Nga đối mặt với rủi ro từ 'thế trận dầu mỏ' mới của ông Putin

Kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraina vào tháng 2/2022, nguồn xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã mang lại cho Nga gần 168 tỷ Euro. Tuy nhiên, tuần báo Pháp "L'Express" ngày 19/9 cho rằng tình hình có thể sẽ thay đổi.

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraina và phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, hoạt động "tàu sang tàu" – chuyển hàng bí mật qua lại giữa các con tàu đã trở thành "mốt". 

Theo dữ liệu được Công ty Refinitiv có trụ sở tại London tổng hợp, đã có 175 vụ chuyển hàng theo phương thức này ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp từ tháng 2-8/2022 so với chỉ 9 vụ vào cùng thời kỳ năm 2021. Cảng Kalamata dường như là địa điểm chiến lược của hoạt động kinh doanh đang trên đà phổ biến này. 

Theo ước tính của S&P Global, các chuyến tàu chở dầu của Nga từ các cảng Biển Đen đến Kalamata đã tăng gấp đôi trong 3 tháng đầu nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina.

Trong khi châu Âu đang tìm cách giảm và thậm chí có kế hoạch cắt hoàn toàn lượng dầu nhập khẩu của Nga kể từ ngày 5/12, doanh thu từ nguồn "vàng đen" vẫn tiếp tục chảy vào kho bạc của Nhà nước Nga, gián tiếp tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Vladimir Putin.

Thực tế là Moscow vẫn nhận được nguồn tiền từ các chuyến vận chuyển dầu và khí đốt. Khối lượng xuất khẩu có thể đã giảm, nhưng giá tăng cao đến mức các hóa đơn thanh toán bằng USD có giá trị như vàng. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức tư vấn của Phần Lan, Nga đã thu về khoảng 168 tỷ Euro từ xuất khẩu dầu trong khoảng thời gian từ 24/2-15/9.

Theo tính toán của Lauri Myllyvirta, Giám đốc phân tích CREA, "riêng Liên minh châu Âu (EU) đã trả gần 100 tỷ Euro", và trong đó 56 tỷ euro được rót thẳng vào kho bạc của Bộ Tài chính Nga. Và chính việc bán dầu thô và các sản phẩm phái sinh, đặc biệt là dầu diesel, giúp Nga thu được nhiều tiền nhất, chiếm gần 2/3 tổng số tiền xuất khẩu dầu.

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia, nhưng lại là nước xuất khẩu dầu nhiều nhất trên thế giới. Gần 15% nguồn cung dầu thô của thế giới được khai thác ở các mỏ Ural và Siberia. Putin biết điều đó và ông đang tận dụng điều này. Việc thay đổi lộ trình của các tàu chở dầu dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều so với việc xây dựng các đường ống dẫn dầu khí mới. 

Pierre Terzian, Giám đốc hãng tư vấn dầu mỏ Petrostrategies, giải thích: "Ngay từ khi bắt đầu chiến tranh, Moscow đã tìm kiếm khách hàng mới, và họ đã tìm được nhiều nước sẵn sàng mua dầu của mình với giá hời". Nhiều người cho rằng một nền địa chính trị dầu mỏ mới đang hình thành, dựa trên bản đồ của các chế độ ủng hộ Putin.

Các chuyến hàng của Nga rất hấp dẫn về mặt tài chính đối với một loạt các quốc gia châu Á hoặc châu Phi không tuyên bố lập trường cụ thể trong cuộc chiến tại Ukraina. Đứng đầu trong số này là Trung Quốc và nhất là Ấn Độ - quốc gia không dầu của Nga trước chiến tranh Ukraina song đã trở nên đặc biệt hào hứng. Đầu tháng 7, Brazil cũng đã ký với Moscow một hợp đồng khổng lồ, chiếm gần 30% doanh số bán dầu diesel của Nga trên thế giới.

Tiếp đến phải kể tới những nước "cơ hội", như Ai Cập và đặc biệt là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ông Pierre Terzian nhấn mạnh: "Những nước này là bậc thầy trong việc lách các đòn trừng phạt liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu dầu của Iran. Họ cũng làm điều tương tự với dầu thô của Nga".

Vào tháng 8/2022, lượng dầu của Nga cập cảng lớn Fujairah trên bờ biển phía Đông của UAE tăng vọt. UAE kết hợp nguồn dầu này với sản phẩm nội địa để tái xuất khẩu ra khắp thế giới. Ngoài ra, UAE còn tinh chế dầu thô của Nga ngay tại chỗ và sau đó bán lại với giá cao sang châu Âu, Anh và thậm chí là Mỹ. Dầu của Nga vẫn tiếp tục được vận chuyển qua hệ thống ống dẫn.

Nga đối mặt với rủi ro từ 'thế trận dầu mỏ' mới của ông Putin - Ảnh 2.

Giảm sự phụ thuộc vào Nga: Mỹ và Thụy Điển đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, với khối lượng nhập khẩu hàng tháng lần lượt giảm 100% và 99% trong tháng 5 so với thời điểm cuộc chiến ở Ukraina bắt đầu.

Tại Ceyhan, Thổ Nhĩ Kỳ, đường ống "BTC", liên kết Baku ở Azerbaijan với Tbilisi ở Gruzia, sau đó băng qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến Địa Trung Hải, đã đột ngột tăng công suất lên 250.000 thùng mỗi ngày trong khoảng thời gian từ tháng 4-7/2022.

Alexandre Andlauer, nhà phân tích và chuyên gia thị trường dầu tại Kpler nói: "Dầu thô của Nga có ở khắp mọi nơi và đơn giản là thế giới không thể bỏ qua chúng".

Liệu lệnh cấm vận của châu Âu vào đầu tháng 12 có làm thay đổi điều gì hay không? Bằng cách tìm kiếm khách hàng mới, Nga đã chuẩn bị đối phó với kế hoạch này. Tuy nhiên, việc phương Tây áp mức giá trần đối với dầu của Nga có thể thực sự tổn hại đến túi tiền của Vladimir Putin. Tất nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Nói một cách đơn giản, phương Tây cần buộc các công ty bảo hiểm chỉ bảo hiểm cho những lô hàng được mua với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá đã ấn định từ trước, có thể là gần 60 USD/thùng dầu (giá dầu hiện nay khoảng 90 USD) và bất kể điểm đến là đâu. Đây là một "vũ khí" rất hữu hiệu vì hầu hết các hãng bảo hiểm chuyên vận chuyển dầu đều của các nước phương Tây và đặc biệt là Anh.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, Nga đã có các biện pháp đề phòng. Từ vài tuần qua, Nga đã có sự đầu tư cho các tàu chở dầu cũ có sẵn trên thị trường để không phụ thuộc vào bất kỳ chủ tàu nào. Arnaud Dubien, Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (IRIS) của Pháp, bình luận: "Thậm chí, họ sẽ hoàn tất hệ thống bảo hiểm công 100% với bảo lãnh của nhà nước".

Tất nhiên, vẫn có những đám mây đen đe dọa tăng trưởng toàn cầu tiềm ẩn nguy cơ làm cạn kiệt cỗ máy rút tiền của Nga. Francis Perrin, nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nói: "Nếu thế giới bước vào suy thoái, giá dầu sẽ giảm và tước đi nguồn thu rất hời của Nga". 

Về mặt tài chính, gió vẫn có thể đổi chiều đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

CHẤN HƯNG