Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình LCI của Pháp, ông Medvedev, đồng minh hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng bày tỏ Moscow sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky dựa trên một số điều kiện. Ngay cả trước khi tiến hành cuộc chiến hồi tháng 2, Nga đã khẳng định việc Ukraina gia nhập NATO là không thể chấp nhận được.
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Medvedev nêu rõ: "Từ bỏ hy vọng gia nhập NATO hiện cũng quan trọng, nhưng không đủ để thiết lập hòa bình". Theo ông, Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho tới khi đạt được mục tiêu.
Nga và Ukraina đã tiến hành một số vòng đàm phán sau khi cuộc chiến nổ ra, song không đạt được tiến triển và có ít triển vọng nối lại đàm phán. Ông Medvedev cho rằng tiến trình đàm phán phụ thuộc vào diễn biến tình hình hiện nay, song Nga sẵn sàng gặp ông Zelensky.
Tuy nhiên, thiện chí đó có thể thay đổi nếu Washington chuyển giao cho Kiev các loại vũ khí có khả năng tấn công mục tiêu ở tầm xa hơn, vì đó sẽ là mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ Liên bang Nga.
Tổng thống Putin tuyên bố ông muốn "phi phát xít hóa" Ukraina. Kiev và phương Tây đều đánh giá rằng đây là lý do vô căn cứ để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược.
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cho hay nước này từng có cơ hội để trở thành thành viên của NATO lớn hơn nhiều so với việc gia nhập EU trước thời điểm ngày 24/2 - khi Nga phát động cuộc chiến toàn diện tại Ukraina.
Tuy nhiên, đến giữa mùa Hè năm 2022, tình hình dường như lại ngược lại. EU đã cấp cho Ukraina tư cách ứng viên, trong khi NATO lại thất bại trong việc bảo đảm cho Ukraina một lộ trình rõ ràng để trở thành thành viên của tổ chức này. Điều đó đã bất chấp năng lực phòng thủ ấn tượng của Ukraina trước quân đội Nga, lực lượng trước đây vẫn được đánh giá là mạnh thứ 2 thế giới.
Các công dân và quan chức Ukraina đều nhận thấy có 1 nghịch lý là trong khi các quốc gia thành viên NATO đều viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraina một cách thiết thực và đa dạng, thì bản thân NATO với tư cách là một tổ chức lại chỉ hỗ trợ Ukraina ở mức tối thiểu.
Cụ thể, Mỹ đã bố trí 7,6 tỉ USD như một khoản hỗ trợ trực tiếp về an ninh, đồng thời cung cấp hoặc tổ chức việc chuyển giao các thiết bị bao gồm các hệ thống chống thiết giáp, tên lửa phòng không, rađa, thiết bị nhìn đêm, vũ khí nhỏ và đạn dược từ các nước thứ ba.
Tương tự, Anh đã cam kết dành 2,3 tỉ Bảng cho Ukraina và đã huấn luyện cho các quân nhân Ukraina. Tuy nhiên, trong khi các thành viên riêng lẻ của NATO đã hành động theo sáng kiến riêng của từng nước, thì NATO lại không làm được gì nhiều. Điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hỗ trợ cho việc tổ chức tại Ukraina.
Mối quan tâm đến con đường của Ukraina trở thành thành viên NATO và EU chắc chắn đã tăng lên trên chính trường nước này kể từ cuộc "Cách mạng Nhân phẩm" năm 2014. Ngày nay, không một đảng phái nào có thể giành được ghế tại Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraina) trừ khi đảng đó ủng hộ hội nhập châu Âu-Đại Tây Dương. Tuy nhiên, người Ukraina trông đợi NATO "có đi có lại", cũng như trông đợi vào các quốc gia thành viên vốn ít ủng hộ Kiev hơn.
Không có gì nghi ngờ khi cuộc chiến của Putin tại Ukraina là một phép thử đối với NATO, đặc biệt là dành cho tình đoàn kết và khả năng phục hồi của liên minh này. Tuy nhiên, châu Âu không thể "nhắm mắt làm ngơ" trước cuộc chiến của Putin vì cuộc chiến đó đang diễn ra ngay giữa lục địa già. Một trong những tuyên bố của Tổng thống Putin trước chiến tranh có liên quan đến vấn đề mở rộng NATO.
Thành lập tháng 4/1949, NATO được thiết kế để chống lại Liên Xô và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan ra khắp châu Âu. Putin muốn đưa NATO trở lại hình thức năm 1997 trước khi tổ chức này kết nạp một số quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Vacsava trước kia. Ukraina không ảo tưởng về việc NATO sẽ tham chiến. Điều 5 Hiệp ước Washington khẳng định rằng cuộc tấn công vào 1 thành viên có nghĩa là tấn công toàn bộ liên minh.
Kiev không trông mong NATO đề nghị Ukraina trở thành thành viên trong bối cảnh cuộc chiến toàn diện hiện nay, cũng không trông mong NATO đề nghị được tham chiến và đứng về phía Ukraina - một hành động có thể dẫn đến Chiến tranh Thế giới lần thứ III. Thay vào đó, Kiev đang tìm kiếm thêm viện trợ quân sự, hướng dẫn kỹ thuật và huấn luyện binh sỹ, chẳng hạn như theo đề xuất của Vương quốc Anh đã đưa ra.
Cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen từng thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo NATO đã sai lầm trong năm 2008 khi không cung cấp cho Ukraina và Gruzia một kế hoạch hành động để trở thành thành viên của tổ chức này, một sai lầm được cho là do những bất đồng trong nội bộ liên minh.