Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, ngày 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022, từ 4,1% xuống còn 2,9%.
Báo cáo nêu rõ: "Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 5,7% vào năm 2021 xuống 2,9% vào năm 2022 - thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% đã được dự đoán hồi tháng 1 vừa qua".
Theo báo cáo của WB, nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,9% trong năm nay và 2% trong năm 2023. Báo cáo nhấn mạnh: "Nền kinh tế Nga được dự báo sẽ giảm 8,9% vào năm 2022, phản ánh nhu cầu trong nước giảm mạnh và kim ngạch xuất khẩu giảm. GDP của Nga dự kiến sẽ tiếp tục giảm 2% vào năm 2023, do tác động của lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga đối với xuất khẩu ròng."
Cũng theo báo cáo, GDP của Ukraine giảm 45% trong năm nay. WB dự đoán 4 nền kinh tế khác trong khu vực, gồm Belarus, Kyrgyzstan, Moldova và Tajikistan, sẽ sụt giảm trong năm 2022.
Tại báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, cơ quan này đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi bất chấp bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần theo dõi.
Trong đó, Việt Nam vẫn cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay.
Hiện tại, cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên, cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ. Nếu lạm phát tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế nên được cho phép điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, với các cấp có thẩm quyền đóng vai trò cung cấp các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất và tổng cung.
Điểm đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu đang ngày tăng cao. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 15,9% trong tháng 3 (so cùng kỳ năm trước) lên 16,4% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước), tốc độ cao nhất kể từ tháng 1/2018.
Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn có thể phản ánh nhu cầu tín dụng cao hơn do người tiêu dùng tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong mùa hè.
Mặc dù vậy, lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn giảm từ 2,08% vào cuối tháng 3 xuống còn 1,37% trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với lãi suất chiết khấu 2,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất giảm cho thấy thanh khoản tương đối dồi dào trên thị trường trong nước. Điều này có thể phản ánh mức thặng dư ngân sách Nhà nước đáng kể và sự tăng trưởng mạnh hơn của tiền gửi từ khu vực tư nhân sau khi một số ngân hàng nâng lãi suất.
Bên cạnh đó, Ngân sách Nhà nước ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp bội thu nhờ thu ngân sách đạt kết quả tốt cân đối ngân sách bội thu 2,9 tỷ USD trong tháng 4. Thu ngân sách tăng tháng thứ tư liên tiếp (với tốc độ 32,2% so cùng kỳ năm trước), trong khi chi ngân sách giảm 2,4% (so cùng kỳ năm trước) do giảm chi thường xuyên. Trong 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách đạt 46% dự toán trong khi chi chỉ đạt 26% dự toán, dẫn đến bội thu 7,7 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công đạt 18,2% kế hoạch do Quốc hội phê duyệt, tương đương với mức ghi nhận trong cùng kỳ năm trước.
Tổng Hợp