp cô và thời gian sống cùng nhau lại, trút lên đầu những ông điện nước thông cống sửa tivi. Cô ngỡ ngàng nhìn chàng, tự hỏi hóa ra lâu nay mình lại sai đến nỗi những điều mình cho là vun vén hạnh phúc, và không bị gọi là bà bồn cầu lại khiến bờ vai tức giận đến thế.

Và đau nhất, lần này lại là bờ vai cương quyết ly hôn chứ không phải cô. “Thẳm sâu trong cô ta luôn khinh tôi vì tôi không bẻm mép như thằng chồng cũ. Tôi và cô ta lại không có con chung, tôi đề nghị nhiều lần nhưng cô ấy nói có cả hai đều con rồi và hãy coi chúng như con ruột - đúng, tôi có nói thế nhưng chỉ là nói thôi, hồi chưa ở chung nhà tôi không thấy ngứa mắt, sau ở rồi, cứ nhìn chúng nó là tôi thấy thằng bố nó hiện ra. Nếu cô ta chịu đẻ con với tôi, chuyện đã khác...”

Sao nhỉ. Đàn bà hay sai ở đâu khi nghĩ là mình rút kinh nghiệm sửa sai cũ và không hề nghĩ là đã bước chân sang vô vàn những sai mới kinh khủng hơn. Hóa ra, đời sống vợ chồng luôn là một thế giới mở, không thể lấy sai lầm của người này người khác, hay từ những đổ vỡ của chính mình để rút kinh nghiệm.

Tất nhiên cứ chịu đựng cũng sẽ qua. Hạnh phúc luôn mang khuôn mặt giống nhau, nhưng bất hạnh lại rất khác. Hoá ra, ai cũng ngấm ngầm thấm đẫm những bực tức con con mỗi ngày và mắc kẹt trong đó, cho tới lúc bùng lên. Giống như ta cầm con dao, tức à, chát 1 cái vào cái thân cây. Cáu thế chứ, chát. Chát chát và chát, tự nhiên đến ngày cây tự đổ vào đúng cái hôm không bị chát phát nào. Cô thực sự khiếp sợ những bi kịch do chính mình tạo ra chứ chẳng thể là ai khác. Tại sao cứ phải cần một bờ vai. Tại sao lại quay quắt vì mùi đàn ông trong cơn gió đầu mùa. Tại sao, tại sao...Cảm giác thất bại xâm chiếm khi cô quá ghê tởm hai người đàn ông đi qua đời mình.

Vượt qua sự căm ghét hay điên rồ tranh luận thắng thua, qua những đam mê hay nước mắt, chỉ còn lại sự khinh bỉ chính mình.

Nguyễn Thị Thu Huệ

Có chồng để làm gì?

Có chồng để làm gì?

Nếu cuộc sống của mình không thể tốt đẹp hơn thì lấy chồng làm gì khi những muộn phiền, áp lực cuộc sống chẳng thể được san sẻ mà lại tăng lên?