Doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến bình đẳng giới
Mới đây, Doanh nghiệp xã hội ECUE và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đã chính thức giới thiệu chương trình GEARS@VIETNAM (GEARS@VN) tại TP.HCM.
Đây là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG (viết tắt của Environmental, Social, and Governance - Môi trường, xã hội, và quản trị), là bộ tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá mức độ phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của một tổ chức hoặc doanh nghiệp, giúp tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Việt Nam, bình đẳng giới tại nơi làm việc ngày càng nhận được sự quan tâm nhờ những chính sách tích cực từ nhà nước và sự hội nhập quốc tế. Với các quy định cụ thể trong Luật Bình đẳng giới 2006 và Bộ luật Lao động, chính phủ đã đặt nền móng quan trọng để xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới trong tuyển dụng, trả lương, đào tạo, thăng tiến, và các hoạt động lao động khác.
Đặc biệt, các điều khoản hỗ trợ nghỉ thai sản, chăm sóc con cái, và chế độ cho lao động nữ nuôi con bú đã giúp giảm bớt áp lực cho lao động nữ, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cả hai giới trong lực lượng lao động.
![]() |
Các chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ về bình đẳng giới. Ảnh: Viên Trần. |
Những nỗ lực này đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Theo Tổng cục Thống kê năm 2022, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam đạt 62,7%, thuộc hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với nam giới (75,5%), cho thấy sự chênh lệch còn hiện hữu. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ sở hữu doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn, khoảng 20%, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những khoảng cách này là thách thức lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, và tổ chức xã hội để đạt được những tiến bộ xa hơn trong việc đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi người.
Các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) và công ty Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu thường chú trọng đến bình đẳng giới hơn các doanh nghiệp địa phương do ảnh hưởng từ các tiêu chuẩn quốc tế.
Maya Juwita, Giám đốc về Bình đẳng giới tại nơi làm việc thuộc tổ chức Investing in Women, nhấn mạnh: “Bằng cách kết hợp chuyên môn và nguồn lực của mình, chúng tôi hướng tới mục tiêu thực hiện các sáng kiến có tác động nhằm thúc đẩy bình đẳng và xóa bỏ rào cản cho tất cả mọi người tại nơi làm việc, đồng thời củng cố văn hóa tôn trọng và bao trùm.
GEARS@VN sẽ giải quyết một cách chiến lược những thách thức chính mà phụ nữ trong khu vực tư nhân ở Việt Nam phải đối mặt, bao gồm qua việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển sự nghiệp cũng như đảm bảo môi trường làm việc an toàn và thuận lợi cho nhân viên. Tiếp nối thành công ở các quốc gia khác như Philippines, Indonesia và Myanmar, chúng tôi sẽ hợp tác với các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách để kiến tạo sự thay đổi có hệ thống và mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả các giới. ”
Bà Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Điều hành TMS Việt Nam và Founder của HR Talks, chia sẻ rằng việc đảm bảo bình đẳng giới và đa dạng trong nhân sự là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần thích ứng để xây dựng tổ chức vững mạnh, tối ưu nguồn nhân lực, và nâng cao khả năng thích ứng trước sự thay đổi.
Bà Thảo nhấn mạnh: “Khi tạo ra cơ hội thăng tiến bình đẳng giữa nam và nữ, doanh nghiệp không chỉ giữ chân được lao động mà còn thúc đẩy sự gắn kết và phát triển bền vững trong tổ chức.” Tuy nhiên, bà cũng nhận định rằng việc đạt được sự cân bằng này là một thách thức lớn tại Việt Nam. Trong khi các công ty đa quốc gia tại Pháp đã đạt tỷ lệ bình đẳng giới 50%, thì tại Việt Nam, con số này vẫn còn xa tầm với.
Bà Thảo cho rằng danh tiếng của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở sản phẩm hay dịch vụ mà còn dựa trên chính sách tuyển dụng công bằng, loại bỏ mọi sự phân biệt, và đảm bảo tỷ lệ giới hợp lý. Điều này giúp tổ chức không chỉ thu hút mà còn giữ chân được những nhân tài đa dạng.
