Dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 4/8/2023, hiện chưa có đợt phát hành nào trong tháng 8.
Các đợt phát hành mới công bố đều được phát hành vào tháng 7 với 30 đợt, trị giá 28.880 tỷ đồng, trong đó có 23 đợt phát hành dưới hình thức riêng lẻ và 7 đợt phát hành ra công chúng.
Nhóm ngành ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 16.655 tỷ đồng (chiếm 57,7% tổng khối lượng phát hành. Có 3 doanh nghiệp bất động sản tham gia phát hành trong tháng với tổng giá trị 5.425 tỷ đồng. Trong đó: Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh phát hành 300 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Taseco phát hành 125 tỷ đồng và Công ty TNHH Capitalland tower phát hành 5.000 tỷ đồng, theo Dân Việt.
Trong tháng 7, các doanh nghiệp đã mua lại 20.533 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 tháng cuối năm 2023, ước tính sẽ có khoảng 132.637 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 95.188 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 17,3% tổng giá trị phát hành) và 72 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 78.712 tỷ đồng (chiếm 82,7% tổng số).
Các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 438 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 140.236 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 54% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 75.729 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 130.303 tỷ đồng. Gần 50% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với gần 62.867 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 25.661 tỷ đồng (chiếm 18% giá trị tới hạn).
Trong thời gian tới dự kiến có 2 đợt phát hành riêng lẻ của Vietjet và ACB.
CTCP Hàng không Vietjet (VJC) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 60 tháng. Lãi suất phát hành cố định tối đa 12%/năm cho 2 kỳ đầu và bằng lãi suất tham chiếu + biên độ tối đa 3,5%/năm cho các kỳ còn lại.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua phương án phát hành riêng lẻ Đợt 1 tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn tối đa 5 năm.
Tập đoàn VinGroup đã thông qua phương án phát hành ra công chúng 5 lô trái phiếu có tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và xác lập nghĩa vụ nợ trực tiếp với Vingroup. Trong tổng số 5 lô trái phiếu, 3 lô trị giá 3.000 tỷ đồng có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cho 2 kỳ đầu là 15%/năm và các kỳ sau bằng bình quân LSTK 12T VND (VCB, BIDV, Vietin, Agri) + 4,5%/năm. 2 lô trái phiếu còn lại có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 2 kỳ đầu là 14,5%/năm, các kỳ sau bằng bình quân LSTK 12T VND (VCB, BIDV, Vietin, Agri) + 4%/năm.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) đã thông qua phương án phát hành ra công chúng tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu được phát hành nhằm mục đích bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu vay của khách hàng.
Ngoài ra, về thị trường trái phiếu sơ cấp, ngày 2/8, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 5.000 tỷ đồng TPCP ở các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm với tỷ lệ trúng thầu đạt 100%. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành từ đầu năm tới nay là 213.729 tỷ đồng, tương ứng hơn 53% kế hoạch năm.
Về thị trường trái phiếu thứ cấp, giá trị giao dịch (GTGD) thị trường thứ cấp đạt 30.192 tỷ đồng trong đó GTGD thông thường (outright) trung bình ngày giảm 7% và GTGD mua bán lại (repo) trung bình ngày tăng 89% so với tuần trước. NĐTNN bán ròng 344 tỷ đồng TPCP trong kỳ. Lợi suất TPCP tại phòng giao dịch của VBMA tiếp tục giảm nhẹ.
(Tổng hợp)