Ngành điện TP.HCM khuyến cáo người dân tiết kiệm điện vì hóa đơn tiền điện tăng cao mùa nắng nóng

TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện gia tăng. Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà là những giải pháp mà điện lực TP.HCM đề nghị người dân áp dụng để hạn chế việc hóa đơn tiền điện tăng cao mùa nắng nóng.

Nắng nóng, nhu cầu dùng điện gia tăng

Theo quy luật hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa nắng nóng. Nhiệt độ trung bình/tháng tăng từ 27,9oC/tháng 2 lên 28,9oC/tháng 3 và 29,8oC/tháng 4 (số liệu năm 2017), trong đó nhiều ngày có nhiệt độ lên đến 37-40oC. Tương đồng với nhiệt độ nóng lên, tổng lượng điện tiêu thụ của TP.HCM trong tháng 3 so với tháng 2 cũng tăng mạnh. Tháng 3/2017 tăng khoảng 15.6%, tháng 3/2018 tăng 22,13% và tháng 3/2019 tăng 21,24% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, càng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của thành phố càng tăng.

Ngành điện TP.HCM khuyến cáo người dân tiết kiệm điện vì hóa đơn tiền điện tăng cao mùa nắng nóng

Phân tích cụ thể theo mục đích sử dụng điện thì lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt tăng mạnh hơn so với lượng điện tiêu thụ cho mục đích ngoài sinh hoạt. Như ví dụ lượng điện sinh hoạt tháng 3 và 4/2019 tăng từ 30,69% đến 36,43% so với tháng 2/2019. Trong khi đó, lượng điện tiêu thụ cho mục đích ngoài sinh hoạt từ tháng 3 đến tháng 7 tăng trong khoảng 6% đến 13,6% so với tháng 2. Sự khác biệt này được lý giải là lượng điện sản xuất, công sở hay dịch vụ (ngoài sinh hoạt) thay đổi chủ yếu theo số ngày làm việc trong tháng, trong khi đó, lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt tăng mạnh do nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát mùa nắng nóng.

Tổng điện năng tiêu thụ tăng khi vào mùa nắng nóng.
Tổng điện năng tiêu thụ tăng khi vào mùa nắng nóng.

Nắng nóng nên chúng ta sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn. Điều này cũng tương tự như đi lên dốc cần nhiều năng lượng hơn đi trên đường bằng.

Năm nay, do dịch COVID-19, học sinh nghỉ học ở nhà ngay trong thời gian nắng nóng, nên tại nhiều hộ gia đình sẽ có xu hướng dùng nhiều thiết bị làm mát vào ban ngày hơn mọi năm, nên tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh hơn.

Hình 2: Khi thời tiết nóng, lượng điện năng tiêu thụ cho mục đích sinh hoạt tăng mạnh hơn lượng điện năng tiêu thụ ngoài sinh hoạt.
Hình 2: Khi thời tiết nóng, lượng điện năng tiêu thụ cho mục đích sinh hoạt tăng mạnh hơn lượng điện năng tiêu thụ ngoài sinh hoạt.

Vì thế, để tiền điện không tăng quá mức, ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình, điện lực TP.HCM đề nghị khách hàng, người dân thật sự quan tâm thực hành tiết kiệm điện. Hãy sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”. Hãy “Tắt khi không sử dụng”. Hãy cài đặt máy lạnh để nhiệt độ phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (chừng 5oC). Dùng quạt thay cho máy lạnh khi không quá nóng. Không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện trong giờ cao điểm. Tham khảo trang web của Trung tâm Chăm sóc khách hàng điện lực TP.HCM để có thêm tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện cụ thể

Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên. Thực hiện điều này không chỉ tiết kiệm điện mà còn rất có ý nghĩa phòng dịch Covid-19 hiện nay, vì ánh mặt trời có khả năng diệt khuẩn rất tốt và sự thông thoáng giúp làm giảm mật độ virus, vi khuẩn lây bệnh nếu có.  

Hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà – tiết kiệm và hiệu quả

Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà hiện đang là lựa chọn của nhiều hộ gia đình tại TP.HCM. Tính đến hết tháng 01/2020 đã có 5.857 công trình được nối lưới với công suất đạt 75,84 MWp.

Hiện nay, chi phí đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời đã giảm rất nhiều so với vài năm trước đây. Từ 2018 đến nay, ngành điện đã thực hiện nối lưới khi chủ đầu tư yêu cầu. Khi nối lưới thì lưới điện đóng vai trò như giàn ắc quy, nên các hộ gia đình không cần đầu tư giàn ắc quy, giảm rất nhiều chi phí ban đầu cũng như không cần tốn tiền thay ắc quy sau mỗi 3-5 năm.

Các hộ gia đình thường gắn giàn Năng lượng điện mặt trời có công suất từ 3-7 kWp. Cứ mỗi kwp một ngày sản xuất bình quân được 4 – 4,5 kwh điện, thì khoảng trên 6 năm là hoàn vốn – tính theo giá bán cho điện lực. Đối với các hộ gia đình sử dụng nhiều vào ban ngày thì thời gian hoàn vốn nhanh hơn, vì giảm được lượng điện sử dụng ở các bậc thang cao, đem lại lợi ích nhiều hơn (giảm mua điện ở bậc 5 và bậc 6 với mức giá 2.834 đồng và 2.927 đồng/kwh, chưa tính thuế giá trị gia tăng).

Hiện nay, trong lúc chờ đợi Chính phủ quyết định giá mua điện mặt trời, ngành điện được phép và đang thực hiện việc nối lưới các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, đồng thời ghi nhận sản lượng phát lên lưới hàng tháng, để thanh toán cho nhà đầu tư ngay khi giá mua điện mặt trời được ban hành.

Với rất nhiều những lợi ích mà điện mặt trời đem lại, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đang là giải pháp cực kỳ tốt cho các hộ gia đình, không chỉ tiết kiệm điện mà còn cùng thành phố tiên phong trong việc sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm tài nguyên của đất nước và góp phần bảo vệ môi trường của chúng ta. 

VIỆT ANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương