Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu sinh tại Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ông là tác giả nhiều cuốn sách lý thú về Toán học, từng là chuyên viên chỉ đạo môn Toán của Bộ GD&ĐT, nhiều năm là Trưởng đoàn thi Olympic toán quốc tế IMO của Việt Nam từ thời kỳ đầu.
Giáo sư Lê Hải Châu có 3 người con trai là Lê Hải Khôi, Lê Hải Thanh, và người con thứ 3 là thứ trưởng bộ GD-DT Lê Hải An (vừa qua đời).
Một bức ảnh gia đình NGND Lê Hải Châu năm 1977 |
Trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Toán học, giáo sư Lê Hải Châu đã đào tạo nhiều thế hệ học trò đi thi học sinh giỏi Toán Quốc gia và Quốc tế.
Dấu ấn lớn nhất của NGND Lê Hải Châu chính là sự đóng góp trong lịch sử hơn 40 năm của Olympic Toán quốc tế Việt Nam.
Đầu năm 1973, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Trở về Việt Nam sau một chuyến công tác, Giáo sư Hoàng Tuỵ xin gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đề nghị đưa đoàn Việt Nam dự thi Olympic toán quốc tế, Thủ tướng đồng ý, nhưng nói thêm: "Chỉ có một điều tôi đòi hỏi các anh là đừng để Việt Nam ta đứng cuối bảng!".
Đầu tháng 2/1974, Bộ Giáo dục CHDC Đức chính thức mời Bộ Giáo dục nước ta cử đoàn tham gia IMO lần thứ 16, được tổ chức tại Berlin vào hè năm 1974.
Một đội tuyển được thành lập gấp rút, chỉ có 5 người, thay vì đủ 8 người như các đoàn. Trưởng đoàn dẫn 5 học sinh sang Berlin là thầy Lê Hải Châu và thầy Phan Đức Chín. Mụctiêu đặt ra của đoàn Việt Nam khi ấy là một huy chương đồng. Thế nhưng, kết quả chúng ta có 4 đoạt huy chương: Hoàng Lê Minh (vàng), Vũ Đình Hòa (bạc), Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng (đồng). Nguyễn Quốc Thắng cũng chỉ thiếu 1 điểm thì giành huy chương đồng.
Đoàn 5 học sinh đi thi Olympic Toán quốc tế 1974 cùng các thầy giáo (Ảnh tư liệu của ông Vũ Đình Hoà) |
Thầy Lê Hải Châu lúc đó đã trả lời báo bưu điện CHDC Đức ngày 26/8/1974: "Người ta vỗ tay lâu nhất để hoan nghênh đoàn học sinh Việt Nam lần đầu dự thi với 5 em đã chiếm 4 giải, trong đó có một giải vàng. Làm thế nào mà giải thích nổi tại sao những học sinh của một đất nước đang trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc lại có được một vốn kiến thức toán học tốt như vậy".
Năm 1979, thầy Lê Hải Châu cũng là người dẫn dắt đội tuyển Olympic Toán học Việt Nam "mang chuông đi đấm xứ người" ở Anh với thành tích lịch sử HCV cùng lời giải hay nhất cho Lê Bá Khánh Trình. 3 thí sinh khác giành giải Bạc.
Một trong các cuốn sách về Olympic Toán quốc tế của thầy Lê Hải Châu |
Năm 2007, nhà giáo Lê Hải Châu ra mắt cuốn sách Kể chuyện Olympic Toán quốc tế, kể về các kỳ thi mà ông đã đưa đoàn Việt Nam tham dự từ năm 1974 đến 1981. Có 7 kỳ thi đã có dấu ấn của nhà giáo Lê Hải Châu.
Ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào 19/11/2008.
Gia đình NGND Lê Hải Châu trong lễ mừng thọ 90 tuổi thầy năm 2016 |
Trong sự nghiệp giáo dục, ông là người luôn nhiệt thành, đi đầu trong công cuộc cải tổ giáo dục nói chung và bộ môn Toán nói riêng. Ông cho rằng: Ngành giáo dục đã đến lúc phải làm lại chương trình các môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống, thiếu hệ thống trong từng cấp và giữa các cấp, giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: 'Sân khấu dân gian cần những tác phẩm chấn động như chiến công của U23'
'Nghệ thuật văn hóa dân gian của chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm đi sâu vào mong muốn của công chúng. - Tác giả Nguyễn Toàn thắng chia sẻ