Giữa không gian khoa học tưởng chừng khô khan và đầy công thức, vẫn có những câu chuyện khiến người ta cảm động bởi sự đam mê, bền bỉ và khát khao cống hiến. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường – nhà khoa học nữ đang công tác tại Viện Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong những hình ảnh như thế.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường |
Từ giáo viên vùng cao đến nhà khoa học tâm huyết
Tốt nghiệp Khoa Sinh, Đại học Sư phạm, Nguyễn Thị Thúy Hường từng là giáo viên công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Nhưng cơ duyên với khoa học đến khi chị quyết định học nghiên cứu sinh và được giữ lại công tác tại Viện Công nghệ sinh học nay là Viện Sinh học. “Trước khi đi học nghiên cứu sinh, tôi nghĩ là học nghiêm túc mấy năm để không bị mang tiếng là tiến sĩ giấy... Nhưng khi làm thí nghiệm thì tôi lại rất thích. Tôi chọn chuyên ngành khó để thử sức, càng nghiên cứu càng thấy đam mê”- Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường chia sẻ.
![]() |
Không phải là người đầu tiên nuôi cấy mô cây Ba kích, nhưng Tiến sĩ Hường là người đã tối ưu hóa được bộ rễ của loại cây này. |
Không phải là người đầu tiên nuôi cấy mô cây Ba kích, nhưng Tiến sĩ Hường là người đã tối ưu hóa được bộ rễ của loại cây này – vốn là phần giá trị nhất trong dược liệu. Công trình của chị đã giúp Ba kích tím có thể trồng đại trà, biến những vùng rừng núi Quảng Ninh thành những vùng dược liệu tiền tỷ.
Dự án bắt đầu năm 2012, khi Viện Sinh học trúng thầu cung cấp giống Ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô cho Hợp tác xã Toàn Dân. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường đã trực tiếp tuyển chọn giống, định danh phân tích phân tử, phân tích hoạt chất, nhân giống in vitro, và sau đó đem trồng thử nghiệm. Chỉ sau 8 tháng, chị đã thành công trong việc tối ưu bộ rễ và xây dựng được quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây Ba kích nuôi cấy mô.
![]() |
Nhóm nghiên cứu thu mẫu Thạch tùng răng. |
“Tôi không phải là người đầu tiên nuôi cấy mô cây Ba kích nhưng tôi tự hào là người đã tối ưu được bộ rễ, làm cho bộ rễ của nó gấp rất nhiều lần so với cây giâm hom thông thường và gấp tương đối nhiều lần so với sản phẩm nuôi cấy mô của các đơn vị khác”, Tiến sĩ Hường tự hào nói.
"Nhà khoa học ngày thường, nông dân cuối tuần"
Để đưa Ba kích ra khỏi phòng thí nghiệm, Nguyễn Thị Thúy Hường không ngại gian khổ. Sau giờ hành chính mỗi thứ sáu, chị bắt đầu hành trình từ Hà Nội về vùng cao Ba Chẽ (Quảng Ninh), nhiều lúc, đường đi khó chị cùng doanh nghiệp phải tự lái xe máy qua rừng đèo vào bản làng hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây. Cứ như vậy, trong tuần làm trong phòng nghiên cứu, cuối tuần làm nông dân, cho đến khi người dân quen việc.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường và Tiến sĩ Bá Thị Châm thu mẫu tại vùng trồng Nghệ xanh |
Chị hài hước kể lại hành trình với chiếc xe Dream thân thuộc: “Tiền xe ôm đắt quá, tôi mang xe máy Dream của tôi để ở nhà người quen chỗ ngã ba Hải Lạng, xuống xe khách là lên xe máy phóng vào Ba Chẽ, đi lại mấy tháng liền mà an toàn, không bị thủng xăm, hay bị hỏng hóc, chắc cái xe của tôi cũng đồng cảm với nhà khoa học nghèo vật chất ”.
Ba năm sau, thành quả hiện rõ: lứa ba kích đầu tiên được thu hoạch cuối năm 2015, được UBND tỉnh Quảng Ninh và các sở ban ngành đón nhận, đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và đóng góp trong thay đổi cơ cấu cây trồng.
Sau thành công của nghiên cứu, chị tiếp tục triển khai đề tài, dự án trồng cây Ba kích tại Hoà Bình, Quảng Nam, Lào Cai.
![]() |
Nhóm nghiên cứu thu mẫu tại vùng trồng dược liệu Trà hoa vàng |
Không dừng lại ở Ba kích, Nguyễn Thị Thúy Hường còn thành công với cây Lan kim tuyến – dược liệu quý hiếm có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như: tăng cường đề kháng, giải độc, hỗ trợ điều trị viêm gan, tiểu đường, u bướu… Chị cùng Viện sinh học đã đưa giống Lan kim tuyến ra thị trường với số lượng lớn, chất lượng đồng đều nhờ công nghệ nuôi cấy mô.
