Nghệ thuật làm đèn lồng truyền thống Thái Lan sắp lụi tàn

Những chiếc đèn lồng có nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau là nét độc đáo của miền bắc Thái Lan, đặc biệt là ở tỉnh Chiang Mai, nơi tổ chức Lễ hội Yee Peng vào cuối năm.

Bà Konkit Khanapanya đã làm đèn lồng bằng tay được khoảng 40 năm. Nhưng người chủ 53 tuổi của cửa hàng đèn lồng Khom Mae Bua Lai Kana Panya ở Chiang Mai lo lắng rằng những nghề thủ công như vậy sẽ kết thúc ở thế hệ của bà vì giới trẻ ngày càng mất hứng thú với chúng.

"Người trẻ chỉ quan tâm đến những thứ có thể mang lại tiền cho họ. Họ không còn tự hào về một sản phẩm thủ công nữa", bà cho biết.

"Tất cả những kiến thức địa phương sẽ không còn nữa, giống như những gì chúng ta đang thấy người già làm theo phương pháp truyền thống, người trẻ sẽ không còn biết đến họ nữa".

Lễ hội này nhằm đánh dấu sự chuyển tiếp từ những ngày u ám của mùa mưa sang những ngày tươi sáng hơn của mùa mát mẻ. Yee Peng (thiên đăng) và Loy Krathong (hoa đăng) là những sự kiện lớn tại Thái Lan, được trông chờ thu hút lượng lớn khách du lịch. Sự kiện này nổi tiếng và quan trọng hàng đầu đất nước, chỉ xếp sau mỗi lễ hội Té nước Songkran diễn ra vào dịp tháng 4.

Nghệ thuật làm đèn lồng truyền thống Thái Lan sắp lụi tàn- Ảnh 1.

Yi Peng được biết đến là Lễ hội ánh sáng hay Lễ hội thiên đăng (thả đèn trời). Ảnh: Chiang Mai tours

Điều khác nhau giữa hai lễ này là Yee Peng là thả đèn lồng lên trời, còn Krathong là thả đèn hoa sen trên mặt nước. 

Khi những chiếc đèn lồng bay lên cao, người thả đèn tin rằng chúng đại diện cho mọi khát vọng và gánh nặng không mong muốn, và khi chúng biến mất, họ hy vọng rằng sẽ được giải phóng khỏi những gánh nặng đó và thu hút công đức. 

Theo quan niệm Phật giáo, nếu những chiếc đèn lồng bay lên cao và biến mất một cách an lành, đó có thể coi là việc lời cầu nguyện đã được Đức Phật chấp nhận. Ngược lại, nếu đèn lồng bị cháy giữa chừng khi đang bay, có thể được hiểu là dấu hiệu của sự không may sắp xảy đến.

Ít mong muốn tiếp nối nghệ thuật

Với những tiến bộ công nghệ và sự xao lãng của phương tiện truyền thông xã hội, ngày càng ít người Thái trẻ tuổi muốn theo đuổi nghệ thuật làm đèn lồng Yee Peng, dẫn đến lo ngại rằng những nghề thủ công truyền thống của Thái Lan có thể bị mai một.

Chỉ làm một chiếc đèn lồng bằng tay cũng rất tẻ nhạt và có thể mất hàng giờ. Nó bao gồm các kỹ năng như kéo căng vải để đảm bảo nó đủ căng mà không bị rách, cắt các mẫu giấy khác nhau để trang trí đèn lồng và dán từng mảnh trang trí.

Ngay cả khi một số thanh niên Thái Lan muốn học những kỹ năng làm đèn lồng như vậy, họ vẫn thường bị bạn bè chế giễu.

Một thiếu niên đang muốn tiếp tục công việc làm đèn lồng của gia đình mình là Teerasut Boonmuen, 17 tuổi. Tuy nhiên, chàng trai trẻ cho biết không có nhiều người trẻ cùng quan điểm của mình.

"Giống như họ coi thường những gì tôi đang làm, như một điều gì đó không hợp thời, chẳng hạn như tại sao tôi lại lãng phí thời gian để làm những việc mà người già vẫn làm. Họ nghĩ rằng đó không phải là điều mà người trẻ nên làm", Boonmuen chia sẻ. 