Việc thúc đẩy bình đẳng giới và đa dạng không chỉ mang lại lợi ích nội bộ mà còn đóng góp vào sự công bằng xã hội. Những nỗ lực này giúp tăng cường đổi mới sáng tạo, sự hài lòng của nhân viên và mối gắn kết trong tổ chức. Đây chính là chìa khóa để các doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nhiều chính sách liên quan đến bình đẳng giới
Chương trình GEARS@VN, hợp tác giữa Investing in Women và ECUE-BSA, tập trung giải quyết các thách thức lớn mà phụ nữ trong khu vực tư nhân ở Việt Nam phải đối mặt. Chương trình không chỉ hỗ trợ phát triển sự nghiệp mà còn tạo ra môi trường làm việc an toàn và thuận lợi cho tất cả các giới. Đây là một phần trong chiến lược thúc đẩy sự thay đổi mang tính hệ thống và bền vững, tiếp nối những thành công của chương trình tại Philippines, Indonesia, và Myanmar.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ là điều kiện để duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh.
![]() |
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cao cấp (bìa trái) và bà bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA chia sẻ bên lề chương trình. Ảnh: Viên Trần. |
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, cho biết: “Chương trình GEARS@VN không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường (Environment) mà còn giúp họ triển khai hiệu quả các yếu tố về xã hội (Social) và quản trị (Governance) trong bộ ba ESG. Bình đẳng giới tại nơi làm việc là một thành phần trọng yếu của chữ S, đang ngày càng được luật hóa và áp dụng khắt khe tại các thị trường lớn.”
Bà Hạnh cũng nhấn mạnh rằng việc chuẩn bị sớm cho những thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh khỏi những bất lợi do tụt hậu, đồng thời tạo điều kiện để duy trì và mở rộng vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan trọng hơn, các chiến lược bình đẳng giới không chỉ mang lại lợi ích nội bộ mà còn là chìa khóa để thu hút nguồn lực đầu tư và xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững trong mắt các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở cam kết chính sách mà cần được triển khai bằng những hành động thiết thực. Điều này bao gồm việc xây dựng các chương trình phát triển nhân tài, thiết kế môi trường làm việc linh hoạt và bao trùm, cũng như đảm bảo tính minh bạch trong các cơ chế khen thưởng và thăng tiến.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo và nâng cao nhận thức của đội ngũ quản lý về vai trò quan trọng của họ trong việc tạo động lực và xây dựng văn hóa tổ chức công bằng, hòa nhập.
Bình đẳng giới tại nơi làm việc không chỉ là mục tiêu xã hội mà còn là một yếu tố chiến lược, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường sáng tạo, và duy trì sự phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ từ các chương trình như GEARS@VN và những nỗ lực không ngừng từ cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đang tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế bao trùm và công bằng cho tất cả.
GEARS@VIETNAM được hỗ trợ bởi Investing in Women, một sáng kiến của chính phủ Australia nhằm thúc đẩy bình đẳng kinh tế cho phụ nữ tại Indonesia, Myanmar, Philippines và Việt Nam.
Tại Việt Nam, chương trình được triển khai bởi liên minh chiến lược giữa ECUE và BSA. Chương trình tập trung vào việc nâng cao nhận thức, kỹ năng và hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng bộ công cụ GEARS (Đánh giá, Kết quả và Chiến lược Bình đẳng Giới). Bộ công cụ này được thiết kế riêng cho thị trường ASEAN, dựa trên nền tảng của Cơ quan Bình đẳng giới tại nơi làm việc Australia (WGEA), với sự hỗ trợ từ Investing in Women.
GEARS giúp doanh nghiệp đo lường và hoạch định chiến lược quản trị nguồn nhân lực, với kết quả có thể được tích hợp vào báo cáo phát triển bền vững. Bộ công cụ bao gồm 13 khía cạnh liên quan đến giới trong sản xuất và kinh doanh, từ tuyển dụng, chính sách, lương thưởng, thăng tiến đến chống quấy rối, phân biệt đối xử và bình đẳng giới trong chuỗi cung ứng.
Được biết, BSA và ECUE sẽ tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo chuyên sâu về bình đẳng giới tại nơi làm việc, dung hợp xã hội, chống quấy rối tình dục, thiên kiến vô thức và lãnh đạo hòa nhập. Các hoạt động này trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp triển khai hiệu quả kế hoạch hành động về bình đẳng giới.
"Đánh bại" các loại hạt, đây hứa hẹn trở thành món ăn bùng nổ nhất Tết này, vừa ngọt béo lại chứa 5 lợi ích vàng
Món ăn này chiều lòng được cả người cao tuổi lẫn trẻ nhỏ. Đặc biệt thích hợp khi nhâm nhi cùng 1 chén trà xanh trong dịp Tết.