Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng ở Cần Thơ vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia sau hai tháng địa phương đề xuất.
Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (P. Thuận Hưng, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã hình thành và phát triển hơn 200 năm qua, với sự nối tiếp của nhiều thế hệ bà con địa phương để làm nghề và giữ nghề. Hiện nơi đây có khoảng 100 hộ với 500 lò sản xuất truyền thống quanh năm (cao điểm là dịp Tết Nguyên đán) với các loại bánh tráng: mặn, lạt, ngọt, dừa.
Nguyên liệu chính để làm bánh tráng gồm bột gạo, muối, nước cốt dừa, mè. Mỗi loại bánh đều có đặc trưng riêng, thơm ngon, hương vị gạo và không bị bở.
Người làm nghề nơi đây phải dày công từ những chiếc bánh mỏng, từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, pha bột đến cách thức tráng bánh, phơi bánh, cùng kĩ năng điêu luyện của những đôi bàn tay khéo léo giàu kinh nghiệm,… từ đó hình thành nên những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo và riêng biệt.
Ngoài tráng tay ra thì hiện nay, một số hộ đã có thêm lò tráng bánh bằng máy, trong đó có lò tráng bánh và sấy khô luôn, không cần phơi nắng. Nhiều hộ còn thuê thêm nhân công để làm với quy mô lớn hơn.
UBND phường Thuận Hưng cho biết, trên địa bàn hiện có 58 hộ sản xuất bánh tráng, giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Sản phẩm làng nghề này được tiêu thụ trong cả nước và Campuchia. Làng nghề là điểm du lịch trải nghiệm, thu hút khá đông khách khi đến Tây Đô.
Cần Thơ hiện có 116 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận. Ngoài làng bánh tráng Thuận Hưng, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, văn hóa chợ nổi Cái Răng, lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy, hò Cần Thơ, hát ru của người Việt ở Cần Thơ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chuyên gia khí tượng thông tin đợt nắng nóng cục bộ đầu tiên năm 2023
Cao điểm của đợt nắng nóng cục bộ đầu mùa tại miền Bắc rơi vào ngày 22/3 khi nhiệt độ ở Hà Nội chạm ngưỡng 36 độ C.