Nghệ thuật làm đèn lồng truyền thống Thái Lan sắp lụi tàn- Ảnh 2.

Một cửa hàng đèn lồng do gia đình sở hữu ở Chiang Mai, nơi tất cả đèn lồng đều được làm bằng tay. Ảnh: CNA

Ảnh hưởng chất lượng không khí

Trong khi đó, người ta lo ngại về tác động của đèn trời đối với môi trường. Hàng năm, Thái Lan phải đối mặt với chất lượng không khí kém do cháy đất nông nghiệp và khí thải xe cộ.

Đặc biệt, Chiang Mai được biết đến là một trong những nơi có chất lượng không khí ô nhiễm nhất thế giới, và việc thả hàng nghìn chiếc đèn lồng lên bầu trời mỗi năm chỉ làm trầm trọng thêm điều đó.

Giám đốc quốc gia của Greenpeace Thái Lan Tara Buakamsri cho biết, nhiều người sẽ biện minh rằng đây là một truyền thống lâu đời và việc thả đèn trời chỉ trong vài ngày sẽ không có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường.

Nhưng ông Tara nhấn mạnh số lượng lớn đèn lồng bay trên bầu trời là một vấn đề: "Thật nguy hiểm, nó tạo ra khí thải độc hại, ngoài PM2.5 (mức độ ô nhiễm) mà chúng ta đã biết, việc thả đèn chỉ làm trầm trọng thêm khả năng chuyên chở vốn đã đầy đủ của hệ thống hàng không trong khu vực".

Ông Tara cho biết khoảng 10.000 chiếc đèn lồng trở lên được thả lên bầu trời "gây ra những thách thức về giao thông hàng không hoặc thậm chí gây ra tai nạn cho những người dân nhìn thấy những chiếc đèn lồng từ trên trời rơi xuống nhà họ".

Và gây ô nhiễm nước

Lễ hội Yee Peng được tổ chức cùng với một lễ hội nổi tiếng khác là Loy Krathong ở Thái Lan. Loy có nghĩa là phao và Krathong có nghĩa là một cái giỏ hoặc một chiếc bình nhỏ.

Mặc dù đây là một truyền thống đã được duy trì qua nhiều thế hệ trên toàn quốc nhưng Krathong cũng bị mang tiếng xấu trong giới bảo vệ môi trường. Ông Tara cho biết bất kỳ vật chất nào được đưa vào sông đều trở thành gánh nặng cho hệ sinh thái.

"Hệ thống sông của chúng tôi đang 'nghẹt thở'. Vì vậy, điều đó có nghĩa là nếu chúng ta muốn bảo vệ dòng sông, mẹ thiên nhiên và hệ sinh thái của mình, chúng ta phải tìm cách giải quyết vấn đề đó khỏi tình huống khẩn cấp".

Mỗi năm, Krathongs cuối cùng trở thành một núi rác và làm tắc nghẽn dòng sông. Các vật liệu được sử dụng để xây dựng Krathong cũng bị chỉ trích. Mặc dù chính quyền đã cấm sử dụng xốp hoặc nhựa để làm phao nhưng điều đó vẫn chưa hoàn toàn dập tắt được hành vi này.

Thay vào đó, họ đang thực hiện hành động thay thế để khắc phục tình trạng này bằng cách thúc đẩy sản xuất Krathongs được làm từ vật liệu phân hủy sinh học.

Ông Saksakul Suprakritanan, phó giám đốc văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Chiang Mai cho biết: "Một điều chúng tôi đang cố gắng làm là giáo dục khách hàng rằng họ nên chọn mua Krathongs thân thiện với môi trường. Nếu khách hàng từ chối những sản phẩm được làm bằng vật liệu không thân thiện với môi trường, nhu cầu sẽ giảm và nguồn cung cũng sẽ giảm".

Tara cho biết, một số thành phố đã chia sẻ mong muốn trở nên xanh hơn và trung hòa lượng carbon.

Ông nói: "Đã đến lúc họ kết hợp những truyền thống nổi tiếng như Loy Krathong và Yee Peng vào một kế hoạch hành động nhằm giảm dấu chân con người trong hệ sinh thái của chúng ta".

(Nguồn: CNA)

TÚC