Tại Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần IV ở Huế, chị mang đến 4 sản phẩm mới từ thảo dược, trong đó có 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe: GlyCumina: Hỗ trợ giảm viêm loét dạ dày, bảo vệ niêm mạc; HupBraina: Hỗ trợ hoạt huyết, giúp tăng cường tuần hoàn máu não, giảm đau đầu, mất ngủ, suy giảm trí nhớ nhớ do thiểu năng tuần hoàn não….. 2 sản phẩm mỹ phẩm là Goldcamegell – sữa rửa mặt chiết xuất từ Trà hoa vàng; Bisleana – dung dịch vệ sinh vùng kín từ dược liệu tự nhiên.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường và Tiến sĩ Bá Thị Châm giới thiệu sản phẩm được phát triển, bào chế từ các kết quả nghiên cứu khoa học tại Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV -2025. |
Điểm nổi bật của các sản phẩm này là sử dụng thảo dược quý, chiết xuất chọn lọc, bào chế bằng công nghệ nano, do chính Tiến sĩ Hường nghiên cứu và phát triển từ các đề tài khoa học. Khi nhắc đến việc phát triển các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, Nguyễn Thị Thúy Hường luôn nhắc đến Tiến sĩ Bá Thị Châm, nhà khoa học nữ (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đam mê nghiên cứu về thảo dược, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, nâng tầm cây thuốc bản địa ở Việt Nam. Chính Tiến sĩ Bá Thị Châm đã phối hợp bào chế, nâng tầm các kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường thành sản phẩm ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe.
" Tiến sĩ Bá Thị Châm rất giỏi. Tôi thật sự may mắn khi được chị ấy đồng hành, hỗ trợ. Dân khoa học nghiên cứu ra kết quả là vui lắm. Kết quả lại được ứng dụng ra sản phẩm thì niềm vui nhân lên nhiều lần. Khi sản phẩm của chúng tôi đưa ra thị trường, được người tiêu dùng đón nhận và phản hồi tốt, nhiều đồng nghiệp đã đặt câu hỏi với tôi và Châm: " Sản phẩm giá trị thế mà sao giá thành ... lại không không tương xứng? Các các bạn làm vì đam mê à?". Có lẽ chúng tôi là những người như vậy thật"- Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường xúc động chia sẻ.
![]() |
Hai nhà khoa học thu mẫu tại vùng trồng Cỏ đuôi chuột |
Bảo tồn dược liệu quý – Gìn giữ tinh hoa cổ truyền
Tiến Nguyễn Thị Thúy Hường đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý của Việt Nam. Chị đã ứng dụng công nghệ sinh học để xây dựng quy trình nhân giống, bảo tồn và chọn tạo các loài như: trà hoa vàng, thạch hộc tía, thạch tùng răng, lan kim tuyến, sâm đất, sâm Ngọc Linh…
“Việc ứng dụng công nghệ sinh học để bảo tồn nguồn gen, chọn tạo giống dược liệu quý là hướng đi tất yếu trong bối cảnh nguồn dược liệu tự nhiên đang bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt vùng nguyên liệu. Tôi muốn góp phần nhỏ bé để lưu giữ, khôi phục lại những vùng dược liệu quý của dân tộc và kết hợp với doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường”, chị tâm huyết chia sẻ.
Trong quá trình nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường thẳng thắn nhìn nhận khó khăn lớn nhất không nằm ở kỹ thuật mà ở thị trường: “Nhà khoa học mới chỉ làm khoa học, có niềm vui khi tạo ra sản phẩm nhưng chưa có nhiều kiến thức kinh doanh. Người tiêu dùng cũng chưa quen sử dụng sản phẩm từ thảo dược".
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường và Tiến sĩ Bá Thị Châm giới thiệu các sản phẩm mới tại Triển lãm trong khuôn khổ Hội Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV-2025 (Huế). |
Tuy vậy, với sự kiên trì và tâm huyết, sản phẩm của chị đã được người tiêu dùng đón nhận và quay lại sử dụng. Đây là động lực lớn giúp chị tiếp tục hành trình.
Không dừng lại, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường tiết lộ: “Sắp tới từ kết quả nghiên cứu các đề tài đã được đánh giá cao trong hội đồng nghiệm thu các cấp, tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Tiến sĩ Bá Thị Châm và các nhà máy để ra mắt các sản phẩm bổ gan, bổ huyết, tăng cường sức đề kháng, chống oxy hóa và một số sản phẩm làm đẹp cho chị em phụ nữ.
Dung dị, chân chất, nhà khoa học nữ Nguyễn Thị Thúy Hường cho người đối diện cảm giác thân thiện, ấm áp, tin cậy với những chia sẻ đầy tâm huyết khẳng định tình thần bền bỉ của một nhà khoa học chân chính. Chị không chỉ là người tối ưu bộ rễ ba kích, mà còn đang âm thầm gìn giữ và nâng tầm giá trị các loại cây thuốc Việt Nam – kho tàng quý giá của dân tộc.
TS Bá Thị Châm: “Sản phẩm của tôi có nguồn gốc dược liệu sạch và chất lượng được đánh giá tương đương với hàng ngoại nhập”
Được ghi nhận là người “nâng tầm cây thuốc Việt”, TS Bá Thị Châm có hơn 20 sản phẩm được thương mại hóa và được người bệnh tin dùng.